Tư tưởng thích con trai của nhiều người dân ảnh hưởng tới mất cân bằng giới tính ở Hải Phòng

29-12-2021 14:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Hải Phòng là thành phố thuộc nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh là 109-112 bé trai/100 bé gái. Thực trạng này đòi hỏi các ban ngành, đoàn thể cần tiếp tục nỗ lực chung tay với ngành y tế trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bất bình đẳng giới từ những thách thức mang tính văn hoá và tình trạng mất cân bằng giới tínhBất bình đẳng giới từ những thách thức mang tính văn hoá và tình trạng mất cân bằng giới tính

SKĐS - Trong thời gian gần đây tình trạng bình đẳng giới ở nước ta đã có nhiều tiến bộ nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn khá phổ biến ở một số lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có vấn đề định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Qua nhiều thế hệ, tư tưởng người dân vẫn nặng về "con nối dõi"

Qua câu chuyện kể của mình, bà Lê Thị K, ( Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: Cách đây hơn 40 năm, khi bà sinh con thứ hai tại nhà hộ sinh, chồng bà đến thăm biết bà lại sinh con gái liền quay ngoắt bỏ về và để bà nhịn đói nằm ở nhà hộ sinh. Thương con gái đầu lòng ở nhà, lại đói mệt, không có sữa cho con gái vừa chào đời, bà gửi con gái đi bộ về nhà để nấu cơm ăn. Rồi bà cũng phải cố sinh thêm con thứ ba, may sao lại là con trai, ông chồng bà mới đỡ sinh chuyện. Khi ba con của ông bà đến tuổi lập gia đình, bốn cháu nội ngoại đều là con gái cả, ông tỏ ra bực bội lắm vì vẫn chưa có cháu đích tôn.

Tư tưởng thích con trai của nhiều người dân ảnh hưởng tới mất cân bằng giới tính của Hải Phòng - Ảnh 2.

Ảnh: Minh Lý

Còn bà Nguyễn Thị M., một lao động tự do (Ngô Quyền, Hải Phòng) năm nay đã 40 tuổi nhưng vừa mới sinh thêm cậu con trai. Vợ chồng bà M. đã có hai cô con gái và con gái đầu đã học trường đại học. Kể về việc sinh thêm con, bà M. chia sẻ: "Ngày xưa kinh tế còn chật vật nên không dám sinh thêm, giờ khá hơn, hai con gái lại lớn rồi nên tôi quyết sinh thằng cu cho chồng vui".

Tâm lý mong có thêm con trai dù đã sinh được hai con gái không chỉ diễn ra với những gia đình lao động tự do, buôn bán kinh doanh mà thậm chí có nhiều cán bộ viên chức cũng có suy nghĩ phải có con trai mới mãn nguyện.

Tình trạng sinh con thứ 3 có ở hầu hết các quận huyện của Hải Phòng. Nổi bật là ở các huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng. Điều đáng nói là hầu hết trẻ sinh thứ 3 trở lên là bé trai. Thậm chí có những huyện tỷ lệ này lên từ 18-20%. Số người có kinh tế khá giả muốn sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng. 

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (bé trai/100 bé gái) vẫn ở mức cao, không ổn định, năm 2019 con số này là 117,3 bé trai/100 bé gái, cao hơn mức chung cả nước và vượt xa mức tự nhiên. Còn năm 2020, tỷ số này là 111,53 bé trai/100 bé gái, dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao.  Việc mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như việc nam thanh niên trưởng thành khó tìm bạn đời để kết hôn, gia tăng tội phạm hiếp dâm, mua bán phụ nữ và trẻ em gái... 

Theo đánh giá của Chi cục DS&KHHGĐ Hải Phòng thì nguyên nhân dẫn tới việc tăng số ca sinh con thứ 3 trở lên là do quan niệm "trọng nam khinh nữ" còn nặng nề ở một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, hiện đời sống người dân được nâng cao, kinh tế phát triển nên nhiều gia đình cũng muốn có thêm con. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các đoàn thể, tổ chức ở phường, xã trong việc tuyên truyền chính sách dân số chưa hiệu quả; biện pháp kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm còn mang tính hình thức…

Tư tưởng thích con trai của nhiều người dân ảnh hưởng tới mất cân bằng giới tính của Hải Phòng - Ảnh 4.

Tọa đàm cung cấp thông tin và đánh giá thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hải Phòng. Ảnh: Vũ Hạnh

Nhiều giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng vẫn còn thách thức

Theo báo cáo thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở thành phố Hải Phòng trong 10 năm (2011-2020) của Chi cục Dân số-KHHGĐ thành phố cho thấy: Những năm qua, mặc dù Thành phố ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tích cực triển khai và phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, song mất cân bằng giới tính khi sinh hiện đang là thách thức lớn đối với công tác Dân số nói riêng và công tác Y tế nói chung.

Để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, thực hiện tốt mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 như Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình hành động số 51-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đề ra, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện đồng bộ các giải pháp. 

Cụ thể: tăng cường truyền thông, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức đúng về bình đẳng giới là quan trọng nhất nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái để mọi người sẽ tự giác không tham gia quá trình lựa chọn giới tính trước sinh, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình và xã hội. Có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội phát triển khẳng định bản thân trong xã hội. 

Rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật (nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh), tổ chức cho các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập có liên quan ký cam kết không vi phạm quy định về chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi, đưa bổ sung nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào trong hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, những người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng, người dân vào cuộc vận động kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước đưa tỷ số về mức cân bằng tự nhiên. 

Tư tưởng thích con trai của nhiều người dân ảnh hưởng tới mất cân bằng giới tính của Hải Phòng - Ảnh 5.

Ảnh: Báo Hải Phòng

Hải Phòng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn để giúp người dân thay đổi tư tưởng

Ngày 2/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3671/QĐ-BYT về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố Hải Phòng thuộc nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109-112 bé trai/100 bé gái, gồm 18 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bình Phước, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Cao Bằng, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Định, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đắk Lắk.

Trước thực trạng trên, Hải Phòng cần tiếp tục đẩy mạnh đề án truyền thông thay đổi hành vi, tích cực tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ để trẻ sinh ra tự nhiên. Đối tượng truyền thông cần đa dạng như nam nữ vị thành niên, các cặp vợ chồng, ông bà trong gia đình, địa bàn truyền thông cần trải đều khắp các tổ dân cư, phường, xã, quận, huyện. Chỉ khi người dân hiểu đúng, đồng lòng thì thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mới tạo chuyển biến mạnh mẽ.

Ngày 2/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3671/QĐ-BYT về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, nhóm 1 có tỷ lệ giới tính khi sinh lớn hơn 112 bé trai/100 bé gái, gồm 21 tỉnh, thành phố: Sơn La, Hưng Yên, Bắc Ninh, Kiên Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hải Dương, Ninh Bình, Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lai Châu, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Hòa Bình. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, đơn cử như tỉnh Sơn La là 118,2 bé trai/100 bé gái; tỉnh Hưng Yên 118,1 bé trai/100 bé gái; tỉnh Bắc Ninh 117,7 bé trai/100 bé gái, Hà Nội 113 bé trai/100 bé gái…

Nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109-112 bé trai/100 bé gái, gồm 18 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bình Phước, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Cao Bằng, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Định, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Nhóm 3 có tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái, gồm 24 tỉnh, thành phố: An Giang, Yên Bái, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phú Yên, Tây Ninh, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Điện Biên, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau, Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hà Nội điều trị F0 4 tại chỗ, đáp ứng kịch bản 100.000 ca bệnh - SKĐS



Hạnh Ly
Ý kiến của bạn