Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tọa lạc bên cây me tây cổ thụ hơn trăm năm tuổi xòa bóng mát như che chở, bao dung những phận người gieo neo mắc bệnh truyền nhiễm phức tạp, trong đó có nhiều người bệnh bị nhiễm HIV, không ít người đã chuyển sang giai đoạn AIDS kèm theo các bệnh đồng mắc.
Các bác sĩ, người nhà bệnh nhân và chính bệnh nhân đều cùng chung một giấc mơ giản dị đó là sự bình yên trong tâm hồn và an yên trong đời sống. Sự bình yên đến không hề dễ dàng...
Bác sĩ là ân nhân cứu mạng...
Để tìm hiểu thêm về việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV, chúng tôi đã gặp PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, ông là một trong những chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh HIV nói riêng. Năm 2008, khi đang học tập, nghiên cứu về đề tài HIV tại Thụy Điển, bác sĩ Cường đã có vinh dự được chứng kiến lễ trao giải Nobel về Y học trao cho các nhà khoa học đã phát hiện ra vi rút HIV, thời điểm đó đã có hơn 25 triệu người đã chết vì HIV và hơn 33 triệu người đang chung sống với HIV.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ xuất sắc tại Thụy Điển, bác sĩ Cường trở về nước và trở thành một trong những nhân tố tích cực thúc đẩy công cuộc phòng chống HIV ở Việt Nam. Bắt tay vào xây dựng Phòng khám Ngoại trú cho bệnh nhân HIV tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2009, đến nay trải qua 15 năm, bác sĩ Cường đã điều trị cho nhiều người bệnh nhiễm HIV, giúp họ từ "hố sâu tuyệt vọng", từ cõi chết về với cuộc đời.
Rất nhiều câu chuyện rưng rưng cảm động vì đã chạm tới sự tận cùng của bóng đêm đau khổ, giằng xé, tới lằn ranh sinh tử, từ những thống khổ bi ai của những phận người mà những người bác sĩ, điều dưỡng chứng kiến, chia sẻ cùng bệnh nhân nhiễm HIV. Qua giới thiệu của BS Cường, chúng tôi đã gặp và trò chuyện cùng đôi vợ chồng đã nhiễm HIV từ 20 năm nay, họ là những bệnh nhân đầu tiên của Phòng Khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV - Bệnh viện Bạch Mai. Họ là đôi bạn thanh mai trúc mã thân nhau từ thời học chung một lớp phổ thông ở ngoại ô Hà Nội.
Năm 1999, sau 10 năm yêu nhau, chỉ còn vài tháng nữa là tổ chức đám cưới thì anh L biết mình nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm chích ma túy, anh giục chị P, người yêu đi thử máu và bàng hoàng khi biết chị cũng có kết quả dương tính. Cả hai ôm nhau khóc và chắc rằng chỉ chết trong nay mai nhưng vẫn quyết định tổ chức đám cưới, cùng giấu hai bên gia đình là bị nhiễm HIV.
Khi biết mình lây nhiễm căn bệnh thế kỷ do tiêm chích ma túy, rồi lại lây sang vợ chưa cưới, anh L vô cùng xót xa ân hận và đã nói không với ma túy từ ngày đó đến bây giờ. Năm 2000, chị P mang thai đôi, nhưng trong bối cảnh chưa có thuốc men và chưa có những hiểu biết gì về căn bệnh khủng khiếp HIV, anh chị đã quyết định bỏ thai đôi trong nỗi luyến tiếc, day dứt khôn nguôi.
Năm 2003, sau 4 năm cùng nhau sống trong nỗi lo sợ bệnh tật sự kỳ thị và mang trong mình nỗi mặc cảm lớn, đôi vợ chồng trẻ đã cùng tự tử bằng cách uống thuốc diệt chuột, mỗi người uống 10 ống thuốc mua ở ngoài chợ, gia đình phát hiện họ trong cơn thập tử nhất sinh và đưa tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu, rửa ruột và điều trị.
Khi tỉnh lại sau cuộc tự tử bất thành, đôi vợ chồng trẻ hiểu ra một điều: Mình muốn chết mà ông trời chưa cho chết, vậy thì phải cố sống cho tốt. Năm 2007, qua giới thiệu của họ hàng, họ đã tiếp cận được bác sĩ Cường và được ông trực tiếp điều trị, theo dõi từ ngày ấy đến nay. Việc điều trị cho anh L và chị P là những chuỗi ngày gian nan thử thách.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết: "Chị P có cơ địa dị ứng, việc tìm ra phác đồ chuẩn phù hợp và hiệu quả là cả một hành trình bền bỉ, công phu, anh chồng thì có bệnh đồng mắc là viêm gan C cùng lây qua đường máu thời tiêm chích ma túy nên việc điều trị cả hai căn bệnh cũng là một hành trình dài đòi hỏi sự tận tâm và sát sao của thầy thuốc".
Bây giờ, trải qua ngót 20 năm là bệnh nhân của bác sĩ Cường, vợ chồng anh L chị P đã trở thành những người thân thiết như anh em trong nhà với vị bác sĩ tài giỏi, tâm huyết, có tấm lòng bồ tát nhưng cũng rất đỗi thẳng tính và nghiêm khắc.
Anh chị tâm sự với chúng tôi: "Bác sĩ Cường không chỉ là ân nhân cứu mạng, là người anh cả dìu chúng tôi từ vực thẳm cô độc về với cuộc đời, mà còn là người thầy chỉ bảo cho chúng tôi phải vươn dậy để sống sao cho tử tế, đàng hoàng, biết vượt lên nỗi mặc cảm, sợ hãi, hòa nhập cộng đồng, biết yêu thương, chia sẻ, biết thế nào là lòng tốt và sự nhân hậu giữa con người với con người, chúng tôi cùng trân trọng từng ngày sống, từng kỷ niệm với các thầy thuốc".
Điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV bằng cả trái tim
Bệnh nhân nam 62 tuổi, sinh trưởng ở vùng quê trung du, một người nông dân thuần phác nhưng lại mang trong mình vi rút HIV từ lâu mà không hề hay biết. Ngày 21/ 10/2024, bệnh nhân đến khám ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao kéo dài, sụt cân, ăn uống kém, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, suy kiệt, mụn mủ rải rác toàn thân. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường type 2, từng bị lao cột sống cách đây 5 năm và đã được phẫu thuật thay 2 đốt sống.
Về dịch tễ, bệnh nhân có bộc bạch đã từng quan hệ tình dục không an toàn nhiều lần với gái mại dâm cách đây khoảng 10 năm, nhưng đáng tiếc là chưa bao giờ xét nghiệm HIV. Qua hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm, thăm dò chẩn đoán, các thầy thuốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai đã chẩn đoán bệnh nhân nhiễm HIV tiến triển (mới phát hiện), suy hô hấp, nhiễm nấm huyết T.marneffei, lao đại tràng, đái tháo đường, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Qua gần 1 tháng điều trị tích cực tại Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt, hết sốt, huyết động ổn định, nhịp tim đều, phổi thông khí tốt, tổn thương da được cải thiện, đại tiểu tiện tốt. Bệnh nhân được xuất viện và chuyển Bệnh viện Bệnh Phổi TƯ để tiếp tục điều trị và theo dõi bệnh lao.
Trường hợp bệnh nhân nêu trên chỉ là một trong những câu chuyện trong bao nhiêu số phận người nhiễm HIV được sàng lọc, chẩn đoán và điều trị tích cực tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Mỗi một người, một số phận chứa chất những nỗi niềm riêng, có xót xa, đau khổ, có hối tiếc muộn màng, có day dứt, tuyệt vọng, có hận đời giận dữ và có cả sự muốn bấu víu vào những tia hy vọng để được sống, được bước tiếp.
Họ bị lây nhiễm HIV bằng nhiều con đường và hoàn cảnh khác nhau, kẻ trượt dài trong tệ nạn ma túy, mại dâm, người chỉ không may một lần lãng xẹt do chủ quan và nông nổi lầm lỡ, không tự bảo vệ an toàn cho mình, người bị lây truyền từ bạn đời, bạn tình, từ mẹ sang con... Khi đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người nhiễm HIV đã coi đây là ngôi nhà thứ 2 của đời mình, được chữa bệnh và được tiếp thêm động lực để sống, để yêu thương.
Người thầy thuốc, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV không chỉ là bác sĩ chữa bệnh mà còn là nơi nương tựa của người bệnh về mặt tinh thần, hỗ trợ người bệnh trên nhiều phương diện, đem lại cho họ cuộc sống mới sau những biến cố, những sang chấn dữ dội về thể xác cũng như tinh thần, đúng như lời chia sẻ hết sức cảm động của TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, người trực tiếp điều trị nhiều ca bệnh nhiễm HIV, trong đó có nhiều bệnh nhân đã ở giai đoạn AIDS: “Bệnh nhân HIV thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm, bệnh nhiễm trùng cơ hội nên việc chẩn đoán điều trị không hề đơn giản, nhất là đối với những người đã chuyển sang giai đoạn cuối. Vì thế, việc điều trị thành công, cứu sống, kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh không chỉ là từng viên thuốc, từng chế độ dinh dưỡng phù hợp, từng phác đồ điều trị với từng cá thể mà còn là sự bền bỉ nỗ lực không ngừng từ y bác đến điều dưỡng. Những nữ điều dưỡng mà chúng tôi gọi là “Các nàng tiên áo trắng” đã trăn trở ngày đêm cùng chúng tôi chăm sóc từng vết thương, vết lở loét của người bệnh, yêu thương nâng giấc từng bữa ăn, từng giấc ngủ.
Người mắc HIV họ rơi vào tuyệt vọng, chán chường, nhiều người còn không muốn sống tiếp, phải động viên chia sẻ rất nhiều, theo dõi bệnh tình rất sát sao, đồng cảm với hoàn cảnh éo le của họ. Tuy công việc rất vất vả, nhiều áp lực, căng thẳng luôn thường trực nhưng ai nấy từ các bác sĩ đến điều dưỡng đều rất cố gắng, luôn tận tụy hết lòng vì bệnh nhân, vừa chữa bệnh thực thể vừa chữa bệnh tinh thần để người bệnh yên tâm và trở về với cuộc sống, công việc và gia đình, không mặc cảm, không tự ti, mạnh mẽ sống tiếp một cách vững vàng và có ích".
Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp là đơn vị chính trong Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp điều trị, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân nhiễm HIV. Slogan của Phòng là “Điều trị và chăm sóc người bệnh bằng cả Trái tim”. Với quân số 28 nhân viên bao gồm 7 bác sĩ và 21 điều dưỡng, Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp luôn trong trạng thái làm việc căng thẳng, tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn phức tạp, trong đó thường xuyên có bệnh nhân HIV nhập viện ở giai đoạn cuối có các bệnh đồng mắc như lao, viêm gan B/C và các bệnh không lây nhiễm khác.
Trở lại câu chuyện về bệnh nhân 62 tuổi mới biết mình nhiễm HIV từ lâu, ông đã tuyệt vọng và không thiết tha gì đến chữa bệnh nữa, lại thêm nỗi ân hận, mặc cảm dày vò. Nhưng được bác sĩ Đoàn Thu Trà trực tiếp chia sẻ, động viên và điều trị đã vượt qua được cơn sang chấn về tâm lý và khủng hoảng về tinh thần để yên tâm chữa bệnh và để cuộc đời còn có lối về với gia đình, xã hội.
Còn rất nhiều những mảnh đời, những câu chuyện mà chỉ cần được nghe kể lại, chúng ta sẽ không khỏi cảm động sâu xa về sự tận tụy hết lòng của những người thầy thuốc về những giằng xé và cuộc chiến đấu để giành giật sự sống cho người bệnh, về những nỗi thống khổ, những vết thương nhói lòng được dần “chữa lành” theo năm tháng, để cuộc đời còn có những ngày bình yên, ấm áp.
“Nhiễm HIV chưa phải là hết”. Những tiến bộ của Y học và đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, gia đình và xã hội vẫn luôn là những bức tường thành vững chắc để sẵn sàng làm nên những “Lối về” để người bệnh bước tiếp, sống vui khỏe và có ích.