1. Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid được dùng trong những trường hợp nào?
Các thuốc corticoid ngăn ngừa viêm bằng cách ức chế giải phóng các protein gây viêm từ những tế bào miễn dịch và làm giảm các triệu chứng như đau, đỏ và sưng. Corticoid hoạt động bằng cách kích hoạt enzyme lipocortin - chất này ức chế phospholipase A2, một loại enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc bắt đầu quá trình viêm. Phospholipase A2 cho phép tổng hợp các chất gây viêm như leukotriene và prostaglandin.
Thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần corticoid có tác dụng chống viêm mạnh. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng chống xuất tiết và chống dị ứng, được dùng trong điều trị các bệnh: Viêm mống mắt thể mi, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm kết mạc dị ứng theo mùa...
Các trường hợp viêm loét giác mạc được khuyến cáo không nên dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vì hoạt chất này gây giảm miễn dịch tại chỗ, làm chậm quá trình liền sẹo. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho các chủng vi khuẩn trong kết mạc và giác mạc phát triển, thậm chí còn gây biến chứng nặng.
2. Cảnh báo mối nguy do lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid
Hiện nay, các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid được bán phổ biến trên thị trường mà người bệnh có thể mua dễ dàng. Nếu dùng không đúng bệnh, không đúng liều lượng, lạm dụng thuốc, sử dụng kéo dài, thuốc corticoid có thể gây ra một số tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm.
2.1. Tăng nhãn áp (Glaucoma)
Corticoid gây tích tụ chất glycosaminoglycan, làm tăng sản xuất protein –TIGR (Trabercular meshowrk- Glucocortcoid Respone) dẫn đến bít tắc, xơ hóa vùng bè gây ra tăng nhãn áp. Khi bị tăng nhãn áp làm tổn thương thần kinh thị giác, ảnh hưởng đến thị lực, có thể gây đục thủy tinh thể với các triệu chứng như mắt nhìn mờ như qua một lớp sương, ra trời nắng nhìn chói, thị lực giảm, bệnh gây mù lòa từ từ...
Nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp do corticoid gây ra phụ thuộc vào thời gian dùng thuốc, hiệu lực của corticoid cũng như tình trạng của người bệnh. Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp do corticoid bao gồm: Bệnh tăng nhãn áp góc mở nguyên phát đã có từ trước, tiền sử tăng áp lực nội nhãn đã sử dụng steroid, bệnh đái tháo đường type1 hoặc ở người cao tuổi.
2.2. Gây mỏng giác mạc
Dùng corticoid kéo dài gây ra mỏng giác mạc. Trong một số bệnh lý, người bệnh không biết mình bị rách hoặc loét giác mạc mà tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa thành phần corticoid sẽ làm vết loét rộng ra, lâu liền sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc gây mù
2.3. Đục thủy tinh thể
Tác dụng phụ khi dùng corticoid thường xuất hiện sau vài tuần với loại corticoid mạnh và sau vài tháng với loại corticoid với loại nhẹ. Dexamethasone gây đục thể thủy tinh cực sau, khó nhìn ban ngày rồi đục lan ra vỏ và nhân thể thủy tinh, gây mù lòa thực sự nếu không mổ thể thủy tinh và đặt thể thủy tinh nhân tạo (IOL).
Biểu hiện của bệnh về mắt do đục thủy tinh thể thường không có triệu chứng rõ ràng như không đau nhức, không đỏ mắt, nên người bệnh thường đến khám muộn khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Khi bị đục thủy tinh thể nặng, bệnh nhân bắt buộc phải phẫu thuật thay thủy tinh thể để cải thiện tầm nhìn.
2.4. Gây bội nhiễm, loét giác mạc do virus, nấm, chậm lành vết thương
Hoạt chất corticoid có tác dụng không chỉ làm kìm hãm các phản ứng viêm mà còn ức chế cả sức chống đỡ của cơ thể đối với các tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, làm chậm quá trình liền sẹo nên vi khuẩn, virus hay nấm thường lọt qua các hàng rào bảo vệ tại mắt gây bệnh cho giác mạc, thậm chí trong môi trường nội nhãn.
3. Hướng dẫn dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid an toàn, hiệu quả
- Không sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid bừa bãi: Đây là những loại thuốc phải mua theo đơn và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ bởi việc sử dụng kéo dài thuốc (quá 2 tuần liên tục) có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, mỏng giác mạc…
- Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi sử dụng, không dùng thuốc đã hết hạn: Thuốc nhỏ mắt là dạng bào chế vô khuẩn và thường chứa ít thành phần chất bảo quản nên thuốc có hạn sử dụng sau khi mở nắp ngắn, thông thường chỉ trong vòng 15 ngày. Để đảm bảo chất lượng, nên ghi lên lọ thuốc ngày mở nắp và không nên sử dụng lọ thuốc nhỏ mắt đã được mở quá 15 ngày.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác: Khi dùng chung thuốc nhỏ mắt sẽ làm tăng nguy cơ lây lan các mầm bệnh (vi khuẩn, vi sinh vật hoặc bụi bẩn) từ người này sang người khác, đặc biệt các bệnh liên quan đến mắt.
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi nhỏ mắt và không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.
- Dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian: Nhiều người có thói quen dùng thuốc nhỏ mắt bất kỳ lúc nào khi có các triệu chứng khó chịu hoặc tùy tiện dùng mà không để ý đến thời gian, khoảng cách giữa các lần nhỏ mắt, điều này có thể gây hại cho sức khỏe đôi mắt.
Cũng như những loại thuốc khác, thuốc nhỏ mắt chứa corticoid phải được sử dụng đúng liều lượng và thời gian phù hợp tùy theo tình trạng của người bệnh. Do đó, cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và ghi nhớ chính xác thời gian, khoảng cách giữa các lần nhỏ thuốc
- Lưu ý khi dùng cùng lúc nhiều loại thuốc: Nếu cần sử dụng nhiều hơn 1 loại thuốc nhỏ mắt, cần đợi ít nhất 5-10 phút trước khi nhỏ loại thuốc tiếp theo. Điều này là để ngăn giọt thuốc đầu tiên bị rửa trôi trước khi nó có thời gian phát huy tác dụng, đồng thời, giúp ngăn ngừa bất kỳ tương tác thuốc nào giữa các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau. Trong trường hợp bác sĩ kê toa cả thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ mắt, nên sử dụng thuốc nhỏ mắt trước.
- Đối với trường hợp đeo kính áp tròng: Cần tháo kính áp tròng trước khi nhỏ mắt do kính gây cản trở quá trình hấp thu của thuốc từ đó giảm hiệu quả của thuốc. Cần đợi 30 phút sau khi nhỏ thuốc rồi mới đeo kính do chất bảo quản có trong thuốc nhỏ mắt có thể làm hỏng kính.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối.