TP.HCM: Từ lãnh đạo đến nhân viên y tế nghỉ việc, lý do là gì?

05-08-2022 14:34 | Y tế
google news

SKĐS - Sáng 5/8, tại buổi gặp gỡ Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên với nhân viên y tế Thành phố, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế đang đối mặt sự biến động nguồn nhân lực rất lớn và đáng lo ngại.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, sau 1 năm chống dịch COVID-19, ngành y tế Thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Nguy cơ dịch chồng dịch, nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, nguy cơ biến động nhân lực y tế và một nguy cơ mới đó là xuất hiện tâm trạng lo lắng kéo dài của nhân viên y tế sau dịch.

"Trước đây, nhân viên y tế gặp nhau rất vui nhưng giờ ai cũng lo lắng. Chúng tôi cũng đang cố gắng có các biện pháp để ổn định tâm trạng anh em như lãnh đạo sở luân phiên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư từ điều dưỡng đến cán bộ quản lý, phối hợp chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý cho anh em; tổ chức các cuộc giao lưu, hỗ trợ nghỉ dưỡng…", ông Thượng chia sẻ.

Theo thống kê của Sở Y tế, tổng số người làm việc năm 2021 của ngành y tế công TP.HCM là 42.914 người; số người làm việc 6 tháng đầu năm là 42.608 người, bao gồm 181 công chức, 27.545 viên chức và 14.882 hợp đồng lao động. Từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố có 891 nhân viên y tế nghỉ việc nhưng cũng tuyển mới nhiều nên con số thiếu hụt chính xác là 306 người.

Từ lãnh đạo đến nhân viên y tế nghỉ việc do lý do gì? - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng phát biếu trong buổi gặp gỡ nhân viên y tế Thành phố

Tuy số chênh lệch nghỉ không nhiều, nhưng gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, có kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói.

Ông Thượng còn bày tỏ sự lo ngại trước một vấn đề mới phát sinh. Đó là ngoài thực trạng nhân viên y tế công lập nghỉ việc, thì nay cán bộ quản lý cũng nghỉ việc. Qua tìm hiểu, có nhiều lý do khiến cán bộ quản lý nghỉ việc, không giống như nhân viên. Thực trạng hiện nay của thành phố là nhiều cơ sở y tế không có giám đốc như Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện quận 6, Bệnh viện quận 7, Trung tâm y tế quận 10…

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ ra 6 nguyên nhân chính khiến nhân viên y tế nghỉ việc là:  thu nhập thấp; không hài lòng về môi trường làm việc; không hài lòng về giám đốc bệnh viện; không hài lòng về người quản lý, chỉ đạo trực tiếp; không có cơ hội để phát triển và cuối cùng là cường độ làm việc quá cao.

Trong buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị những nội dung rất sát với thực tế. Tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý đối với những đơn vị thiếu hụt nguồn nhân lực, ưu tiên cho các cơ sở gặp khó khăn như Bệnh viện Măt TP.HCM, Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bệnh viện Q.7, Q.6, Trung tâm y tế Q.10…

Tiếp tục thực hiện nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố năng lực trạm y tế. Không giảm số biên chế của ngành, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động. Có giải pháp hỗ trợ cho đơn vị tự chủ chi thường xuyên về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.

Kiến nghị lãnh đạo Thành phố tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, tiếp tục củng cố quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, và nhất là vai trò điều phối, tham mưu của Văn phòng UBND TP.HCM đối với hoạt động chăm lo sức khoẻ nhân dân.

Cuối cùng, để chủ động giải pháp ổn định tâm trạng, những băn khoăn, lo lắng của nhân viên y tế, lãnh đạo Sở Y tế gồm, Giám đốc và Phó giám đốc luân phiên lắng nghe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ nhân viên y tế ...

Lương bác sĩ ra trường chưa đến 5 triệu và 8 nguyên nhân khiến gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việcLương bác sĩ ra trường chưa đến 5 triệu và 8 nguyên nhân khiến gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc

SKĐS - Theo Công đoàn y tế Việt Nam, sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, lương của bác sĩ chỉ 3.486.000 đồng, cộng thêm phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì tổng mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).


P.T
Ý kiến của bạn