Hà Nội

Ngày nào Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng phải ký giải quyết nghỉ việc

24-08-2022 21:10 | Y tế
google news

SKĐS - Đây là thông tin được ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trong chiều nay (24/8).

"Cá nhân tôi là Giám đốc Sở, ngày nào trên bàn cũng phải chờ ký giải quyết nghỉ việc. Đây không phải đa số ở y tế cơ sở mà là bệnh viện công lập", PGS.TS Tăng Chí Thượng nói.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện ngành y tế gặp khó khăn do biến động về nhân lực, tập trung ở các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Đặc biệt, khó khăn nhất là nhân lực điều dưỡng, bệnh viện nào cũng than thiếu điều dưỡng, chưa bao giờ các bệnh viện khó tuyển dụng như bây giờ. Cụ thể, theo yêu cầu, một bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, thế nhưng tỉ lệ hiện nay chỉ từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ.

"Lực lượng điều dưỡng là lực lượng đáng quan tâm bởi vì thu nhập chính của họ là đồng lương. Dù sao bác sĩ cũng có thể làm thêm ngoài giờ, ở phòng khám bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, còn thu nhập chính của điều dưỡng vẫn chỉ là đồng lương. Rất mong Quốc hội sắp tới có chính sách để giữ chân lực lượng lao động lớn nhất của ngành y tế là điều dưỡng. Tỉ lệ điều dưỡng giảm đi thì chất lượng chăm sóc bệnh nhân chắc chắn sẽ bị giảm đi. Chúng tôi rất lo", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Ngày nào Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng phải ký giải quyết nghỉ việc - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngày nào trên bàn làm việc của ông cũng có giấy chờ ký giải quyết nghỉ việc.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mới đây, Sở đã làm việc với các trưởng phó khoa một bệnh viện hạng 1 cho thấy có rất nhiều vấn đề cần thay đổi chính sách. Trước đây bệnh viện này thu nhập loại khá, khi có dịch COVID -19 thì chuyển đổi công năng chuyên điều trị COVID-19. Khi gần hết dịch, thành phố không rót kinh phí nữa, nhân viên bệnh viện không có tiền. Hiện thu nhập tăng thêm của nhân viên tại đây là 0 đồng, chỉ có lương cơ bản. Các trưởng khoa gắn bó lâu rồi không nỡ bỏ, họ trao đổi và khóc.

Ông Thượng cũng cho biết, nợ công của nhiều bệnh viện hiện tăng dần, gần đây, một số công ty dược đã lên tiếng yêu cầu các bệnh viện khẩn trương trả tiền. Thực tế hiện nguồn thu từ bệnh nhân thì chưa nhiều, chi trả từ bảo hiểm cũng chưa hết, chưa bao giờ các bệnh viện khó khăn như bây giờ.

Theo số liệu về tình hình biến động nhân sự y tế công lập trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 891 viên chức nghỉ việc. Số người làm việc năm 2021 là 42.914 người. Số người làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là 42.608 người, bao gồm hơn 8.800 bác sĩ, hơn 1.100 y sĩ, hơn 16.100 điều dưỡng và hộ sinh, hơn 2.800 kỹ thuật viên, hơn 2.700 dược sĩ và hơn 10.8000 người thuộc các chức danh khác.

Sở Y tế TP.HCM đánh giá, tuy tổng số người làm việc giảm không nhiều so với năm 2021 (306 người), nhưng điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập, vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng là nhân viên mới, cần có thời gian để thực hành, tập sự.

TP.HCM: Từ lãnh đạo đến nhân viên y tế nghỉ việc, lý do là gì?TP.HCM: Từ lãnh đạo đến nhân viên y tế nghỉ việc, lý do là gì?

SKĐS - Sáng 5/8, tại buổi gặp gỡ Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với nhân viên y tế Thành phố, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế đang đối mặt sự biến động nguồn nhân lực rất lớn và đáng lo ngại.


Vân Nhi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn