Phục hồi sản xuất nông nghiệp, 'chạy đua' thực phẩm Tết

23-10-2021 11:38 | Thị trường
google news

SKĐS - Trong khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng bắt tay khôi phục lại sản xuất, dồn sức cho "mùa vụ" Tết nguyên đán để "gỡ" lại giai đoạn ảnh hưởng vừa qua.

Linh hoạt sản xuất trong tình hình mới

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có hơn 2.100 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và lớn, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 1.600 DN đã phải ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, số còn lại chỉ là sản xuất cầm chừng để giữ các đơn hàng xuất khẩu.

Khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Phục hồi sản xuất nông nghiệp, "chạy đua" thực phẩm Tết - Ảnh 1.

Các DN nông nghiệp đang dốc sức cho mùa Tết.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; đồng thời xây dựng các giải pháp khắc phục các chuỗi ngành hàng, đặc biệt các ngành hàng xuất khẩu; bảo đảm đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 44 tỷ USD; tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ các loại nông sản...

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản thông tin, Cục thường xuyên tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất, cân đối cung cầu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm, dịp lễ, tết; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, để thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp đôn đáo "mùa Tết"

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú thông tin, hiện tại, việc vận chuyển hàng hóa đã thuận lợi hơn, các cảng xuất nhập khẩu cũng được mở trở lại… Tập đoàn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản tăng cao tại thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, phấn đấu duy trì ổn định sản xuất từ nay đến hết năm 2021 - đạt hơn 70% kế hoạch để bảo đảm các đơn hàng đã ký.

Lãnh đạo Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) cho biết, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng nấm kim châm trên thị trường sẽ tăng cao, công ty sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho các siêu thị Vinmart, Big C, Co.opmart, Lotte, Aeon Mall… và các cửa hàng thực phẩm sạch (hơn 3 tấn nấm/ngày).

Phục hồi sản xuất nông nghiệp, "chạy đua" thực phẩm Tết - Ảnh 2.

Các HTX sản xuất rau an toàn mạnh dạn mở rộng sản xuất

Một số DN nông nghiệp khác lại đẩy mạnh khai thác khách hàng qua kênh thương mại điện tử. Đại diện Công ty Kim Minh International (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây) cho biết, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm và tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới.

Những thành tựu trong sản xuất là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của Hà Nội vẫn còn những hạn chế nhất định. Hiện thành phố mới có 76 chuỗi liên kết sản phẩm rau, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua các hợp tác xã chỉ chiếm 6,1% so với tổng diện tích sản xuất. Do vậy, phát triển rau an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đang hướng tới.

Để thúc đẩy mạnh hơn nữa "sức bật" cho DN, các Sở NN&PTNT các địa phương cũng chủ động đưa ra nhiều biện pháp cụ thể hỗ trợ. Điển hình như trong lĩnh vực rau an toàn tại Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, quản lý chất lượng vùng rau…, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi rau an toàn về chi phí tư vấn xây dựng các mối liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm... Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn cho nông dân.

Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm Trần Văn Tuấn thông tin, có thêm sự hỗ trợ từ địa phương, cơ sở sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, đẩy mạnh việc mở rộng quy mô hệ thống nhà lưới nhà màng; tăng số lượng cửa hàng phân phối do hợp tác xã làm chủ và không ngừng mở rộng chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn.

Sự nỗ lực tự thân của các DN nông nghiệp, đi cùng với các biện pháp hỗ trợ từ chính quyền đã tiếp thêm tự tin, tạo điều kiện cho DN nông nghiệp trước mắt có một "mùa Tết" thành công, tạo đà để nhanh chóng phục hồi, bứt phá sau đại dịch.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người dân và du khách ở Khánh Hòa thích ứng an toàn với COVID-19


Minh Thu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn