Cứ ngứa mắt là dùng thuốc nhỏ mắt tobradex
Bệnh nhân nữ 55 tuổi, đến bệnh viện đa khoa Đà Nẵng khám bệnh với tình trạng một bên mắt mờ hẳn. Thị lực chỉ còn nhìn thấy ở khoảng cách 0,5m. Nghĩa là khi khám bệnh, bác sĩ bịt bên mắt còn lại, đưa ngón tay ra cho bệnh nhân đếm, thì chỉ có khả năng đếm được trong cự ly 0,5m, còn nếu để ra xa hơn thì không nhìn thấy. Như vậy, điều này xem như đã mù một bên mắt.
Khai thác bệnh sử được biết, gần 2 năm trước bệnh nhân bị ngứa, chảy nước mắt ở một bên mắt. Bà ra hiệu thuốc gần nhà và được tư vấn mua thuốc nhỏ mắt tobradex. Sau vài ba ngày nhỏ thuốc này, bà thấy khỏi các triệu chứng, nhưng chỉ sau khoảng nửa tháng thì tình trạng bệnh lại tái phát. Bệnh nhân lại tiếp tục mua tobradex về nhỏ mắt. Cứ như vậy qua gần 2 năm, bệnh nhân đã dùng hàng chục lọ thuốc này.
Cũng vì chỉ có 1 bên mắt bị suy giảm thị lực, còn một bên mắt vẫn nhìn được bình thường nên người bệnh chủ quan không đi khám. Cho đến khi bên mắt nhỏ thuốc gần như bị mù mới đi khám thì đã muộn…
Vì sao lạm dụng thuốc nhỏ mắt tobradex lại gây giảm thị lực?
Tobradex là thuốc nhỏ mắt phối hợp giữa tobramycin và dexamethasone. Là một loại thuốc được bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ định khá rộng rãi để điều trị các viêm nhiễm tại kết mạc, giác mạc, bờ mi, viêm màng bồ đào trước… do nhiễm khuẩn, dị ứng, rối loạn miễn dịch. Thuốc còn được dùng sau phẫu thuật bề mặt nhãn cầu, hay phẫu thuật vào nội nhãn để hạn chế
Tobramycine là kháng sinh, có tác dụng mạnh và hấp thu nhanh. Còn dexamethasone là hoạt chất chống viêm thuộc dòng corticoid rất mạnh, hấp thu tốt vào nội nhãn, có tác dụng chống viêm, giảm đau nhức và cương tụ mạch máu nhanh chóng. Sự phối hợp giữa 2 hoạt chất này sẽ giúp cho các triệu chứng của bệnh mắt nhanh chóng được đẩy lùi, đạt hiệu quả điều trị mong muốn cho người kê đơn và cả bệnh nhân. Do đó, thuốc được nhiều người coi như là một "thần dược" - hễ cứ khó chịu ở mắt là mua về nhỏ.
Tuy nhiên, cần lưu ý đây là một loại thuốc kê đơn. Với thuốc nước nhỏ mắt, khuyến cáo của nhà sản xuất liều chỉ định là từ 4-6 lần/ngày. Với một số bệnh lý cấp tính như viêm màng bồ đào cấp, viêm dị ứng nặng có thể tăng liều lên từ 8-10 lần/ngày. Còn với các bệnh lý mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định giảm liều từ từ tiến dần tới ngừng thuốc để hạn chế các tác dụng phụ.
Nhưng thực tế trong cộng đồng, không chỉ có kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào bị lạm dụng, mà tobradex cũng là loại thuốc mà có nhiều người tự ý mua về nhỏ mắt mỗi khi có triệu chứng ngứa ở mắt. Cùng với tình trạng bán thuốc dễ dãi ở các hiệu thuốc tây hiện nay nên việc lạm dụng thuốc càng dễ xảy ra. Điều này rất nguy hiểm, bởi đó chính là con dao hai lưỡi.
Nếu lạm dụng để nhỏ mắt thường xuyên, kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp (bệnh glaucoma), làm tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực. Điều nguy hiểm là khi giảm thị lực do dùng thuốc này thì không bao giờ hồi phục.
Như trường hợp của bệnh nhân nêu trên, một bên mắt vĩnh viễn chỉ nhìn thấy trong cự ly 0.5m, thậm chí sẽ bị tụt thêm nếu không có biện pháp ngăn ngừa phù hợp. Do đó, mục tiêu của điều trị cho trường hợp này là giữ lại tầm nhìn như cũ, chứ không phải làm cho mắt sáng hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Cách điều trị đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn | SKĐS