'Người cha trách nhiệm' xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy bình đẳng giới

12-12-2022 15:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Mô hình "Người cha trách nhiệm" được triển khai thí điểm đã thu hút sự tham gia của đông đảo nam giới trẻ, lần đầu làm cha, tham gia các Câu lạc bộ sinh hoạt hàng tháng và cùng cam kết thực hiện các hành vi bình đẳng giới, tôn trọng quyền của phụ nữ, trẻ em.

Chia sẻ kinh nghiệm việc triển khai chương trình "Người cha trách nhiệm giai đoạn 2018-2022", bà Phạm Thu Hương – Hội Nông dân Việt Nam cho biết, mục tiêu của mô hình này hướng tới các thành viên nam giới là Hội viên Hội Nông dân Việt Nam thay đổi nhận thức, tư tưởng bất bình đẳng giới, "trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu bám rễ từ rất nhiều đời nay. Từ đó chuyển đổi hành vi bằng cách hỗ trợ chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái từ khi mới sinh đến lúc 7 tuổi và hơn thế nữa...

"Người cha trách nhiệm" còn hướng nam giới biết chia sẻ cảm xúc của mình với con cái, trở thành người bạn tốt của con, coi trọng con trai - con gái như nhau; trang bị giúp họ các kỹ năng làm bạn với con, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát các cơn nóng giận tránh dẫn đến bạo lực gia đình…

Theo bà Hương, mô hình "Người cha trách nhiệm" đã triển khai hiệu quả tại 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình, Bà Rịa Vũng Tàu. Thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng.

'Người cha trách nhiệm' xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 1.

Bà Phạm Thu Hương – Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm việc triển khai chương trình "Người cha trách nhiệm". Ảnh: D.Hải

Tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, mô hình "Người cha trách nhiệm" đã triển khai ở 3 xã Duy Ninh, Võ Ninh, Hải Ninh, góp phần giảm bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hòa thuận, chăm sóc con cái mạnh khỏe, chăm ngoan. Hội Nông dân xã Hải Ninh hiện có 15 cặp vợ chồng tham gia. Những nội dung sinh hoạt của mô hình đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nam giới, giúp họ biết cách lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng, nỗi niềm của vợ con; cách thức xây dựng gia đình hạnh phúc…

Hiệu quả hoạt động của mô hình đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút trên 90% gia đình tham gia. Các gia đình tham gia mô hình cũng thường xuyên giao lưu, gặp gỡ, giải quyết những vướng mắc giữa các cặp vợ chồng, can thiệp, hỗ trợ, hòa giải kịp thời khi có vụ việc xảy ra, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc và bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Mô hình "Người cha trách nhiệm" do Hội Nông dân Việt Nam triển khai nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2017-2021 và đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015-2020". Mô hình nhằm nâng cao nhận thức của những người chuẩn bị làm cha mẹ, chỉ ra các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới và thúc đẩy các mối quan hệ, quan niệm lành mạnh về nam tính...

Nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội về bình đẳng giới

Nhằm xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới, UNFPA khuyến nghị nên tập trung nhiều, nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội về bình đẳng giới, đặc biệt là tập trung cho giới trẻ. Điều này rất có ý nghĩa vì theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019, thái độ và hành vi về bình đẳng giới của phụ nữ giữa điều tra này và điều tra tương tự thực hiện năm 2010 chỉ có sự thay đổi đáng kể ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi hơn.

Để có thể thay đổi chuẩn mực xã hội về giới nên có các can thiệp sau:

- Thứ nhất là truyền thông thay đổi hành vi, xóa bỏ các định kiến giới và xây dựng các chuẩn mực mới về giới: Xây dựng các hình mẫu nam tính và nữ tính tích cực. Ví dụ như nam giới sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với phụ nữ. Phụ nữ có thể làm những công việc trước đây thường được nghĩ chỉ có nam giới mới làm được như: phi hành gia, phi công, lãnh đạo quốc gia...

- Xây dựng những chuẩn mực về giới mới ở trong gia đình: Con cái sinh ra có thể mang họ mẹ. Dù pháp luật quy định con cái sinh ra có thể mang họ cha hoặc mẹ nhưng phần lớn con cái sinh ra mang họ cha và việc này cũng cần được thay đổi. Con gái hoặc phụ nữ trong gia đình có thể thờ cúng tổ tiên, có thể đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mẹ, người thân khi qua đời. Thúc đẩy thực hiện chính sách pháp luật như cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ, con trai con gái cùng có quyền thừa kế như nhau...

- Tăng cường vị thế trong gia đình và xã hội thông qua thúc đẩy bình đẳng giới. Việc này có thể được thực hiện thông qua chỉnh sửa và thúc đẩy triển khai chính sách liên quan như: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào chính trị, đảm bảo tuổi nghỉ hưu giống nhau cho cả nam và nữ.

- Thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong các hoạt động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái. Ví dụ như hiện nay Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đang hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức CSAGA, CCIHP triển khai thí điểm chương trình "Người cha trách nhiệm" nhằm thu hút sự tham gia của nam giới trẻ, lần đầu làm cha, tham gia các CLB sinh hoạt hàng tháng và cùng cam kết thực hiện các hành vi bình đẳng giới, tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em.

- Một việc nữa rất cần thực hiện là xây dựng và triển khai chính sách bảo trợ xã hội cho người cao tuổi. Điều này rất có ý nghĩa vì nhiều gia đình mong muốn sinh con trai để có chỗ dựa khi về già.

Xu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơnXu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

SKĐS - Dự báo vào năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già. Già hóa dân số là một thách thức rất lớn đối với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong tương lai.


Minh Đức
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn