Nhiều người cao tuổi bị gãy xương nhập viện, bác sĩ khuyến cáo gì?

05-06-2024 09:07 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Chỉ trong 1 tuần, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân cao tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi. Thương tổn này có thể dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

TS.BS Nguyễn Phạm Tuấn, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, trong thời gian ngắn khoa liên tục tiếp nhận các trường hợp người cao tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi.

Nhiều người cao tuổi bị gãy xương nhập viện, bác sĩ khuyến cáo gì?- Ảnh 1.

Một trường hợp người cao tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi.

Theo BS. Tuấn, đầu trên xương đùi được chia thành 4 vùng, bao gồm: Chỏm xương đùi, cổ xương đùi, vùng mấu chuyển và vùng dưới mấu chuyển. Gãy mấu chuyển xương đùi là chấn thương có đường gãy nằm trong vùng mấu chuyển của đầu trên xương đùi.

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là loại gãy xương khá phổ biến chiếm 55% trong trong các loại gãy xương đầu trên xương đùi. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là ở những người cao tuổi (trên 60 tuổi), ở phụ nữ gặp cao gấp 2-3 lần nam giới.

Nguyên nhân gãy xương ở những người cao tuổi chủ yếu do tai nạn sinh hoạt, hay gặp nhất là do trượt chân ngã đập háng xuống sàn nhà, nhà tắm...

"Trong một tuần, tôi và ê-kíp đã thực hiện mổ cho 4 trường hợp bị gãy liên mấu chuyển xương đùi. Những bệnh nhân này đều cao tuổi, thương tổn có thể dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời", BS. Tuấn cho biết.

Cụ thể, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.S. (97 tuổi), trú huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhập viện với các triệu chứng đau nhức vùng mông, vùng đùi sưng nề và không thể đứng dậy, vận động vùng háng rất đau. Người nhà cho biết trước đó bệnh nhân không may bị ngã ở sân nhà.

Nhiều người cao tuổi bị gãy xương nhập viện, bác sĩ khuyến cáo gì?- Ảnh 2.

Sau thăm khám các bác sĩ xác định bệnh nhân S. bị gãy liên mấu chuyển xương đùi.

Sau thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân S. bị gãy liên mấu chuyển xương đùi. Do tình trạng sức khỏe bệnh nhân yếu, kèm theo nhiều bệnh lý nên chưa thể thực hiện phẫu thuật. Các bác sĩ quyết định thực hiện các biện pháp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, ổn định bệnh lý nền. Sau 48 giờ, khi các chỉ số phù hợp, ca phẫu thuật được tiến hành.

"Người nhà lo lắng, muốn bệnh nhân được mổ ngay nhưng theo đánh giá lúc đó thì chưa thể mổ được. Sau khi nâng cao thể trạng, ổn định bệnh nền, thực hiện các xét nghiệm cho thấy các chỉ số đã đảm bảo an toàn cho phẫu thuật, chúng tôi tiến hành mổ bán cấp cứu bằng đinh Neogen thế hệ mới cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật nhanh, chỉ khoảng 30 phút nên bệnh nhân mất ít máu. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt", BS. Tuấn thông tin.

Nhiều người cao tuổi bị gãy xương nhập viện, bác sĩ khuyến cáo gì?- Ảnh 3.

Bệnh nhân S. được mổ bán cấp cứu bằng đinh Neogen thế hệ mới.

Tiếp đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân H.T.C. (74 tuổi), người này không may gặp chấn thương sau khi bị ngã do sàn nhà trơn trượt. Thể trạng bệnh nhân yếu, lại có tiền sử tai biến, thiếu máu mãn tính.

Sau khi thực hiện các biện pháp nâng cao thể trạng và truyền máu cho bệnh nhân, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn an toàn phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp DHS trên màn hình tăng sáng. Ca phẫu thuật kéo dài 40 phút, bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt sau phẫu thuật.

"Để phục hồi tốt hình dáng giải phẫu, nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian hồi phục, chúng tôi thực hiện phẫu thuật kết hợp xương bên trong cho bệnh nhân. Hiện để phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi, bệnh viện áp dụng 2 phương pháp chính là dùng đinh Neogen thế hệ mới và nẹp vít DHS", BS. Tuấn cho biết.

Nhiều người cao tuổi bị gãy xương nhập viện, bác sĩ khuyến cáo gì?- Ảnh 4.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp DHS cho bệnh nhân C.

TS.BS Nguyễn Phạm Tuấn khuyến cáo những gia đình có người lớn tuổi nên có các biện pháp phòng chống chấn thương cho các cụ. Bởi nếu người già gặp chấn thương thường sẽ nặng và khó phục hồi.

"Khi người lớn tuổi di chuyển cần cẩn thận với các chướng ngại vật hay vùng trơn trượt. Người thân nên hỗ trợ các cụ di chuyển, đặc biệt với người có thể trạng yếu, thời điểm thiếu ánh sáng... Cùng với đó cần tăng cường dinh dưỡng tập thể dục hợp lý để tránh loãng xương. Cần cho người lớn tuổi kiểm tra độ loãng xương định kỳ để kịp thời cung cấp dinh dưỡng nếu thiếu", BS. Tuấn khuyến cáo.

Trong trường hợp người cao tuổi gặp chấn thương, người thân cần đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được sơ cứu và có phương án điều trị kịp thời.

Nhiều người cao tuổi ở Việt Nam Nhiều người cao tuổi ở Việt Nam 'gánh' đến 7 bệnh phối hợp

SKĐS - Người cao tuổi tại Việt Nam đang chịu nhiều gánh nặng bệnh tật. Tuy tuổi thọ tăng nhưng trung bình mỗi người phải chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.


Hùng Trần
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn