Ngộ độc khi ăn trứng kiến không phải là phổ biến
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi ăn trứng kiến. Khoảng 1 giờ sau khi ăn, T.T.H., 20 tuổi (ở Quảng Ninh), xuất hiện nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở, nôn và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Những trường hợp ngộ độc trứng kiến vẫn xảy ra khiến nhiều người cho rằng trứng kiến là loại thực phẩm chứa độc tố, hiểu đúng điều này như thế nào?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong kiến và trứng kiến gai đen chứa một lượng phong phú protein, muối khoáng và một lượng nguyên tố vi lượng, cụ thể chứa một lượng phong phú protein, muối khoáng và một lượng nguyên tố vi lượng: 120-198mg Zn2 +/Kg, lượng protein chiếm 40-67%, trong đó có đến trên 20 loại acid amin với 8 loại acid amin là lysine, leucine, isoleucin, valin, arginin, phenylanin, methionine, histidin là những acid amin mà cơ thể người không tự tổng hợp được.
Trứng kiến chứa một lượng Vitamin A, D, E, B1, B2, B12, E…, 10 nguyên tố đa, vi lượng: Ca2+, K2+, Cu2+, Fe2+, Zn2+, Br-, Mn2+, Cr2+, đáng kể và một hàm lượng các chất acid formic, hydrocacbon alphatic, isoxanthopterin, 2-amino-6-hydroxypteridin và bioterin. Nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Vân Thái và cộng sự (Bệnh viên Y học cổ truyền TW) cũng cho biết trong dịch chiết từ trứng kiến gai đen có tác dụng tăng cường thể lực, tăng cường hoạt động thần kinh cao cấp trên động vật thí nghiệm.
Ở Việt Nam, nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Vân Thái và cộng sự ở Bệnh viên Y học Cổ truyền Trung Ương cũng cho biết trong dịch chiết từ trứng kiến gai đen có tác dụng tăng cường thể lực, tăng cường hoạt động thần kinh cao cấp trên động vật thí nghiệm. Các số liệu phân tích cho thấy trứng kiến có thể là một loại thực phẩm tiềm năng chứa nhiều hoạt chất sinh học quý.
Theo nghiên cứu này, trứng của loài kiến gai đen và kiến đen có vị thơm, ngon, bùi hơn so với trứng kiến vàng có vị chua và hơi hắc. Về giá trị dinh dưỡng, và hương vị, trứng kiến gai đen được đánh giá quý và bổ dưỡng nhất nên giá thành thường cao hơn so với các loại trứng kiến khác. Ở vùng nghiên cứu, trứng kiến đã được khai thác làm món ăn đặc sản truyền thống lâu đời, của các đồng bào dân tộc ít người đặc biệt là dân tộc Thái. Người Thái, thường chế biến trứng kiến thành các món như xôi trứng kiến, trứng kiến xào...
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, việc sử dụng kiến và trứng của chúng làm nguồn thức ăn sinh học bổ dưỡng cho con người là một hướng tiềm năng trong xu hướng sử dụng thức ăn côn trùng trên toàn thế giới. Nhìn nhận ở góc độ này, trứng kiến là thực phẩm bổ dưỡng, những trường hợp ngộ độc do ăn trứng kiến có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải là phổ biến.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, trứng kiến thực chất là loại ấu trùng nhỏ giống như trứng ong, nhộng tằm nên có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Đây được coi là món đặc sản của người dân tộc miền núi. Do vậy quan niệm cứ ăn trứng kiến là ngộ độc không phải là hoàn toàn đúng, các trường hợp ngộ độc có thể do nhiều nguyên nhân như trong quá trình làm tổ, kiến tiết độc tố để bảo vệ con non; Người dùng có cơ địa dị ứng với thành phần cụ thể trong trứng kiến nên khi ăn dễ có nguy cơ bị ngộ độc.
Cảnh báo an toàn thực phẩm từ côn trùng
Kiến là loài động vật hoang dã khi làm tổ chúng hay tiết ra độc tố để bảo vệ con non theo nguyên tắc bảo tồn động vật. Do đó, axit có trong kiến thì cũng có thể có trong trứng. Người sử dụng không loại trừ khả năng ăn phải độc tố này dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
GS.TS Bùi Công Hiển cảnh báo, việc an toàn thực phẩm từ côn trùng hiện nay đáng báo động. Hình thức khai thác côn trùng đa dạng, thường là tự phát. Khi xảy ra ngộ độc rất khó biết nguyên nhân (có thể dính thuốc trừ sâu, có thể lẫn côn trùng đã chết bị nấm ký sinh…). Nhiều người bắt được côn trùng lạ, dù không biết nó là loài gì vẫn chế biến để ăn, đây là điều cực kỳ nguy hại.
Trứng kiến là đặc sản cũng như là món ăn quen thuộc của người dân ở một số vùng núi. Tuy nhiên những người có tiền sử dị ứng với thực phẩm như hải sản, sữa, ... không nên ăn trứng kiến. Nếu bạn muốn thưởng thức, hãy thử một lượng nhỏ và xem phản ứng của cơ thể sau đó. Nếu cảm thấy nổi mẩn, ngứa, buồn nôn, ... thì nên ngừng ăn loại trứng này, nếu các triệu chứng nặng hơn nên đến bệnh viện để được cấp cứu. Không ăn trứng kiến bị ôi thiu, vì trong trứng kiến có chứa nhiều protein nên rất dễ bị hỏng, khi ăn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Sơ chế sạch sẽ trứng kiến trước khi ăn để phòng tránh các loại vi khuẩn, ký sinh ở kiến xâm nhập vào cơ thể.
Nhìn chung, trứng kiến không có chứa độc tố nguy hiểm nhưng gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng cho một số người. Do đó, mọi người nên thận trọng khi ăn loại trứng này, đặc biệt không nên ăn với lượng quá nhiều trong thời gian ngắn.
GS. Bùi Công Hiển cũng lưu ý, khi thu bắt ngoài tự nhiên, nếu không cẩn thận vẫn có thể nhầm lẫn với côn trùng không ăn được hay lẫn với tạp chất, nấm mốc có hại. Do đó, không thể khẳng định cứ là côn trùng bắt ngoài tự nhiên thì hoàn toàn sạch, yên tâm sử dụng, kể cả ăn sống. Tùy theo môi trường thu bắt côn trùng để biết côn trùng có sạch không hay bị dính thuốc trừ sâu, dính các tạp chất độc hại khác. Có nhiều trường hợp ăn phải côn trùng nhiễm độc nên cũng ngộ độc theo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 11/10: Buồn ngủ dẫn tới tai nạn, tài xế xe tải "đấu đầu" xe khách bị tạm giữ hình sự | SKĐS