Theo quan sát của PV báo Sức khỏe&Đời sống, thời điểm cuối tháng 9 và đầu tháng 10 là giai đoạn cao điểm của mùa tìm nhà trọ bởi đây là lúc các tân sinh viên lên thành phố nhập học để chuẩn bị vào năm học mới. Ngoài những sinh viên may mắn có sẵn nhà hay được ở nhờ nhà người quen hoặc có tiêu chuẩn ở ký túc xá thì vẫn còn rất nhiều sinh viên ngoại tỉnh khác đang phải lo lắng, chật vật đi tìm phòng trọ.
Lao đao tìm nơi ở
Gặp gỡ một vài tân sinh viên đang trên đường tìm phòng trọ tại khu vực Thanh Xuân (Hà Nội), một trong những nơi tập trung nhiều trường đại học danh tiếng như Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Hà Nội… phóng viên ghi nhận tình trạng hầu hết các phòng trọ đã kín người thuê.
Với nhu cầu cần thuê nhà mức giá khoảng 2 triệu đồng/tháng, Đức Huy - tân sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (quê Phú Thọ) cho biết muốn thuê một phòng gần trường để tiện đi lại mà hơn 1 tuần nay Huy vẫn chưa tìm được chỗ nào phù hợp. Huy cho biết: "Vài ngày sau khi có điểm chuẩn, em đã xuống ở nhờ nhà người quen để đi tìm nhà nhưng đến nay, sau nhiều ngày đi lòng vòng hết các ngõ ngách trên đường Lương Thế Vinh và Nguyễn Quý Đức mà em vẫn chưa thể thuê được bởi những phòng trọ, căn hộ có mức giá như nhu cầu thì không còn. Hiện chỉ còn các loại căn hộ chung cư mini có giá đắt hơn hoặc nhà cho thuê nguyên căn từ 5 triệu đồng/tháng trở lên.
Tương tự, Hải Phong là sinh viên năm tư Trường ĐH Y Hà Nội đang thuê trọ khu Đống Đa nhưng vì năm nay có em đỗ ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nên Phong phải chuyển sang khu Nguyễn Trãi - gần trường em để 2 anh em ở cho tiện. Cũng lang thang khắp các ngõ ngách tìm kiếm nhưng em vẫn chưa chốt được phòng nào. "Ngoài tiền thuê trọ, một số loại chi phí hoặc là bắt buộc nộp cho chủ trọ, hoặc là phát sinh thì mỗi tháng chúng em sẽ phải chi trả khoảng hơn 1 triệu đồng/người như tiền điện, nước, internet, giá giữ xe… Đó là cả một nỗi lo nên em phải tìm phòng có giá thấp hơn mức dự định", Phong cho biết.
Khó khăn trong việc tìm nhà trọ không chỉ xảy ra với các tân sinh viên, Thu Phương (SV năm hai Trường ĐH Công đoàn) ngao ngán cho biết đã đi tìm nhà nửa tháng nay mà chưa được phòng nào như ý do nhà thuê hiện tại đã hết hợp đồng. Mặc dù Phương đã chấp nhận tìm nhà sang các khu vực khác như Cầu Giấy, Mỹ Đình… miễn là có phòng để ở nhưng đến nay vẫn không tìm được, kể cả phòng ở ghép cũng bất thành. "Bạn của em cũng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan như em và bất đắc dĩ đã phải thuê nhà nghỉ với giá 150.000 đồng/ngày để ở tạm trong lúc đi tìm nhà trọ".
Theo khảo sát của PV báo Sức khỏe&Đời sống, một số khu vực trọ ở gần các trường ĐH như Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trường Chinh, Pháo Đài Láng (Đống Đa),… hầu như các khu cho thuê trọ đều kín khách thuê, thời điểm này để tìm được căn còn trống không dễ dàng. Nếu còn thì là những căn có giá thuê cao. Chung cư mini cho thuê có ở nhiều khu vực nhưng giá thuê khá cao, dao động 4-6 triệu đồng/tháng, tùy khu vực. Cùng với chi phí tiền phòng, người thuê phải trả tiền điện 3.700 đồng/kWh, nước 100.000 đồng/người, internet 100.000 đồng/tháng, giữ xe 100-200.000 đồng/tháng, phí dịch vụ chung...
Bà Tú - chủ một khu nhà trọ ở đường Lương Thế Vinh cho biết, gần tháng nay rất nhiều người đi tìm thuê nhà nhưng khu nhà trọ của bà đã cho thuê kín phòng từ cuối tháng 8. Năm nay, hầu hết các nhà có phòng cho thuê ở khu vực này đều tăng giá khoảng 10-20%. Lý giải về việc phòng trọ tăng giá, bà Tú cho biết, đầu năm học nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao khiến phòng trọ trở nên khan hiếm. Vì vậy, nhiều chủ trọ tăng giá phòng là điều dễ hiểu.
Làm sao để tránh gặp phải "cò" lừa đảo?
Chia sẻ kinh nghiệm cho các tân sinh viên để tránh mất tiền oan khi thuê phòng trọ, anh Phan Văn Hoàng - phụ trách một văn phòng môi giới bất động sản ở quận Thanh Xuân cho biết, để tránh rủi ro, các em cần tìm hiểu thông tin phòng trọ qua bạn bè, người thân hoặc trên các trang web về bất động sản trước khi đến xem. Khi thấy hợp lý với nhu cầu của mình thì các em nên liên hệ để đến trực tiếp xem phòng. Các em cần lưu ý, khi gọi điện phải hỏi rõ người đăng tin là chủ nhà hay môi giới và đến xem phòng có mất phí không để tránh gặp phải "cò" lừa đảo.
Trong trường hợp các em đã ưng ý căn phòng nào đó, quyết định thuê thì phải thỏa thuận về mức giá thuê, tiền đặt cọc, những khoản tiền phải đóng khi ở trọ như điện, nước, wifi, truyền hình cáp, giữ xe... Đồng thời, tìm cách nắm tình hình an ninh tại khu vực để đảm bảo an toàn về lâu dài.
Sau khi thống nhất giá thuê với chủ nhà hai, bên sẽ làm hợp đồng thuê nhà. Điều quan trọng nhất trước khi đặt bút ký hợp đồng thuê nhà là bên thuê cần đọc kỹ nội dung, các điều khoản quan trọng về giá thuê, thời hạn, phương thức thanh toán đồng thời yêu cầu chủ nhà cam kết trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm không tăng tiền nhà. Bên cạnh đó cần kiểm tra kỹ môi trường sống tại khu trọ, vấn đề an ninh, an toàn.
Người thuê trọ cũng cần xem xét thật kỹ đồ đạc trước khi quyết định thuê phòng, nếu có hỏng hóc cần báo ngay cho chủ nhà trọ, tiến hành chốt số điện ngay từ ngày đầu tiên chuyển đến, tránh phải trả thêm lượng điện đã sử dụng của người ở trước đó.
Đặc biệt, trong hợp đồng thuê cũng cần ghi chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá, tỉ lệ tăng mỗi năm không quá bao nhiêu phần trăm, việc thay đổi công năng, vật dụng, sơn sửa nhà... do ai trả tiền.
Anh Phong lưu ý thêm, các em tân sinh viên cần đặc biệt cẩn trọng trong việc tìm người ở ghép. Không nên ở cùng người lạ, mới quen nhằm tránh tình trạng bạn cùng phòng lấy trộm đồ của nhau hoặc tính tình không hợp sẽ phát sinh mâu thuẫn phức tạp.
Theo quy định tại khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Đồng thời, người cho thuê thu lợi bất hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt.