Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng và không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Nếu không được chạy thận hoặc ghép thận, người bệnh sẽ khó duy trì được sự sống.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận
Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận có nhiều trong đó thường gặp như sau:
- Do bệnh lý ở thận: Những bệnh lý ở thận như xuất hiện cục máu đông ở trong thận, viêm cầu thận, sỏi thận, tuyến tiền liệt phì đại, tổn thương dây thần kinh bàng quang… hoặc thói quen nhịn tiểu, uống ít nước... là nguyên nhân dẫn tới suy thận. Đồng thời, nước tiểu tích tụ trong cơ thể và không được bài tiết khiến thận phải hoạt động quá mức, lâu dần tới việc giảm chức năng của thận.
- Do nhiễm trùng và giảm lưu lượng máu đến thận: Ngoài những bệnh lý mạn tính ở thận thì đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới suy thận. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, dị ứng gây phù nề, suy tim, suy gan, nhiễm độc, hội chứng tan máu khiến tăng ure máu, xuất huyết máu khiến giảm tiểu cầu (sốt xuất huyết hoặc mất quá nhiều máu do tai nạn, chấn thương), tiểu đường không kiểm soát, ung thư,…
Phân loại suy thận
Suy thận được chia các giai đoạn như sau:Suy thận giai đoạn 1
Đây là giai đoạn nhẹ nhất của suy thận, gần như người bệnh sẽ không có triệu chứng cụ thể về bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, người bệnh chỉ cần duy trì những thói quen lành mạnh là có thể kiểm soát được tốc độ phát triển, ngăn bệnh diễn tiến nặng hơn.
Suy thận giai đoạn 2
Bệnh đã có thể phát hiện thông qua các chỉ số xét nghiệm nước tiểu, chỉ số mức lọc cầu thận hay các tổn thương trên thận. Tuy nhiên đây vẫn được coi là giai đoạn nhẹ. Người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh kết hợp với tham vấn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt nếu có bệnh nền khác.
Suy thận giai đoạn 3
Khi bước vào giai đoạn trung bình, những triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện rõ ràng hơn bao gồm chân tay sưng phù do tích nước, đi tiểu nhiều, đau quanh lưng,… Lúc này, chức năng thận đã suy giảm tương đối. Ngoài việc bắt buộc phải thay đổi thói quen sinh hoạt, bệnh nhân sẽ cần được thăm khám định kỳ để kiểm soát tốc độ diễn tiến của bệnh.
Suy thận giai đoạn 4
Khi bước sang giai đoạn 4, bệnh suy thận được đánh giá là trung bình – nặng, chức năng thận đã suy giảm đáng kể gây thiếu máu, cao huyết áp,… Ở giai đoạn này bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc nhằm giảm tốc độ thận bị tổn thương nặng hơn.
Suy thận giai đoạn 5
Giai đoạn cuối của bệnh suy thận, chức năng thận của người bệnh suy giảm hoàn toàn, người bệnh thường xuyên thấy buồn nôn, phù nề chân tay, khó thở, tức ngực, mệt mỏi và uể oải, sụt cân,…
Điều trị suy thận
Hiện nay, không có cách chữa khỏi hoàn toàn khi thận đã bị tổn thương, tuy nhiên người bệnh có thể điều trị, duy trì một cuộc sống ổn định:
Đối với điều trị nội khoa: Bao gồm việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống,… nhằm hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng suy thận. Phương pháp này chỉ có thể mang lại cho người bệnh cảm giác thoải mái, làm chậm diễn tiến bệnh và duy trì sự sống.
Chạy thận nhân tạo: Đây là phương pháp phổ biến nhất với người bệnh suy thận. Người bệnh sẽ được lọc máu, làm sạch các chất thải và độc tố có trong máu bằng máy móc bên ngoài thay cho chức năng thận đã suy giảm. Phần máu sạch sau khi lọc sẽ được trả lại về cơ thể.
Với những người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa, có biến chứng rối loạn não, tăng kali máu, giảm hệ số thanh thải creatinin dưới ngưỡng an toàn thì sẽ được chỉ định lọc máu 3 lần/tuần. Chạy thận có tác dụng nhất định với người bệnh, tuy nhiên không thể nào trọn vẹn và hiệu quả như thận bình thường. Ngoài ra chạy thận còn có những hạn chế như chi phí lọc cao, tốn kém thời gian,…
Ghép thận: Ghép thận là cách điều trị tận gốc có hiệu quả nhất trong số các phương pháp điều trị suy thận. Nếu thận khỏe mạnh bình thường sẽ giúp cơ thể giải quyết hầu hết các vấn đề suy giảm chức năng. Thận để ghép có thể đến từ người hiến tạng còn sống hoặc người chết não.
Phẫu thuật ghép thận có tỷ lệ thành công cao, có thể kéo dài sự sống từ 10-20 năm cho người ghép. Tuy nhiên, người ghép cũng có thể gặp phải một số rủi ro như tình trạng đông máu (huyết khối) hoặc chảy máu, tắc niệu quản, nhiễm trùng hoặc phản ứng đào thải,…
Lời khuyên bác sĩ
Suy thận là vấn đề thường gặp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh nhưng nếu được điều trị tốt có thể làm chậm lại sự tiến triển.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đối với những người bệnh suy thận mạn điều trị bảo tồn, cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học sẽ giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn. Người bệnh cần giảm muối dưới 5g/ngày. Những thực phẩm chứa nhiều muối bao gồm các loại thực phẩm lên men: dưa muối, cà muối, dưa chuột muối, kiệu…; các loại thịt, cá chế biến sẵn: thịt xông khói, giò, chả, ruốc, xúc xích… cần hạn chế dùng.
Điều trị suy thận cần kết hợp giữa nghỉ ngơi với điều trị để phục hồi lại sức khỏe. Dù bệnh tình có nghiêm trọng đến đâu cũng cần phải duy trì thái độ sống lạc quan, vui vẻ. Đừng quan tâm nhiều quá đến việc bệnh có chữa được không, điều quan trọng là bạn có tiếp tục muốn được điều trị để duy trì sự sống hay không.