Điều trị đồng nhiễm HIV và viêm gan B, C cần lưu ý gì?

27-11-2024 21:10 | Y tế
google news

SKĐS - Đồng nhiễm HIV với viêm gan B, C là tình trạng thường gặp, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao nhiễm virus qua đường tiêm (người sử dụng ma túy dạng tiêm), người có nhiều bạn tình...

Đồng nhiễm HIV và viêm gan B, C rất thường gặp

Đường lây truyền HIV và viêm gan virus HBV/HCV khá giống nhau, đó là qua đường mẹ truyền sang con, đường máu và đường tình dục. Thậm chí chỉ với các hoạt động như xăm mắt - môi, cạo râu, dùng chung kìm cắt móng tay/chân… cũng có nguy cơ lây nhiễm các loại virus nêu trên.

Đồng nhiễm HIV với viêm gan B, C là tình trạng thường gặp, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao nhiễm virus qua đường tiêm (người sử dụng ma túy dạng tiêm), người có nhiều bạn tình...

Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới thì nguy cơ đồng nhiễm viêm gan virus B, C, giang mai, bệnh lây qua quan hệ tình dục... cao hơn so với các đối tượng khác trong cộng đồng. Bệnh lây qua quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và làm diễn tiến bệnh nặng hơn, ngược lại nhiễm HIV làm diễn tiến bệnh lây qua quan hệ tình dục xấu hơn, trong đó viêm gan B và viêm gan C thường dẫn đến xơ hóa và xơ gan nhanh.

Điều trị đồng nhiễm HIV và viêm gan B, C cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Những người đồng nhiễm HIV và HBV có nhiều khả năng tử vong hơn do các nguyên nhân liên quan đến gan so với những người nhiễm HBV đơn độc.

Điều trị khó và nguy cơ tử vong cao hơn

Theo các nghiên cứu, bệnh nhân HIV dương tính có bằng chứng về nhiễm HBV trước đây đã khỏi, mặc dù không cho thấy có nguy cơ bị bệnh gan tiến triển, nhưng có nguy cơ tái hoạt động của HBV khi số lượng tế bào CD4 giảm.

Người bệnh nhiễm HIV ảnh hưởng bất lợi đến tất cả các giai đoạn nhiễm HBV/HCV. Sau nhiễm viêm gan virus cấp tính, những người nhiễm HIV có nhiều khả năng tiến triển thành nhiễm viêm gan virus mạn tính hơn so với làm sạch virus. Hơn nữa, đồng nhiễm HIV và HBV sẽ có nguy cơ biến chứng cao và rất khó điều trị.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, tỉ lệ ung thư biểu mô tế bào gan cao hơn so với mức trung bình ở những bệnh nhân đồng nhiễm HBV hoặc HCV có HIV dương tính, đang điều trị kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART). Vì vậy, những người đồng nhiễm HIV và HBV có nhiều khả năng tử vong hơn do các nguyên nhân liên quan đến gan so với những người nhiễm HBV đơn độc.

- Đối với đồng nhiễm HIV/viêm gan B: Mục tiêu của trị liệu kháng virus ở bệnh nhân đồng nhiễm HIV/HBV là ức chế sự sao chép của HBV để ngăn chặn sự phát triển bệnh gan giai đoạn cuối.

Chế độ điều trị thuốc phải cân nhắc rất kỹ và phức tạp, bởi kể cả những thuốc có hiệu quả chống lại cả HIV và HBV đều có thể thúc đẩy sự kháng thuốc, nếu một trong hai virus bị ức chế không đầy đủ. Do đó quá trình điều trị bệnh nhân cần được kiểm tra, đánh giá định kỳ một cách rất chặt chẽ. Điều quan trọng là phải theo dõi cả nhiễm HIV và HBV trong quá trình điều trị, nên cần theo dõi mỗi 3 tháng/lần để phát hiện sự xuất hiện của virus kháng thuốc.

Những bệnh nhân có HbeAg dương tính cần được theo dõi mỗi 6 tháng/lần về sự mất HbeAg và sự chuyển đổi huyết thanh sang kháng thể kháng HBe. Những bệnh nhân không đáp ứng với các tiêu chuẩn cho điều trị HIV và những người có tải lượng HBV thấp không có viêm hoặc viêm tối thiểu và không có xơ hóa khi sinh thiết thì không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn cần được theo dõi về nồng độ HBV DNA và ALT mỗi 6 tháng.

- Đối với đồng nhiễm HIV/viêm gan C: Việc điều trị đồng nhiễm HIV ở bệnh nhân viêm gan virus C cần chỉ định điều trị cho tất cả các trường hợp viêm gan C mạn đồng nhiễm HIV. Ưu tiên điều trị viêm gan C mạn để giảm mắc và tử vong do xơ gan, ung thư gan. Điều trị tương tự như bệnh nhân viêm gan C không nhiễm HIV, ưu tiên sử dụng phác đồ có DAAs.

Cần điều trị cho bệnh nhân HIV với các thuốc ARV trước cho đến khi số lượng CD4 > 200 tế bào/mm3 hoặc tải lượng HIV RNA đạt dưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml) thì có thể bắt đầu chỉ định cho bệnh nhân điều trị viêm gan C mạn tính.

Khi điều trị HIV đồng thời với viêm gan B, viêm gan C cần lưu ý các tương tác thuốc có thể xảy ra giữa các thuốc DAAs và thuốc ARV.

Hiện nay, tất cả người bệnh đang điều trị ARV đều được sàng lọc viêm gan C, và những người nhiễm virus viêm gan C được điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 96% (với thuốc điều trị do Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ).
Điều trị đồng nhiễm HIV và viêm gan B, C cần lưu ý gì?- Ảnh 3.

Khi điều trị viêm gan B, viêm gan C, bệnh nhân HIV cần được theo dõi chức năng gan thường xuyên, đánh giá biến chứng cơ gan, ung thư gan.

Biện pháp phòng ngừa đồng nhiễm HIV/HBV/HCV

Tư vấn phòng lây nhiễm, các biến chứng và khả năng tái nhiễm mới, lối sống, phác đồ cho bệnh nhân HIV, áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm HBV, HCV ra cộng đồng và dự phòng tái nhiễm, đặc biệt tái nhiễm HCV sau khi đã điều trị khỏi.

- Tiêm phòng vaccine ngừa viêm gan B.

- Xét nghiệm sàng lọc HbsAg, anti HCV cho tất cả bệnh nhân HIV. Có thể xét nghiệm 1 năm/lần nếu xét nghiệm HBsAg, anti HCV âm tính trước đó và bệnh nhân HIV có nguy cơ nhiễm HBV, HCV.

- Khi điều trị viêm gan B, viêm gan C, bệnh nhân HIV cần được theo dõi chức năng gan thường xuyên, đánh giá biến chứng cơ gan, ung thư gan.

- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Đặc biệt nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn so với các đối tượng khác trong cộng đồng.

Bệnh lây qua quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và làm diễn tiến bệnh nặng hơn, ngược lại nhiễm HIV làm diễn tiến bệnh lây qua quan hệ tình dục xấu hơn, trong đó viêm gan B và viêm gan C thường dẫn đến xơ hóa và xơ gan nhanh. Do đó cần sử dụng bao cao su 100% mỗi lần quan hệ tình dục.

Những khó khăn trong điều trị đồng nhiễm HIV và viêm gan CNhững khó khăn trong điều trị đồng nhiễm HIV và viêm gan C

SKĐS - Viêm gan C và HIV lây qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con. Chính vì thế tỉ lệ đồng nhiễm bệnh là khá cao và hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh hiệu quả. Vấn đề điều trị đồng nhiễm hiện nay gặp nhiều thách thức do đó tỉ lệ biến chứng còn rất cao…



BSCKII Trần Thị Kim Anh
Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Ý kiến của bạn