Hà Nội

Nhu cầu đi lại của người dân cao, doanh nghiệp đường sắt kiến nghị tăng nhiều đoàn tàu

20-10-2021 18:01 | Doanh nghiệp

SKĐS - Tuần đầu chạy thí điểm khi dịch bệnh COVID-19 bước đầu được kiểm soát, hành khách trên các chuyến tàu gần như kín chỗ, không phát hiện ca dương tính.

Cần bổ sung quy định cho hành khách dưới 18 tuổi có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách các lĩnh vực.

Đối với vận tải đường sắt, Bộ GTVT cho biết, trên tuyến Hà Nội - TP.HCM chạy 2 đôi tàu, bình quân 1 chuyến có 603 hành khách.

Tổng cộng đến ngày 17/10 đã tổ chức chạy 16 chuyến tàu với 9.651 hành khách. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy 1 đôi tàu/ngày đêm, bình quân 1 chuyến tàu có 126 hành khách. Tổng cộng đến ngày 17/10 đã tổ chức chạy 10 chuyến tàu với 1.263 hành khách.

"Công tác kiểm soát hành khách trên các chuyến tàu đều tuân thủ theo quy định. Tính đến thời điểm ngày 18/10/2021 chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với COVID-19", văn bản báo cáo của Bộ nêu.

Về kế hoạch chạy tàu tiếp theo sau giai đoạn thí điểm, Bộ GTVT đề xuất sẽ áp dụng từ ngày 21/10/2021. Theo đó, trên tuyến Hà Nội - TP.HCM chạy tối đa không quá 4 đôi tàu/ngày đêm.

Trên khu đoạn Hà Nội - Vinh chạy 1 đôi tàu/ngày đêm; Đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng chạy 1 đôi tàu/ngày đêm. Còn trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy tối đa 3 đôi tàu/ngày đêm.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân bằng đường sắt rất cao. Trong những ngày qua, tỷ lệ lấp đầy trên các đoàn tàu tuyến Hà Nội - TP.HCM và tuyến Hà Nội - Hải Phòng luôn đạt xấp xỉ 100%.

Ông Nguyễn Tô Hòa, Phó giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt miền Bắc cho biết, sau 1 tuần triển khai, tại các ga có đón trả khách, việc bán vé diễn ra suôn sẻ. Từ khi tổ chức chạy tàu khách giai đoạn thí điểm từ 13/10 đến nay, nhu cầu đi tàu rất cao, các chuyến tàu hầu như kín chỗ.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện nghiêm việc vận chuyển các hành khách đủ điều kiện đi tàu. Hành khách đều đáp ứng được điều kiện và không phàn nàn gì về các quy định phòng dịch hay công tác tổ chức vận chuyển.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, hiện nhiều ga đường sắt, y tế địa phương chưa bố trí các điểm test dịch vụ để tạo thuận lợi cho hành khách test nhanh trước khi đi tàu. Vì vậy, chi nhánh kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT cho phép tăng thêm các ga tàu được dừng đón, trả khách.

Cùng đó, để tạo thuận lợi cho hành khách cũng như cho doanh nghiệp vận tải đường sắt tổ chức chạy tàu hiệu quả, chỉ nên thực hiện bán vé giãn cách đối với các toa riêng chở các hành khách đi từ các vùng nguy cơ cao và rất cao.

Nhu cầu đi lại của người dân cao, doanh nghiệp đường sắt kiến nghị tăng nhiều đoàn tàu - Ảnh 1.

Tại Ga Hà Nội, rất đông người dân đến mua vé đi các tỉnh phía Nam.

Việc thiếu vé tàu trong những ngày gần đây, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, do các quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch và do nhu cầu của người dân đi lại 2 chiều tăng cao, trong khi tàu phải ngồi giãn cách. Trong thời gian tới, nếu lượng người đi tàu tăng cao, công ty sẽ điều thêm các đôi tàu để phục vụ nhu cầu của hành khách.

Theo ông Minh, hiện có nhiều khó khăn cho khách đi tàu là trong bản cam kết phòng dịch (Phụ lục 1 Quyết định 1782) không có mục kê khai nơi cư trú của hành khách trước khi lên tàu. Trong khi đó, các địa phương yêu cầu phải cung cấp thông tin nơi đi của hành khách để kiểm tra tình trạng nguy cơ của địa phương nơi đi. Do đó, cần thay thế mục "Hộ khẩu thường trú" bằng mục "Nơi cư trú trước khi đi tàu" để hành khách kê khai.

Quyết định 1782 quy định, trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vaccine theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến tàu thì phải đáp ứng quy định về kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, thực tế phát sinh trường hợp hành khách dưới 18 tuổi từ vùng nguy cơ cao tự đi tàu, nghĩa là thuộc đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm vaccine nhưng cũng không đi cùng người thân, nên không thuộc đối tượng hành khách theo quyết định này.

"Vì vậy, cần bổ sung quy định cho hành khách dưới 18 tuổi có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi được phép đi tàu", ông Minh kiến nghị.

Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt

Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 1769 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định của Chính phủ cho biết, đường sắt là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Vì vậy, mục tiêu của quy hoạch là phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn; Phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài. Tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.

Đồng thời từng bước đa dạng hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, vận tải đường sắt; Tập trung nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng các tuyến đường sắt; Tiếp cận huy động nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị, phương tiện, kinh doanh đường sắt.

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, về kết cấu hạ tầng sẽ nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có; Triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM).

Đồng thời, ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP.HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Nhu cầu đi lại của người dân cao, doanh nghiệp đường sắt kiến nghị tăng nhiều đoàn tàu - Ảnh 2.

Chính phủ mong muốn các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để phát triển ngành đường sắt.

Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 được quy hoạch gồm 7 tuyến đường sắt hiện có tổng chiều dài khoảng 2.440 km và 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, chiều dài khoảng 1.545 km.

Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 được quy hoạch gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.

Quy hoạch cũng đưa ra các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM ưu tiên triển khai đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP.HCM.

Đồng thời sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; Triển khai các tuyến, đoạn tuyến đường sắt mới tăng cường kết nối, ưu tiên xây dựng các tuyến kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải, đường sắt đầu mối Hà Nội.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về định hướng đầu tư, quy mô, chiều dài trong quy hoạch được tính toán theo nhu cầu dự báo. Trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực đầu tư và khả năng kết nối, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án.

Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương hoặc nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai sớm hơn.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn