Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

10-12-2022 16:02 | Quốc tế
google news

SKĐS - Khi xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chính phủ các nước đều đã có những chính sách và can thiệp tích cực nhằm đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.

Theo TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, các chính sách và can thiệp ở các nước tập trung vào các nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là vấn đề định kiến giới, từ tâm lý ưa thích con trai hơn con gái. Nói chung, các giải pháp can thiệp của các nước có thể được tổng hợp thành ba nhóm giải pháp chính:

- Nhóm giải pháp thứ nhất: Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của của người dân, người cung cấp dịch vụ và cộng đồng về thực trạng, nguyên ngân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Nhóm giải pháp thứ hai: Điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử lý việc lạm dụng kỹ thuật để xác định và lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai vì lựa chọn giới tính; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi.

- Nhóm biện pháp thứ ba: Thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế - xã hội nhằm vào việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng trọng nam, khinh nữ; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.

Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia thành công trong việc đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Một số nước khác dù có nhiều biện pháp rất quyết liệt song tỉ số giới tính khi sinh vẫn đang ở mức cao.

Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 1.

Đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên là mục tiêu của nhiều quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: TL

Sự tăng bất thường của tỉ số giới tính khi sinh ở Hàn Quốc lên đỉnh điểm vào đầu những năm 1990, đạt 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỉ số này lên tới 140/100. Tỉ số giới tính khi sinh cũng có sự khác biệt lớn theo thứ tự của đứa trẻ khi sinh.

Ở lần sinh thứ nhất và thứ hai, sự mất cân bằng này chưa rõ rệt, nhưng ở lần sinh thứ ba và thứ tư, tỉ số này có sự gia tăng lớn. Vào những năm 1990, có thời điểm tỉ số giới tính khi sinh ở trẻ là con thứ ba lên tới 200/100 và ở con thứ tư trở lên, tỉ số này là 240/100.

Trước sự gia tăng bất thường và nhìn thấy rõ hệ lụy của vấn đề thừa nam, thiếu nữ, Chính phủ Hàn Quốc đã có những giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này:

- Cấm xác định giới tính thai nhi theo Luật Y tế năm 1987 (sửa đổi năm 1994); hủy bỏ luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai, con gái đều được thừa hưởng như nhau; Luật Y tế được sửa đổi 1994 có biện pháp mạnh mẽ trong việc xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi.

- Tạo điều kiện huy động lực lượng lao động nữ, mở rộng ngành nghề phụ nữ có thể tham gia. Khuyến khích phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

- Chú trọng dạy và nâng cao đạo đức nghề nghiệp với sinh viên y khoa trong việc thực hiện nạo phá thai vì lý do giới tính; tạo dựng hệ thống hỗ trợ người cao tuổi; nâng cao vị thế và trao quyền năng cho phụ nữ được tiến hành đồng bộ.

Những năm 1980, Hàn Quốc có khẩu hiệu: "Sinh hai con để có cuộc sống tốt đẹp hơn, không lo lắng về giới tính của con cái!".

Giai đoạn 1990 – 2000 những khẩu hiệu: "Nuôi 1 con gái lớn lên bằng 10 con trai", "Hãy yêu con gái của bạn" được người dân Hàn Quốc đón nhận...

Nhờ những nỗ lực đó, tỉ lệ giới tính khi sinh đã giảm kể từ giữa những năm 1990, đến năm 2010, tỉ số giới tính khi sinh ở Hàn Quốc đã gần đạt mức bình thường là 106,9. Hàn Quốc gần như đã chuyển hẳn sang văn hóa trọng nữ từ chế độ gia trưởng và một nền văn hóa trọng nam có gốc rễ từ xa xưa.

Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 2.

Để giải quyết triệt để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Mỹ Đức

Việt Nam cũng đã nghiên cứu các chính sách và kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước có đặc điểm văn hóa tương đồng như Hàn Quốc và Trung Quốc trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án và triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, công tác dân số hiện nay phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề về về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Riêng về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, để giải quyết tình trạng này, chúng ta cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là xuất phát từ định kiến giới, từ tâm lý ưa thích con trai hơn con gái. Tư tưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội.

Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Như vậy mới có thể thay đổi một vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người dân, từng gia đình, từng dòng họ trong suốt thời gian qua.

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinhThúc đẩy bình đẳng giới góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

SKĐS - Tại Việt Nam, bình đẳng giới là một chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhằm xây dựng quốc gia phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, an toàn và phát triển bền vững.


Minh Đức
Ý kiến của bạn