Truyền thông sáng tạo thay đổi hành vi, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

12-12-2022 11:46 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngành dân số tiếp tục chú trọng triển khai đồng bộ, đầy đủ các giải pháp trong Đề án Kiểm soát Mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là đưa tỷ số giới khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Ngày 12/12, tại Quảng Ninh, Tổng Cục Dân số, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm truyền thông sáng tạo nhằm chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Hội thảo sẽ bao gồm các nội dung: tình hình thực hiện các can thiệp truyền thông nhằm giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS); thảo luận về truyền thông sáng tạo chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và truyền thông chuyển đổi hành vi của cộng đồng về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Nhiều hệ lụy nếu mất cân bằng giới tính khi sinh không được kiểm soát

TS. Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006 khi TSGTKS tăng lên 109,8 và tỷ số này là 112 năm 2021.

MCBGTKS ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn, năm 2020 tỉ số giới tính khi sinh (SRB) ở thành thị và nông thôn. Năm 2006 có 3/6 vùng MCBGTKS thì đến 2020 là 5/6 vùng, chỉ có Tây Nguyên là đang ngưỡng an toàn. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng MCBGTKS, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc.

Truyền thông sáng tạo nhằm chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới - Ảnh 1.

TS. Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: D.Hải

TS. Hoàng nhấn mạnh, MCBGTKS xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất và cao hơn hẳn ở những lần sinh sau với những gia đình chỉ có con gái và đặc biệt cao ở nhóm cha mẹ có ít nhất hai con gái và không có con trai có ước tính TSGTKS cao nhất. Mức độ MCBGTKS cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS tại Việt Nam, chuyên gia dân số cho rằng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ (xuất hiện ngay từ khi chuẩn bị kết hôn; khi kết hôn; khi chung sống; khi có con; thậm chí cả khi qua đời). Tư tưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội.

Nguyên nhân trực tiếp là lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính (Trước khi thụ thai; Trong khi thụ thai; Sau khi thụ thai).

MCBGTKS để lại nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội của tất cả các quốc gia bị tình trạng này. Một số quốc gia châu Á đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc MCBGTKS, ví dụ như: Trung Quốc, Ấn Độ.

Xét về cấp độ xã hội, sẽ dư thừa hàng triệu nam giới hay nói cách khác là thiếu hụt phụ nữ và trẻ em gái; đàn ông phải sống độc thân sẽ bị thay đổi các mối quan hệ và tình dục; buôn bán người, xuất cảnh để kết hôn và tăng tốc độ già hóa dân số.

Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và đầu tư, nếu TSGTKS vẫn giữ như hiện nay, Việt Nam sẽ dự thừa 1,5 nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.

Về chuẩn mực xã hội, vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, thậm chí phụ nữ còn trở thành hàng hóa của nạn buôn bán người và mại dâm.

Như vậy, nếu tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế…

Kết quả thực hiện Đề án Kiểm soát Mất cân bằng giới tính khi sinh

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân số, trong đó có vấn đề về giảm thiểu MCBGTKS. Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số phát triển. Trong 6 trụ cột mục tiêu có trụ cột "đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên".

Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về vấn đề này như Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số và các chiến lược, kế hoạch giải quyết vấn đề này. Đặc biệt là Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 theo QĐ số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016, các hoạt động từ Trung ương đến địa phương đều tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp:

  • Thứ nhất, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS theo các nhóm đối tượng.
  • Thứ hai, xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Xây dựng các chuẩn mực, giá trị xã hội phù hợp.
  • Thứ ba, nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS.
  • Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện Đề án.

Bộ Y tế đã Kế hoạch hành động cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án 468 và hướng dẫn các tỉnh/thành phố triển khai. Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Đề án hoặc kế hoạch triển khai Đề án với các hoạt động bám sát hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Sau 4 năm triển khai Đề án (2016-2022), TSGTKS đã giảm từ mức 112,8 năm 2015 xuống còn 112,1 năm 2020, đạt mục tiêu đề án vào năm 2020 là TSGTKS ở dưới mức 115 và tiến tới đưa TSGTKS về mức dưới 109 vào năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Truyền thông sáng tạo giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo TS. Hoàng, trong các nhóm nhiệm vụ và giải pháp nói trên thì truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi là nhóm giải pháp cơ bản và quan trọng để can thiệp giải quyết các nguyên nhân căn bản và gốc rễ của vấn đề MCBGTKS xuất phát từ định kiến giới và tâm lý ưa thích con trai.

Truyền thông sáng tạo thay đổi hành vi, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 4.

Huyện Mỹ Đức, Hà Nội tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam. Ảnh: TL

Hiện nay, chúng ta đang trong bối cảnh cuộc cách mạnh khoa học công nghệ 4.0, với hơn 65% người dân sử dụng điện thoại truyền thông với xu hướng truyền thông sáng tạo, đa nền tảng… và để giải quyết vấn đề MCBGTKS mà Nghị quyết 21 đã đặt ra là "Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao", việc này đòi hỏi công tác truyền thông phải đổi mới về nội dung, cách thức và phương pháp truyền thông. Thời gian qua, công tác truyền thông dân số đã có nhiều đột phá, nhất là việc ứng dung CNTT và bước đầu chuyển đổi số trong công tác truyền thông và có những kết quả nhất định.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA gợi ý, để giải quyết MCBGTKS ở Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, đi sâu thay đổi hành vi cụ thể đó là "không ưa thích con trai" và tập trung vào nâng cao giá trị của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới.

Các chương trình truyền thông khi tập trung vào giải quyết lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới cần liên kết với những hành vi có hại khác, với các vấn đề bạo lực giới vì có cùng nguyên nhân gốc rễ là bất bình đẳng giới.

Tập trung vào các hoạt động truyền thông sáng tạo, truyền thông công nghệ cho giới trẻ, vì đây là nhóm tiếp cận công nghệ, mạng xã hội nhiều.

Bên cạnh đó, tập trung nhiều hơn nữa vào sự tham gia của nam giới, nêu tấm gương bình đẳng giới từ trong gia đình, xã hội và nam giới cần cam kết không gây áp lực với người phụ nữ của mình trong việc cần sinh con trai.

Ngoài ra, cần có thêm nghiên cứu sâu hơn nữa về vấn đề này, lý do nào để các cặp vợ chồng nhất định phải có con trai, và có những cặp vợ chồng không nhất thiết có con trai để tìm nguyên nhân gốc rễ, từ đó thiết kế can thiệp phù hợp hơn, nhân rộng mô hình sáng tạo... góp phần vào giảm thiếu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mất cân bằng giới tính khi sinh – thách thức dân số lớn của Việt NamMất cân bằng giới tính khi sinh – thách thức dân số lớn của Việt Nam

SKĐS - Tâm lý chuộng con trai hơn con gái, những định kiến giới dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng ở Việt Nam và ngày càng trầm trọng hơn. Nếu không được khắc phục, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại những hệ lụy khó lường.


Minh Đức
Ý kiến của bạn