Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, đã có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc trên cả nước. Trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Chỉ riêng tại TP.HCM, từ đầu năm 2022 đến nay đã có 891 nhân viên y tế nghỉ việc. Thực tế, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc đã xuất hiện từ trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, thời gian sau dịch COVID-19 số nhân viên xin nghỉ đột ngột tăng cao một cách đáng ngại, nguy cơ biến động nguồn nhân lực rất lớn.
Thu nhập thấp có phải là nguyên nhân chính dẫn tới nghỉ việc?
Đã có rất nhiều lý do được nêu ra để giải thích cho hiện tượng nhân viên y tế nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân được quan tâm nhiều nhất đó chính là thu nhập của nhân viên y tế.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ rằng, để trở thành bác sĩ cần phải nỗ lực rất nhiều, quá trình học tập rất khó khăn và kéo dài 6 năm, nhưng lương của bác sĩ vừa mới ra trường rất thấp. Với mức lương này thì họ không thể sống nổi tại TP.HCM.
Nhiều nhân viên y tế cũng có chia sẻ, lương của nhân viên y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở hiện đang rất thấp. Để có thể lo được cho bản thân và gia đình họ phải làm thêm các nghề tay trái, buôn bán thêm các mặt hàng khác để tăng thu nhập. Cũng nhờ làm thêm các công việc khác thì họ mới có thể bám trụ được với nghề trong thời gian qua.
Là một trong những người gắn bó với tuyến y tế cơ sở trong nhiều năm, bà Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, TP.HCM đã nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ về các nhân viên ở trạm, bà vẫn còn nhiều điều trăn trở trước khi về hưu.
"Chúng tôi phải làm việc với cường độ rất cao, hơn 29 đầu việc từ công tác điều trị, chăm sóc, dự phòng.... Để hoàn thành công việc, các em phải làm quần quật ở trạm y tế cả ngày lẫn đêm, từ ngày này qua ngày khác và không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật.
Nhân viên y tế là những người hy sinh thầm lặng, công sức của họ bỏ ra rất nhiều. Tuy nhiên, các tuyến y tế cơ sở như chúng tôi lại không được biết tới và coi trọng. Qua thời gian dịch bệnh có thể thấy tuyến y tế cơ sở là nơi đổ mồ hôi và nước mắt nhiều nhất. Nhưng cho tới nay nhân viên tại tuyến y tế cơ sở vẫn có thu nhập rất thấp và không có cơ hội phát triển".
Đồng ý kiến với Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, rất nhiều đại diện của các trung tâm y tế tuyến cơ sở khác tại TP.HCM cũng cho rằng cường độ làm việc của nhân viên y tế đặc biệt là các điều dưỡng và y sĩ quá cao. Dù họ đã làm việc và cống hiến hết mình nhưng lại chưa được đền đáp xứng đáng.
Rất nhiều lãnh đạo, chuyên gia nhận định rằng, thu nhập thấp không phải là nguyên nhân chính khiến cho nhân viên y tế nghỉ việc thời gian gần đây.
Thu nhập thấp không phải là nguyên nhân chính gây nghỉ việc!
Bên cạnh gánh nặng về kinh tế thì nhân viên y tế còn phải chịu những áp lực vô hình khác mà công việc hàng ngày mang tới.
"Lương quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Ngoài lương ra còn cần môi trường làm việc; cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc tốt; đồng nghiệp, lãnh đạo tận tâm, chia sẻ các khó khăn với nhau; có sự công bằng trong đối xử, có cơ hội học tập và thăng tiến. Lương có thấp hơn chút nhưng nếu nơi nào có môi trường làm việc tốt hơn sẽ vẫn là sự lựa chọn đầu tiên", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho hay: "Chúng tôi thấy rằng ngành y tế đang có sự tủi thân, đồng lương thì cũng quan trọng, nhưng rõ ràng làm nghề gì, ở đâu cũng được chỉ cần mình cảm thấy vui, hãnh diện, hạnh phúc với những điều đó thì mới chính là mục đích sống của mình".
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, về vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, ông đã từng tham khảo qua một khảo sát trên 500 bác sĩ, và thấy rằng có 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt hiện nay.
- Lương thấp là nguyên nhân đầu tiên.
- Nguyên nhân thứ hai là không hài lòng với môi trường làm việc (chiếm 57%).
- Thứ ba là cường độ làm việc quá cao.
- Thứ tư là không có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề.
- Thứ năm là không hài lòng với giám đốc (có 38%).
- Cuối cùng là vì không hài lòng với người quản lý trực tiếp của mình".
Vậy nên việc giải tỏa được những khó khăn, thách thức, áp lực cho nhân viên y tế là điều cần thiết. Nếu tình trạng áp lực này xảy ra lâu dài thì có thể làm cho nhân viên ngành y tế sẽ lựa chọn lựa khác để có cơ hội phát triển tốt hơn, ổn hơn để có thời gian lo cho gia đình.
Để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho nhân viên y tế, giúp nhân viên y tế yên tâm cống hiến cho nghề thì Bộ Y tế đã đề xuất nâng mức phụ cấp 100% đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và bệnh viện tuyến huyện.
Đề nghị nâng mức phụ cấp 40% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.