PrEP là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030

28-11-2024 15:20 | Y tế
google news

SKĐS - Việt Nam trở thành nước dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP (PrEP uptake), đồng thời PrEP được xác định là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030.

ThS.BS Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng Phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về việc điều trị PrEP và những vấn đề cần quan tâm hiện nay.

- Thưa bác sĩ, kể từ khi chương trình PrEP được thí điểm tại Việt Nam vào năm 2017, trở thành chương trình quốc gia vào năm 2019, đến nay quy mô và hiệu quả của điều trị PrEP ở nước ta thế nào?

Kể từ khi chương trình PrEP được thí điểm tại Việt Nam vào năm 2017, trở thành chương trình quốc gia vào năm 2019, đến nay đã có 221 cơ sở triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước. Các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP được đa dạng, gồm mô hình cố định tại cơ sở y tế, mô hình lưu động tại các địa bàn, khu vực phù hợp với nhu cầu của quần thể đích. Trong giai đoạn bị tác động bởi dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến để hỗ trợ khách hàng không bị gián đoạn dịch vụ điều trị PrEP.

Với sự hỗ trợ từ Quỹ cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) và Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, vào năm 2023 Việt Nam trở thành nước dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP (PrEP uptake), đồng thời PrEP được xác định là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030.

Bài học thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt về triển khai PrEP của Việt Nam đã được báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn Quốc tế. Tính từ khi bắt đầu triển khai chương trình (năm 2017) đến hết tháng 10/2024, số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần là 123.793, trong đó nhóm MSM chiếm khoảng 80%.

PrEP là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030- Ảnh 1.

- Hiện có các loại thuốc PrEP nào đang được sử dụng tại Việt Nam, bác sĩ có thể chia sẻ để bạn đọc hiểu rõ hơn?

Tại Việt Nam, hiện sử dụng thuốc PrEP đường uống:

Phác đồ đường uống:

Sử dụng một trong các phác đồ theo thứ tự ưu tiên dưới đây:

  • TDF/FTC 300mg/200mg.
  • TDF/3TC 300mg/300mg.
  • TDF 300mg.

Lưu ý: Đối với phác đồ kết hợp 02 thuốc thì có thể dùng viên kết hợp hoặc viên rời cho từng loại thuốc theo hàm lượng như trên.

Cách dùng PrEP đường uống:

PrEP hằng ngày: Sử dụng PrEP hằng ngày cho mọi đối tượng đủ tiêu chuẩn và không có chống chỉ định PrEP.

PrEP theo tình huống: Sử dụng PrEP tình huống cho người có giới tính khi sinh là nam, bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc khác giới, người chuyển giới nữ, và không sử dụng hormone khẳng định giới, và:

  • Tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần.
  • Đảm bảo được dùng thuốc ARV trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục.
  • Không mắc viêm gan B mạn tính
  • Đồng ý sử dụng PrEP theo tình huống.

- Điều trị PrEP bằng thuốc uống có những ưu điểm gì? Công dụng ra sao, thưa bác sĩ?

Ưu điểm của thuốc uống PrEP:

  • Dễ sử dụng (uống hàng ngày mỗi ngày 1 viên hoặc uống theo tình huống 2+1+1).
  • Ít tác dụng phụ (Tác dụng không mong muốn của các phác đồ có thuốc TDF: Có thể buồn nôn, đau đầu, thường nhẹ và tự khỏi trong tháng đầu sau khi dùng; Rất ít khi tăng creatinin máu, hầu hết trở về bình thường sau khi ngừng PrEP; Giảm mật độ xương: hiếm gặp, sẽ hồi phục sau khi ngừng PrEP).
  • Dễ tiếp cận: PrEP bằng thuốc uống được cung cấp rộng rãi tại các cơ sở y tế ở nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, với chi phí thấp hoặc miễn phí nhờ các chương trình hỗ trợ. Dừng PrEP không ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài nếu không còn nguy cơ lây nhiễm HIV.

Công dụng của PrEP bằng thuốc uống:

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.

- Thuốc PrEP dạng uống được cấp phát hay mua? Và người nhiễm HIV có thể tiếp cận được các thuốc này ở đâu?

PrEP đường uống hiện đang được cung cấp miễn phí cho khách hàng đủ tiêu chuẩn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV tại các phòng khám PrEP thuộc 35 tỉnh/thành phố. Thuốc miễn phí được Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét và PEPFAR viện trợ.

Ngoài ra khách hàng cũng có thể mua thuốc PrEP đường uống tại một số phòng khám và nhà thuốc khi được bác sĩ kê đơn.

- Hiện nay, để phòng tránh lây nhiễm, người bạn tình nữ của người nhiễm HIV cũng cần phòng tránh. Vậy những người này có phương pháp nào phòng tránh không, ngoài uống PrEP thưa bác sĩ?

Bên cạnh PrEP dạng uống, bạn tình nữ của người nhiễm HIV cũng có thể sử dụng PrEP dạng tiêm tác dụng kéo dài (Cabotegravir – 2 tháng, Lenacapavir – 6 tháng), hoặc vòng đặt âm đạo, vòng đặt âm đạo silicon có chứa thuốc dapivirine thuộc nhóm NNRTI, đặt 01 vòng/tháng, có hiệu quả bảo vệ sau khi đặt 24 giờ. Nồng độ bảo vệ của thuốc trong âm đạo được duy trì trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên hiện các thuốc này chưa có tại Việt Nam.

PrEP không có tác dụng dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tránh thai nên đối với tất cả những người sử PrEP – bao gồm cả phụ nữ nên sử dụng bao cao su và chất bôi trơn khi quan hệ tình dục trong khi dung PrEP.

Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống về phòng chống AIDS (PEPFAR), sẽ hỗ trợ Cục Phòng chống HIV/AIDS khoảng 2.000 liều thuốc tiêm Cabotegravir tác dụng kéo dài (CAB LA) để triển khai thí điểm tại Việt Nam, dự kiến kế hoạch này sẽ được triển khai trong năm 2025. Ngoài ra chúng tôi hi vọng sớm có thông tin thêm về thuốc tiêm Lenacapavir 2 lần/1 năm với giá thành hợp lý.

- Việt Nam đã từng có mô hình PrEP từ xa hay còn gọi là Tele PrEP, kế hoạch trong giai đoạn tới là gì thưa bác sĩ?

Việt Nam đã trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.

Xuất phát từ bài học kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn COVID-19, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (còn gọi là Tele PrEP). Từ tháng 5/2022 đến hết tháng 4/2023, dịch vụ Tele PrEP đã được triển khai tại 20 cơ sở của 7 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An.

Dịch vụ Tele PrEP hướng đến sự đơn giản, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của khách hàng, dịch vụ Tele PrEP cho phép việc kết nối, tương tác trực tuyến giữa cơ sở y tế với khách hàng trong quá trình cung cấp và nhận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. Tele PrEP tạo cơ hội cho khách hàng có nguy cơ cao ở những tỉnh không có dự án hỗ trợ được tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí.

Ngoài ra, khi được nhận gói dịch vụ từ xa, khách hàng sẽ giảm bớt chi phí và thời gian di chuyển và không lo lắng về vấn đề kỳ thị phân biệt đối xử khi phải đến cơ sở y tế nhận dịch vụ trực tiếp.

Trong giai đoạn tới, việc triển khai thí điểm và mở rộng PrEP từ xa sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 87 Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

PrEP là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030- Ảnh 3.

PrEP là cách dự phòng HIV hiệu quả nhất hiện nay.

- Để PrEP phát huy hiệu quả hơn, Việt Nam cần phải làm gì?

Về phía Việt Nam, để PrEP phát huy hiệu quả cần:

Mở rộng và duy trì bền vững can thiệp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, cụ thể:

  • Mở rộng độ bao phủ, duy trì và đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp với mô hình dịch HIV tại các tỉnh, thành phố: mô hình y tế công, tư, mô hình PrEP lưu động, thí điểm mô hình PrEP từ xa theo quy định tại Điều 87 Nghị định 96/2023/NĐ-CP.
  • Tiếp tục đa dạng các hoạt động truyền thông tạo cầu phù hợp với quần thể đích. Phối hợp cung cấp dịch vụ PrEP với truyền thông tạo cầu.
  • Tăng cường vai trò của cộng đồng và y tế tư nhân trong cung cấp PrEP.
  • PrEP xã hội hóa: Huy động khả năng tự chi trả của khách hàng cho các dịch vụ sẵn có (thuốc, xét nghiệm, điều trị STIs…).
  • Thiết lập chuỗi cung ứng thuốc và sinh phẩm ổn định, dễ tiếp cận và được khách hàng chấp nhận.
  • Triển khai các thuốc PrEP dạng tiêm.
  • Thiết lập hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn ThS.BS Nguyễn Thị Mai!

PrEP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh, Pre-exposure Prophylaxis, nghĩa là liệu pháp dự phòng trước phơi nhiễm. Đó là phương pháp dùng thuốc kháng retrovirus để ngăn chặn mắc HIV. PrEP có thể phù hợp với bất kỳ người nào có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV và tin rằng họ sẽ có thể có phơi nhiễm với HIV. Đây là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa mắc HIV.

Những người có thể được hưởng lợi từ điều trị PrEP bao gồm: nhóm nam quan hệ tình dục với nam (MSM), phụ nữ chuyển giới (TGW), những người sử dụng ma túy, bao gồm cả những người tiêm chích ma túy (PWID), phụ nữ mại dâm (SW), bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV (PLHIV), những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và những người có nhiều bạn tình. PrEP là cách dự phòng HIV hiệu quả nhất hiện nay.

Truyền hình trực tuyến: Điều trị PrEP và những vấn đề cần quan tâmTruyền hình trực tuyến: Điều trị PrEP và những vấn đề cần quan tâm

SKĐS - Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức chương trình Truyền hình trực tuyến với chủ đề "Điều trị PrEP và những vấn đề cần quan tâm" vào 14h ngày 28/11/2024.


Dương Hải
Ý kiến của bạn
Tags: