Hà Nội

11 sai lầm khi dùng thuốc nhỏ mắt và cách khắc phục

31-05-2023 14:25 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều sai lầm khiến việc dùng thuốc không hiệu quả...

Các thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh về mắtCác thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh về mắt

SKĐS - Thời tiết thay đổi liên tục kèm theo nắng nóng kéo dài gây nên nhiều bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm kết mạc, khô mắt… Việc sử dụng thuốc trị bệnh về mắt có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng, giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng.

1. Tự ý dùng thuốc nhỏ mắt

Rất nhiều người khi bị ngứa mắt, cộm mắt… thường tự mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng mà không cần thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đây là một sai lầm thường gặp.

Nên nhớ, hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt. Mỗi loại thuốc lại phù hợp với một tình trạng bệnh nhất định. Do đó, việc tự ý dùng thuốc khi chưa biết bệnh cụ thể là gì vừa không chữa được bệnh mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt, thậm chí có thể gây những tác dụng phụ nguy hiểm.

Nên: Khi gặp các triệu chứng khó chịu ở mắt, người bệnh cần đến khám tại các phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc.

11 sai lầm khi dùng thuốc nhỏ mắt và cách khắc phục - Ảnh 2.

Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt.

2. Dùng thuốc của người khác

Nhiều người thường "tiện tay" dùng luôn lọ thuốc nhỏ mắt của người khác vì cũng có triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, việc dùng chung thuốc nhỏ mắt sẽ làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh, nếu người dùng trước đó bị nhiễm trùng mắt. Chưa kể đến, tình trạng bệnh, thể trạng của mỗi người khác nhau và loại thuốc dùng cũng hoàn toàn khác nhau.

Nên: Tuyệt đối không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt với người khác.

3. Dùng thuốc quá hạn

Thông thường, khuyến cáo sau khi mở nắp lọ thuốc nhỏ mắt chỉ nên dùng trong vòng 15-30 ngày, do sau thời hạn này, có thể làm thuốc biến chất hoặc sản sinh ra vi khuẩn gây bệnh. Song, có nhiều người không để ý đến điều này, hoặc vì tiết kiệm, nên vẫn sử dụng thuốc nhỏ mắt sau thời gian quy định.

Nên: Dùng càng sớm càng tốt thuốc nhỏ mắt trong vòng 15 -30 ngày sau khi mở nắp. Sau thời gian này, nếu còn thuốc cũng nên bỏ đi. Để tránh quên, có thể ghi bên ngoài nhãn thuốc ngày mở lọ thuốc.

11 sai lầm khi dùng thuốc nhỏ mắt và cách khắc phục - Ảnh 3.

Nhiều người dùng thuốc nhỏ mắt quá liều đã được chỉ định.

4. Tăng liều thuốc nhỏ mắt

Nhiều người quan niệm, nhiều thuốc sẽ nhanh khỏi hơn, nên thay vì dùng thuốc theo chỉ định đã nhỏ quá nhiều thuốc. Chẳng hạn như chỉ định tra 4 lần/ngày thì bệnh nhân lại tra lên 10 lần/ ngày, chỉ định nhỏ một bên mắt thì lại nhỏ cả 2 mắt. Hoặc bác sĩ kê đơn mỗi lần nhỏ 1 giọt thì bệnh nhân lại nhỏ 3-4 giọt/lần.

Trên thực tế, mỗi bên mắt chỉ có thể chứa tối đa 2 giọt thuốc cùng một thời điểm. Do đó, nhỏ nhiều hơn lượng này vừa tốn thuốc vừa không đạt được hiệu quả điều trị.

Nên: Chỉ nên nhỏ 1-2 giọt vào mỗi bên mắt.

5. Lạm dụng thuốc

Một số thuốc trị bệnh về mắt có chứa các thành phần như kháng sinh, corticoid, kháng histamin… Khi dùng các thuốc nhỏ mắt, người dùng có cảm giác dễ chịu, hết ngứa mắt, khô mắt… do đó thường xuyên dùng loại thuốc này.

Tuy nhiên, việc dùng thường xuyên, kéo dài những loại thuốc này có thể gây các tác dụng phụ không mong muốn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt, thậm chí có thể gây mù lòa.

Nên: Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt khi có chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

6. Dùng quá nhiều loại thuốc nhỏ mắt

Đây là một sai lầm nhiều người mắc phải. Có một số trường hợp phải dùng nhiều loại thuốc để trị bệnh về mắt. Do không biết nên đã nhỏ một lúc các loại thuốc này cùng nhau. Nên nhớ, cũng như các loại thuốc đường uống, đường tiêm truyền, thuốc nhỏ mắt cũng có thể gây các tương tác nếu dùng đồng thời, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Nên: Nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cách dùng thuốc an toàn, hiệu quả.

7. Không vệ sinh tay trước khi nhỏ mắt

Đây cũng là một trong những sai lầm nhiều người gặp phải. Thói quen vệ sinh tay trước khi nhỏ mắt sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn từ tay có thể lây lan vào mắt hoặc dính vào nắp lọ thuốc trong quá trình nhỏ mắt và từ đó lây sang mắt.

Nên: Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi nhỏ mắt.

8. Đeo kính áp tròng khi đang nhỏ mắt

Nếu không tháo kính áp tròng, việc hấp thụ thuốc nhỏ mắt sẽ bị cản trở và giảm hiệu quả điều trị bệnh.

Nên: Tháo kính áp tròng ra trước khi nhỏ thuốc vào mắt.

9. Không tuân thủ thời gian nhỏ thuốc mắt

Nhiều người cứ thấy mắt khó chịu, ngứa ngáy, mỏi mắt… là lấy thuốc nhỏ mắt ra dùng mà không chú ý đến thời gian dùng thuốc.

Tuy nhiên, đây cũng là quan niệm sai lầm. Với mỗi loại thuốc trị bệnh về mắt lại có quy định về liều lượng, thời gian sử dụng nhất định. Việc sử dụng tùy tiện có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, kéo dài thời gian điều trị, thậm chí làm cho điều trị trở nên khó khăn hơn.

Nên: Tuyệt đối tuân thủ theo đúng liều lượng, thời gian dùng thuốc mà bác sĩ đã chỉ định và hướng dẫn. Đặc biệt là thuốc điều trị glocom buộc phải dùng đúng thời gian theo chỉ dẫn bác sĩ

10. Nhầm lẫn giữa các loại thuốc

Nhiều loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai, mũi… có bao bì, hình dáng gần giống nhau nên việc nhầm lẫn cũng có thể xảy ra. Hậu quả nếu dùng nhầm có thể gây nguy hiểm cho mắt.

Nên:

- Để các loại thuốc dạng nhỏ giọt cách xa nhau.

- Giữ nguyên vỏ ngoài của lọ thuốc nhỏ mắt.

- Đọc kỹ vỏ thuốc trước khi dùng.

- Sử dụng các loại thuốc ở thời điểm khác nhau.

- Vứt những thuốc còn lại khi ngừng dùng.

11. Không dùng thuốc hết đơn

Một số người khi dùng thuốc nhỏ mắt thấy bệnh đỡ nên đã ngừng dùng thuốc mà không cần hỏi ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh muốn khỏi cần phải uống đủ liều, đúng thời gian quy định. Ngừng dùng thuốc đột ngột khiến bệnh không thể khỏi, nguy cơ tai s phát cao, thậm chí bệnh nặng lên và việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Nên: Tuyệt đối không ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những lưu ý cho người viêm da cơ địa khi trời nắng nóng.

BS. Nguyễn Xuân Long
Ý kiến của bạn