Hơn trăm con giun đũa trong bụng, bé 5 tuổi bị tắc ruột

31-08-2023 19:02 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng vật vã, nôn, đi cầu phân lỏng, bệnh nhi 5 tuổi còn bị suy dinh dưỡng nặng, bụng chướng căng. Tại BV Phụ sản Nhi Quảng Nam, các bác sĩ phát hiện trong ruột bệnh nhi có một búi giun đũa "khổng lồ" hơn trăm con.

Sáng 30/8, Khoa Ngoại - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam vừa tiếp nhận bệnh nhi H.T.K.T (64 tháng tuổi) trú tại xã Trà Bui, huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trong tình trạng sốt, đau bụng vật vã, nôn ói, đi cầu phân lỏng, người xanh xao, gầy, suy dinh dưỡng nặng. 

Hơn trăm con giun đũa trong cơ thể, bé 5 tuổi bị tắc ruột - Ảnh 1.

Giun đũa thành búi được lấy ra khỏi bệnh nhi.

Khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đại tiện phân lỏng nhiều ngày, thành bụng căng, ấn đau lan tỏa. Kết quả chụp X-quang bụng cho thấy, nhiều hình cản quang dạng ống khu trú hố chậu phải và vùng bụng dưới, siêu âm thấy hình ảnh giun ký sinh chiếm toàn bộ trong các quai ruột. 

Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị tắc ruột do búi giun. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển mổ cấp cứu. TTƯT, BSCKII. Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi. 

Theo các bác sĩ, nhiễm giun là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, số lượng trẻ nhiễm giun ở vùng nông thôn cao hơn thành phố, vì ở nông thôn hay nuôi các con vật như chó, mèo… đó là những vật chủ lây sang người.

Với sự khẩn trương của toàn bộ ê kíp, chỉ sau 1 giờ phẫu thuật các bác sĩ đã lấy ra 115 con giun đũa từ trong ruột bệnh nhi. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi và chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và Bệnh lý sơ sinh, Bệnh Viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Hiện tại bệnh nhi đã tỉnh táo và dần ổn định. 

Theo BSCKII. Nguyễn Đức Hùng Sơn, tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử ruột và các biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ. Tắc ruột do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân thường gặp ở trẻ là tắc ruột do giun đũa. 

Khi trẻ bị tắc ruột do giun sẽ có các triệu chứng như: đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, khám thấy thành bụng căng, nhu động ruột giảm, kích thích phúc mạc vùng bụng, nôn hoặc trước đó có nôn ra giun… 

Tắc ruột kéo dài có thể gây lồng ruột, xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột, thậm chí gây thủng ruột, rối loạn điện giải, vô niệu, nguy hiểm đến tính mạng. 

Do đó, người lớn khi chăm sóc trẻ, nên chú ý việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tẩy giun theo định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ và phòng ngừa bệnh giun đũa bằng cách: 

  • Vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn. 
  • Uống nước đun sôi, rửa rau củ quả dưới vòi nước sạch.
  • Hướng dẫn trẻ nhỏ không ngậm tay lên miệng, rửa tay sạch sẽ khi chơi đùa. 
  • Giáo dục người dân không phóng uế bừa bãi.
  • Không dùng phân tươi bón rau, trồng cây.
  • Không thả rông thú cưng.
  • Tăng cường xây dựng nhà vệ sinh ở nông thôn và nhà vệ sinh công cộng ở thành thị. 
Tắc ruột vì ăn loại quả thơm lừng nhiều người yêu thíchTắc ruột vì ăn loại quả thơm lừng nhiều người yêu thích

SKĐS - Sau khi ăn quá nhiều mít mật, người phụ nữ nhập viện trong tình trạng chướng bụng, đau quặn. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn.


Huyên Nguyễn - Mỹ Linh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn