Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng ở trẻ em xảy ra khi cơ thể bé bị thiếu hụt nghiêm trọng các dưỡng chất và năng lượng cần thiết để hoạt động. Điều này gây ảnh hưởng tới các hoạt động cũng như sự tăng trưởng, phát triển bình thường của cơ thể.
Theo các chuyên gia y tế, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ thường được xác định dựa vào các yếu tố như cân nặng và chiều cao. Nếu cân nặng thấp hơn so với tuổi mà chiều cao vẫn bình thường thì gọi là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, còn cân nặng bình thường và chiều cao của trẻ thấp hơn so với lứa tuổi được gọi là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Còn với trường hợp cả chiều cao và cân nặng đều thấp hơn so với tuổi thì được gọi là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân.
Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thường xuất phát từ việc không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết. Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đó là trẻ bị suy giảm sức đề kháng, chậm phát triển cả về trí não lẫn thể chất, tăng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ.
Những yếu tố phổ biến thường gặp khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng đó là:
Khi sinh ra trẻ cân nặng dưới 2,5kg, trẻ đẻ non, dị tật sứt môi hở hàm ếch, suy dinh dưỡng bào thai, tim bẩm sinh...; chế độ chăm sóc em bé không phù hợp, do chế độ ăn của trẻ dẫn tới trẻ thiếu dưỡng chất, thiếu vi chất...
Đặc biệt, một nguyên nhân khiến nhiều mẹ không ngờ tới khiến em bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng đó là trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hoặc trẻ phải cai sữa sớm.
Mặc dù hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ nhưng không phải người mẹ nào cũng biết nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách nên đã không ít trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Trường hợp bé M.A mới 7 tháng tuổi đã bị suy dinh dưỡng nhà chị Nguyễn Thị P.L. (Hà Nam) là ví dụ điển hình.
"Do con không được dùng sữa mẹ hoàn toàn và việc chăm sóc về dinh dưỡng của tôi chưa tốt nên con đã bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tôi đang cố gắng khắc phục tình trạng này theo tư vấn của bác sĩ ", chị P.L. chia sẻ.
Cách phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Để hạn chế nguy cơ gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, các mẹ nên tham khảo những phương pháp sau đây từ các chuyên gia dinh dưỡng:
- Hãy cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau khi sinh ngay cả khi sữa mẹ chưa về hãy cho trẻ bú mẹ trực tiếp. Bởi lẽ điều này sẽ giúp kích thích tuyến sữa của mẹ hoạt động, đồng thời con sẽ nhận được kháng thể có trong sữa mẹ. Nên duy trì điều này ít nhất trong 6 tháng đầu đời của trẻ;
- Sau 6 tháng tuổi mới cho trẻ tập ăn dặm vì ở giai đoạn này nhu cầu của trẻ bắt đầu tăng lên. Lúc này trẻ cần có nhiều năng lượng hơn để tập đi, tập đứng và các hoạt động khác. Tuy nhiên, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất, nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời hoặc cai sữa sớm sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch và mắc bệnh ở trẻ nhỏ. Nên cho trẻ bú mẹ đến khi 24 tháng tuổi và không được cai sữa cho bé khi chưa cho trẻ ăn bổ sung dinh dưỡng hay khi trẻ bị ốm.
- Ưu tiên hàng đầu khi chế biến và lựa chọn đồ ăn cho trẻ là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Cho bé thường xuyên vận động, vệ sinh sạch sẽ cơ thể bé và môi trường sống hàng ngày;
- Mỗi tháng cần theo dõi thể trạng, cân nặng, chiều cao của trẻ để kịp thời phát hiện nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ nhằm có biện pháp can thiệp ngay từ sớm;
- Với trẻ từ 2 tuổi trở lên thì xổ giun theo định kỳ 6 tháng/lần…
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao. Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.