1. Chất diệp lục là gì?
Diệp lục là một loại sắc tố thực vật chịu trách nhiệm hấp thụ ánh sáng trong quá trình quang hợp, tạo ra năng lượng.
Theo Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, chất diệp lục là sắc tố màu xanh lá cây trong thực vật, tảo và vi khuẩn lam, rất cần thiết cho quá trình quang hợp. Cho đến nay ứng dụng quan trọng nhất của diệp lục là quang hợp nhưng nó cũng đã được sử dụng làm chất tạo màu xanh lá cây trong thực phẩm, mỹ phẩm, xà phòng và đồ uống có cồn…
Vậy chất diệp lục có quan trọng đối với con người ngoài việc duy trì đời sống thực vật?
2. Tác dụng của chất diệp lục đối với sức khỏe con người
Trong thực vật tự nhiên, chất diệp lục được tìm thấy trong tất cả các loại cây xanh, bao gồm các loại rau lá xanh mà chúng ta thường ăn cùng với một số loại tảo hoặc vi khuẩn. Trong phòng thí nghiệm, một hỗn hợp bán tổng hợp tương tự được gọi là chlorophyllin được tạo ra trong phòng thí nghiệm và được sử dụng trong các chất bổ sung dưới dạng chất diệp lục lỏng thường được sử dụng để điều trị vết thương ngoài da, mùi cơ thể, các vấn đề về tiêu hóa…
Nghiên cứu cho thấy, chất diệp lục được cho là có tác dụng trung hòa các chất oxy hóa, có nghĩa là chúng làm giảm hiệu quả tổn thương oxy hóa do các yếu tố như chế độ ăn uống kém, chất gây ung thư hóa học, tiếp xúc với tia UV và bức xạ.
Bảo vệ gan, giảm nguy cơ ung thư
Các báo cáo của Viện Linus Pauling tại Đại học bang Oregon (Mỹ) cho thấy, chất diệp lục có thể ngăn chặn sự hấp thu aflatoxin-B1 ở người và làm giảm các dấu ấn sinh học về tổn thương DNA do aflatoxin gây ra. Các phát hiện từ một số nghiên cứu khác trên động vật và con người cho thấy những tác động này giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư gan và ruột kết.
Cơ chế mà chất diệp lục làm giảm nguy cơ phát triển ung thư và làm sạch gan là bằng cách can thiệp vào quá trình chuyển hóa chất gây ung thư của hóa chất. Một cách khác mà chất diệp lục có thể bảo vệ các tế bào khỏe mạnh và mô cơ thể là tăng cường các enzyme chuyển hóa sinh học giai đoạn II. Những thứ này thúc đẩy sức khỏe gan tối ưu và do đó cơ thể loại bỏ các độc tố có hại một cách tự nhiên.
Thúc đẩy chữa lành vết thương
Chất diệp lục có thể làm chậm tốc độ sinh sản của vi khuẩn có hại, giúp ích cho việc chữa lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng. Kể từ khoảng những năm 1940, cholorphyllin đã được thêm vào một số loại thuốc mỡ dùng để chữa lành vết thương hở dai dẳng ở người, chẳng hạn như loét mạch máu và loét do tỳ đè.
Nó được chứng minh là giúp giảm viêm do chấn thương hoặc vết thương, thúc đẩy quá trình lành vết thương và kiểm soát mùi hôi do tích tụ vi khuẩn.
Cải thiện tiêu hóa và kiểm soát cân nặng
Một cách khác mà chất diệp lục cải thiện quá trình giải độc là tăng tốc độ loại bỏ chất thải, cân bằng lượng chất lỏng và giảm các trường hợp táo bón. Ngoài ra, nghiên cứu sơ bộ cho thấy chất diệp lục hỗ trợ quá trình trao đổi chất và tăng khả năng thành công trong nỗ lực giảm cân.
Một nghiên cứu năm 2014 do Khoa Khoa học y tế thực nghiệm tại Đại học Lund ở Thụy Điển thực hiện cho thấy, bổ sung chất diệp lục cùng với bữa ăn giàu carbohydrate làm giảm cảm giác đói, tăng mức cholecystokinin và giúp ngăn ngừa hạ đường huyết ở phụ nữ thừa cân.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng bổ sung chất diệp lục giúp cân bằng việc giải phóng các hormone khiến chúng ta cảm thấy no hơn, bao gồm cholecystokinin, ghrelin và insulin. Mặc dù các nghiên cứu cho đến nay chủ yếu xem xét tác dụng giảm cân của chất diệp lục do loài gặm nhấm hấp thụ, nhưng kết quả cho thấy nó có thể giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn và ngăn ngừa tăng cân.
3. Nguồn thực phẩm chứa chất diệp lục an toàn nhất
Nguồn thực phẩm chứa chất diệp lục tốt nhất được tìm thấy trên hành tinh là rau xanh và tảo. Đây là nguồn thực phẩm hàng đầu nên kết hợp vào chế độ ăn uống để có được những lợi ích của chất diệp lục. Ngoài ra, ngay cả những loại trái cây và rau quả không có màu xanh cũng có thể chứa chất diệp lục như: táo, ớt chuông, bạc hà, mùi tây, húng quế tím…
Các loại rau xanh như: cải xoăn, rau bina, rau diếp… có sắc tố đặc trưng nhờ nồng độ diệp lục cao. Tuy nhiên cần lưu ý, hàm lượng chất diệp lục có thể giảm khi rau xanh được nấu chín, rã đông sau khi đông lạnh hoặc khi chúng bắt đầu hư hỏng. Do vậy, để tiêu thụ nhiều chất diệp lục nhất, bạn nên ăn sống hoặc nấu sơ qua rau bằng nhiệt độ thấp.
Hàm lượng chất diệp lục của các loại rau sống như sau:
- 1 cốc rau bina: 23,7 mg
- 1/2 cốc rau mùi tây: 19,0 mg
- 1 chén đậu xanh: 8,3 mg
- 1 cốc tỏi tây: 7,7 mg
- 1 chén đậu Hà Lan có đường: 4,8 mg
- 1 chén bắp cải: 4,1 mg
4. Sử dụng chất bổ sung diệp lục có an toàn không?
Ngoài việc ăn những thực phẩm có màu xanh lá cây cung cấp chất diệp lục, còn có những chất bổ sung cung cấp các đặc tính có lợi của sắc tố thực vật như tảo xanh chlorella - một loại tảo màu xanh lam có nguồn gốc từ các vùng của châu Á, có chứa nhiều chất diệp lục cùng với nhiều chất dinh dưỡng thực vật, acid amin, vitamin và khoáng chất.
Chất diệp lục tự nhiên không được coi là độc hại, ngay cả ở những người có hệ miễn dịch yếu hay mắc bệnh. So với việc ăn thực phẩm có chứa chất diệp lục một cách tự nhiên, việc bổ sung chất diệp lục có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như nước tiểu hoặc phân đổi màu xanh lá cây, lưỡi đổi màu tạm thời hoặc khó tiêu/tiêu chảy nhẹ…
Ở phụ nữ mang thai, chất bổ sung diệp lục hoặc chlorophyllin chưa được nghiên cứu nhiều, vì vậy không nên sử dụng chúng trong thời kỳ mang thai hoặc khi cho con bú… Để an toàn nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia và chọn nhà sản xuất uy tín nếu muốn sử dụng các sản phẩm bổ sung chất diệp lục.
Xem thêm video đang được quan tâm
3 thực phẩm giàu collagen bạn nhất định không được lãng phí.