Hà Nội

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

10-12-2022 12:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, bình đẳng giới là một chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhằm xây dựng quốc gia phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, an toàn và phát triển bền vững.

Để kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh hướng đến mức cân bằng tự nhiên, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này.

Tình hình thực hiện bình đẳng giới góp phần kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay

Vấn đề bình đẳng giới cũng như vấn đề giải phóng phụ nữ đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước cũng như các ban ngành và toàn xã hội trong những năm qua. Hiện nay bình đẳng giới đang là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam.

Ngày 29/7/1980, Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và được Quốc hội phê chuẩn ngày 27/11/1981. Nguyên tắc bình đẳng nam nữ đã được thể hiện nhất quán, liên tục trong các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam kể cả trước và sau khi tham gia Công ước CEDAW.

Trên cơ sở Hiến pháp, nhiều bộ luật, luật trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế, hôn nhân và gia đình và Pháp luật Hình sự được ban hành cũng thực hiện nhất quán bình đẳng thực chất. Trong các bộ luật, luật như: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật ngân sách nhà nước, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ luật lao động, Luật giáo dục nghề nghiệp; Luật bảo hiểm y tế, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật hôn nhân và gia đình, Pháp luật Hình sự… ngoài những quy định chung áp dụng một cách bình đẳng đối với nam và nữ còn có những chính sách điều chỉnh pháp luật riêng phù hợp với những đặc thù về giới tính của phụ nữ, trẻ em gái.

Tập trung và sinh động nhất quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm sự bình đẳng giới là sự ra đời của Luật Bình đẳng giới. Đây là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực vào bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, đồng thời đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ.

Bên cạnh việc ban hành, thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ và các bộ, ban ngành đã ban hành các nghị định, thông tư, chiến lược quốc gia... và thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án liên quan tới bình đẳng giới.

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 1.

Khoảng cách giới ở Việt Nam đã được thu hẹp trên một số khía cạnh. Ảnh: TL.

Theo các chuyên gia, khoảng cách giới ở Việt Nam đã được thu hẹp trên một số khía cạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình thu hẹp khoảng cách giới diễn ra vẫn chậm. Tỉ lệ nữ trong lĩnh vực chính trị như đại biểu quốc hội, vị trí lãnh đạo mặc dù có tăng tuy nhiên khoảng cách về giới vẫn còn khá xa. Vì vậy, xét theo vị trí việc làm ở vai trò lãnh đạo thì nam giới vẫn chiếm tỉ lệ rất cao và phân hóa giới trong 1 số ngành nghề và lĩnh vực lao động vẫn rất rõ.

Ví dụ cho đến thời điểm này, một số ngành nghề như xây dựng, khoa học, kĩ thuật, công nghệ, giao thông vẫn chiếm tỉ lệ nam giới áp đảo. Một số các ngành nghề khác tỉ lệ nữ giới lại cao hơn như trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, tỉ lệ nữ ngày càng đông.

Trong lĩnh vực lao động việc làm, các báo cáo nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ lao động nữ bị ảnh hưởng do dịch COVID cao hơn nam giới, thu nhập bị giảm hơn, trong khi gánh nặng về vai trò vừa chăm sóc, vừa về kinh tế vẫn phải đảm bảo… Tỉ lệ bạo lực gia đình theo khảo sát cũng gia tăng trong khoảng thời gian dịch COVID-19 diễn ra.

Các khảo sát thời điểm dịch COVID-19, số giờ mà chị em phải lao động làm việc nhà cũng cao hơn nam giới, như khi trẻ em học ở nhà, phụ nữ thường phải làm việc thêm nhiều lần, vừa làm công việc chuyên môn, công việc gia đình, chăm sóc con cái, cha mẹ….

Thực chất, bất bình đẳng giới để lại hệ lụy cho cả nam giới, nữ giới và LGBT. Như với định kiến giới, nỗi ám ảnh về vai trò trụ cột, về thành công, nó tạo ra niềm tin giới hạn với nữ giới. Vị thế của phụ nữ ở trong gia đình, xã hội còn thấp, phụ nữ ít cơ hội để phát triển bản thân. Phụ nữ sẽ không có cơ hội để độc lập trong công việc, kinh tế, nghề nghiệp… Do vậy vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong gia đình, xã hội sẽ không được cao.

Mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt là vai trò của họ trong gia đình và cộng đồng, nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế. Tình trạng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn nặng nề, phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi.

Các giải pháp cần tập trung thực hiện

Theo các chuyên gia dân số, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra là: "Đưa tỉ số giới tính khi sinh về dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống", tiến tới đưa tỉ số này về mức cân bằng tự nhiên thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi là vô cùng quan trọng, cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng này cho lãnh đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và người uy tín trong cộng đồng; tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ bằng các hình thức phù hợp.

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình, nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện nay.

- Thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới với nội dung hình thức thích hợp cho từng cấp học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện bình đẳng giới cho thế hệ trẻ.

- Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, sản xuất các tài liệu truyền thông (Thông điệp phát thanh, truyền hình; Tờ rơi...) về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới, giới thiệu phổ biến các tài liệu này đến các nhóm đối tượng truyền thông. Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương; tăng cường truyền thông qua hệ thống mạng điện thoại di động, các mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok; gắn các banner truyền thông trên các trang web có nhiều người truy cập.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, mít tinh, cổ động, diễu hành, diễn đàn, đối thoại, giao lưu, tọa đàm, các chiến dịch, sự kiện truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Để thúc đẩy bình đẳng giới góp phần kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ, với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị...

Hơn 140 triệu trẻ em gái được cho là "đã không được sinh ra" trên khắp thế giới do lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới

Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là một thực hành có hại xuất phát từ tâm lý ưa thích con trai và hạ thấp giá trị con gái, một biểu hiện phổ biến của bất bình đằng giới và phân biệt đối xử giới. Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 cho biết hiện nay, hơn 140 triệu trẻ em gái được cho là "đã không được sinh ra" trên khắp thế giới do lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Từ những năm 1990, một vài khu vực đã chứng kiến tỉ lệ các bé trai được sinh ra cao hơn khoảng hơn 25% so với các bé gái được sinh ra, phản ánh tập tục gia trưởng và phân biệt đối xử về kinh tế, xã hội.

"Tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước hết là vấn đề bất bình đẳng giới và vi phạm quyền con người của phụ nữ," ông Bjorn Andersson Giám đốc UNFPA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, trong đó có tình trạng tử vong mẹ gia tăng, bạo lực tình dục và buôn người. Chúng ta cần tập trung giải quyết nguyên nhân sâu xa của tâm lý ưa thích con trai và lực chọn giới tính trên cơ sở định kiên giới – bất bình đẳng giới, áp dụng hướng tiếp cận dựa trên quyền để kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên có liên quan ở các cấp từ cấp hoạch định chính sách đến các cá nhân và cộng đồng trong các hoạt động vận động chính sách, thay đổi quan niệm xã hội và hành vi của mỗi cá nhân, và đảm bảo bình đẳng về quyền con người và bình đẳng giá trị giữa các bé gái và bé trai.


Minh Đức
Ý kiến của bạn