Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chuỗi sản xuất sau dịch COVID-19

18-10-2021 19:07 | Thị trường

SKĐS - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi chuỗi sản xuất sau dịch COVID-19.

Các khu công nghiệp đang tăng tốc nối lại chuỗi sản xuất

Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tại tỉnh Bình Dương, hầu hết doanh nghiệp quan tâm thủ tục để trở lại sản xuất kinh doanh; quy trình xét nghiệm trong quá trình sản xuất; hoạt động theo mô hình "3 xanh" và vấn đề vaccine phòng COVID-19.

Đến nay, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã hoạt động lại 100%, tuy nhiên công suất chỉ mới đạt 44% so với trước khi có dịch.

Ngay khi trở về trạng thái bình thường mới, Sở Công thương Bình Dương đã đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất trở lại xây dựng phương án trong tình hình mới, gửi các cấp, ngành, địa phương và triển khai ngay việc mở cửa khi bảo đảm các điều kiện theo quy định. Bình Dương sẽ trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tái hoạt động và thực hiện công tác hậu kiểm. Sở Công thương Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm nhằm đẩy nhanh hoạt động tái sản xuất. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại.

Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh Bình Dương cũng đã giới thiệu cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn kít test đạt chất lượng với giá chỉ vài chục nghìn đồng/test. Doanh nghiệp được phép gộp 3 đến 5 mẫu nên chi phí xét nghiệm cho mỗi công nhân sẽ rất thấp. Đồng thời, thời hạn kết quả xét nghiệm tới 7 ngày. Hiện người lao động ở Bình Dương đã tiêm mũi 1 và dự kiến trong tháng 10 này sẽ phủ 100% mũi 2.

Tại tỉnh Bến Tre, nhìn chung hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cơ bản đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Tính đến giữa tháng 10/2021, toàn tỉnh có 2.258 doanh nghiệp đang hoạt động với 67.015 lao động. Trong đó có 8 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" với 863 lao động; 2.250 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới với 66.152 lao động. Tỉnh bến Tre cũng đang tích cực triển khai Kế hoạch đưa người lao động trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để làm việc.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chuỗi sản xuất sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Sau khi các tỉnh thành công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch COVID-19. Ảnh: An Châu

Còn tại tỉnh Đồng Nai, hiện có 3.180 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 669 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 49 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ trung bình. Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công thương và ban ngành địa phương, các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất theo các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. 

Tổng số doanh nghiệp đang thực hiện phương án "1 cung đường 2 địa điểm" là 104 doanh nghiệp với số lao động lưu trú 10.158 người. Tổng số doanh nghiệp thực hiện cả 2 phương án là 12 doanh nghiệp với số lao động lưu trú 2.794 người. 

Số doanh nghiệp đang ngừng hoạt động do không thực hiện 3 tại chỗ trước đây, nay có nhu cầu hoạt động trở lại và được chấp thuận cho người lao động đi về hàng ngày là 24 doanh nghiệp với số lao động 5.545 người.

Ổn định cung ứng hàng hoá trong trạng thái "bình thường mới"

Cũng theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, trong ngày 15 và ngày 16/10, tại TP Hà Nội, số chợ bị tạm dừng hoạt động do có liên quan đến ca mắc COVID-19 hiện chỉ còn 6/449 chợ.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, thực hiện 5K, lắp đặt màn ngăn giọt bắn, tấm chắn tránh tiếp xúc trực tiếp… Sở Công Thương Hà Nội  tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm các tỉnh vào các kênh phân phối, siêu thị, nhà hàng kinh doanh ăn uống, chợ; hỗ trợ các tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa, Quảng Trị giới thiệu 50.000 tấn nông thủy hải sản, sản phẩm OCOP tại thị trường Hà Nội.

Tại TP Đà Nẵng, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số hộ kinh doanh ra bán tại chợ Hàn và chợ đầu mối Hòa Cường tiếp tục giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Sở Công Thương Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại xây dựng phương án phòng, chống dịch trước và trong thời gian tổ chức hội chợ EWWC-Đà Nẵng 2021.

Ngày 15/10, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chuỗi sản xuất sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tình hình thị trường tại các tỉnh thành ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến. Ảnh: Bảo Nguyên

Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì ổn định. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu người dân. Tính đến ngày hôm nay 15/10, đã có 68 chợ truyền thống (tăng 20 chợ so với ngày hôm qua) chính thức hoạt động tại các quận: 1, 3, 5, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú; huyện Củ Chi, Cần Giờ và thành phố Thủ Đức. Như vậy, ngoài các chợ quy mô nhỏ, những chợ có quy mô lớn như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... đều đã được cho mở trở lại, trong đó chợ An Đông cho mở lại với tất cả các ngành hàng.

Hiện còn 8 quận huyện chưa mở lại chợ gồm quận 4, 6, 7, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Tại một số chợ mở lại, dù lượng khách chưa nhiều, một số tiểu thương có tâm lý ngại mở bán nhưng ban quản lý nhiều chợ vẫn xem xét các phương án tăng dần quy mô hoạt động, trong đó ngoài mặt hàng lương thực thực phẩm, một số chợ dự kiến cho bán thêm các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Các chợ được mở lại phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch theo bộ quy tắc của Thành phố ban hành. Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 Chợ Đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền vẫn tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh (trung bình từ 1.000 – 1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm).

Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 2.976/3101 cửa hàng tiện lợi (có thêm 2 cửa hàng hoạt động trở lại so với ngày 14/10/2021) để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 14/10 và sáng 15/10 tương đương so với hôm trước, ước đạt 5.597,9 tấn/ngày, trong đó: Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 14/10 ước đạt 1.370 tấn/ngày; Các doanh nghiệp Bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại); Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 15/10 tương đương so với ngày 14/10, ước đạt 1.560 tấn/đêm (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 630 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 945 tấn/ngày).

Ưu tiên cao nhất là gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, với quyết tâm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp ở mức cao nhất để ổn định sản xuất, nhiều biện pháp hỗ trợ được triển khai như: Đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất trong bối cảnh thực hiện giãn cách để hạn chế lây lan dịch bệnh; bố trí sản xuất an toàn trong các doanh nghiệp; xử lý các ách tắc nguồn cung do đứt gãy chuỗi cung ứng; tháo gỡ các vướng mắc về thị trường và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Cùng đó là các biện pháp về hỗ trợ, giảm tiền điện cho doanh nghiệp và nguời dân với số tiền lên tới 16.750 tỷ đồng trong 5 lần giảm giá điện trong năm 2020 và 2021.

"Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống; Nâng cao năng lực triển khai hoạt động trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại để phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, khuyến khích các Hiệp hội, doanh nghiệp logistics có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa nông sản, thủy sản", Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn