Bệnh nhân nặng dễ hoại tử ruột vì ăn uống không đúng cách

14-04-2019 17:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các nghiên cứu trong nước cho thấy một thực trạng đáng báo động là tỉ lệ người bệnh nặng bị suy dinh dưỡng đang ở mức rất cao 50-65% khiến khả năng chống đỡ bệnh tật rất kém. Suy dinh dưỡng góp phần kéo dài thời gian điều trị, tăng giá thành viện phí và tăng tỉ lệ tử vong.

Nhiều biến chứng nguy hiểm...

Tại Hội thảo khoa học chuyên đề huyết động và dinh dưỡng tổ chức tại BVĐK Nông Nghiệp, ThS.BS Trần Thị Thắm – Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đối với người bình thường dinh dưỡng hàng ngày đã không thể thiếu và với bệnh nhân nặng thì nó lại càng quan trọng hơn, nuôi dưỡng không đúng không những làm bệnh nặng lên, kéo dài thời gian điều trị mà nhiều trường hợp còn liên quan đến tính mạng của người bệnh.

Cũng theo ThS.BS Trần Thị Thắm, nếu cho người bệnh ăn uống không đúng cách có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, phải kể đến một số biến chứng tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu… Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng không dung nạp dinh dưỡng dẫn đến dịch tồn dư trong dạ dày, bụng chướng, đi ngoài lỏng…

Nguy hiểm hơn là người bệnh có thể gặp phải tình trạng hoại tử ruột. Nguyên nhân có thể do giảm tưới máu tạng, tổn thương tạng từ trước, co mạch hoặc do độc tố vi khuẩn, do dinh dưỡng đường ruột làm tăng chuyển hóa, tăng sung huyết ruột.

Bệnh nhân viêm tụy ruột hoại tử điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.

 

Chính vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng đóng vai trò quan trọng và phải được tuân thủ nghiêm ngặt, nhằm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra. Đồng thời, mục tiêu nuôi ăn hỗ trợ ở bệnh nhân nặng còn ngăn bệnh nhân tiến triển thành hội chứng đáp ứng viêm hệ thống, suy đa cơ quan, bảo tồn chức năng và tính toàn vẹn của niêm mạc ruột, hỗ trợ chức năng miễn dịch, thúc đẩy liền vết thương, giảm thiểu tỷ lệ tử vong cho người bệnh…

Dinh dưỡng hợp lý giúp hồi phục nhanh hơn

Theo các bác sĩ, dinh dưỡng không chỉ có tác dụng nuôi bệnh nhân sống mà còn tham gia vào quá trình điều trị giúp cho bệnh nhân chóng hồi phục và hạn chế biến chứng. Bác sĩ Thắm khuyến cáo, khi nuôi dưỡng bệnh nhân nặng, đối với những bệnh nhân có thể ăn đường miệng thì ăn đường miệng được ưu tiên hơn so với đường tiêu hóa hoặc đường tĩnh mạch. Nếu người bệnh không thể ăn đường miệng, nuôi dưỡng hỗ trợ bằng đường ruột nên được thực hiện sớm trước 48 giờ ở bệnh nhân người lớn hơn là trì hoãn nuôi dưỡng.

Trong trường hợp có chống chỉ định đường miệng hoặc đường ruột, đường tĩnh mạch nên được bổ sung trong khoảng thời gian 3 - 7 ngày. Đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng nên được cung cấp dinh dưỡng sớm thay vì không được dinh dưỡng trong trường hợp chống chỉ định đường ruột.

PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc BVĐK Nông Nghiệp nhấn mạnh, dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh sẽ giúp người bệnh đủ sức khỏe để đương đầu với bệnh tật. Đặc biệt, với những bệnh nhân nặng, phải thực hiện phẫu thuật thì dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp người bệnh đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng cần chế độ dinh dưỡng hợp lý để chống nhiễm khuẩn, nhanh lành vết thương và phục hồi sức khỏe.

Bệnh nhân sau phẫu thuật bị suy dinh dưỡng.

 

Với từng bệnh nhân, tùy thể trạng và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn phù hợp và theo nhu cầu của người bệnh như: lỏng ăn qua sonde, súp nghiền, cháo nghiền, cháo, phở, cơm… Nếu không được chú ý dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng, gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Nhất là với người bệnh sau phẫu thuật đường tiêu hóa.

"Những bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa có nguy cơ cạn kiệt nguồn dinh dưỡng từ chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, những lo ngại về tắc ruột sau phẫu thuật và tính an toàn của miệng nối phẫu thuật dẫn đến tình trạng không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa gây hậu quả thiếu năng lượng"- PGS.TS Hà Hữu Tùng cho hay.

 

Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của dinh dưỡng nên mới đây, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM và Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã phối hợp biên soạn cuốn sách "Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân nặng".

Hướng dẫn này áp dụng các khuyến cáo mới nhất về dinh dưỡng lâm sàng của Hội Dinh dưỡng tiêu hóa và tĩnh mạch, Hội Hồi sức Hoa Kỳ; Hội chuyển hóa và dinh dưỡng lâm sàng của Châu Âu và Khuyến cáo điều trị dinh dưỡng y khoa cho bệnh nhân nặng của Malaysia.

Theo các chuyên gia, hướng dẫn này được áp dụng cho bệnh nhân trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) bị bệnh nặng với thời gian điều trị trên 48 giờ tại các khoa Hồi sức tích cực hoặc trong các phòng bệnh nặng tại các khoa lâm sàng, giúp cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân nặng.

 


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn