Nguyên nhân gây ra suy thận có thể là do hậu quả của nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến suy thận ngày càng trẻ hóa và có nguy cơ gia tăng là do các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như gout, tăng huyết áp, đái tháo đường… ngày càng nhiều.
Lối sống thiếu khoa học cũng là một trong những yếu tố khiến suy thận ngày càng trẻ hóa. Vậy có những thói quen nào trong sinh hoạt hàng ngày làm tăng nguy cơ suy thận?
Ăn mặn gây suy thận
Một chế độ ăn nhiều muối hoặc ăn quá ngọt không chỉ làm tăng nguy cơ suy thận mà còn không tốt cho sức khỏe. Khi ăn mặn, lượng muối nạp vào cơ thể sẽ tăng lên. Điều này diễn ra trong một thời gian dài sẽ dẫn tới thận bị quá tải gây ra tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý thận, suy thận.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa việc ăn giảm muối và việc cắt giảm hoàn toàn muối trong thực đơn hàng ngày. Trong cơ thể, muối giúp duy trì áp lực thẩm thấu, thăng bằng kiềm toàn, cân bằng nước trong/ngoài tế bào và lòng mạch máu… Nếu ăn quá nhạt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe khiến muối trong cơ thể xuống quá thấp gây hạ natri máu.
Ăn quá nhiều đạm
Tương tự như chế độ ăn nhiều muối, việc tiêu thụ nhiều đạm cũng gây quá tải cho thận. Khi có nhiều chất thải đạm cần đào thải, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn và lâu ngày sức ép lên thận tăng sẽ khiến thận bị suy yếu. Nhu cầu về đạm thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và sức khỏe tổng thể của từng người. Do vậy, bạn nên tham khảo bác sĩ về thực đơn phù hợp với thể trạng bản thân.
Bên cạnh việc ăn giảm muối, giảm đạm bạn cũng nên giảm đường và hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn. Thay vào đó bạn nên bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả, tăng cường chất xơ trong thực đơn hàng ngày.
Không uống đủ nước
Việc không uống đủ nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu ở thận. Khi không uống đủ nước, khả năng lọc, đào thải các khoáng chất ra ngoài của thận bị ảnh hưởng. Lâu ngày gây tích tụ sỏi, tạo gánh nặng cho thận và dẫn tới thận bị suy yếu.
Mỗi ngày, mọi người nên bổ sung từ 2-3 lít nước cho cơ thể. Đây là cách giúp thận hoạt động tốt và tốt cho các hoạt động chung của cả cơ thể. Lượng nước nạp vào cơ thể có thể sử dụng nước lọc hoặc các loại nước trái cây, nước canh rau củ…
Nên hạn chế tiêu thụ các loại nước ngọt, nước có gas, rượu bia hoặc các loại nước trái cây dạng đóng chai, nước trà đặc, cà phê…
Căng thẳng, stress
Nhiều người có thói quen làm việc quá sức, không bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, stress. Đây cũng là một trong những yếu tố có thể gây ra bệnh lý suy thận. Khi căng thẳng, stress người bệnh thường có tâm lý tìm đến các chất kích thích như thuốc lá, caffein, uống rượu… gây hại cho sức khỏe.
Các bạn nên bố trí thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, ngủ đủ giấc để hạn chế tình trạng căng thẳng, stress.
Bên cạnh đó việc tập luyện thể dục thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn là cách để bạn giải tỏa căng thẳng. Nếu có các bệnh lý nền kèm theo cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ.
Suy thận ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì, người bệnh thường có tâm lý chủ quan bỏ qua các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám phát hiện bệnh suy thận đã ở giai đoạn cuối. Do vậy, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ từ 6 tháng – 1 năm/lần để phát hiện sớm và điều trị nếu có.
Xem thêm video được quan tâm:
Suy thận cấp do uống thuốc kháng sinh không theo liều lượng được khuyến cáo | SKĐS