Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng.
Ngay khi ống nội soi đến tá tràng, bác sĩ bắt gặp hình ảnh một con giun đũa có kích thước lớn trong tá tràng của bệnh nhân.
Người nhà bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân có thể trạng gầy, yếu, gần đây sút cân nhiều và ăn kém nên gia đình đưa đến viện khám.
Sau khi được bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân có giun đũa ký sinh trong tá tràng gia đình khá bất ngờ và không nghĩ con mình có thể bị nhiễm giun.
Người nhà bệnh nhân cho biết thêm, bệnh nhân từ lâu không thực hiện uống thuốc tẩy giun (không nhớ rõ thời gian).
Bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân và phát hiện giun đũa trong tá tràng.
Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: Giun đũa ở trong cơ thể sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá và suy nhược thể trạng người bệnh.
Ngoài ra, giun đũa còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: tắc ruột, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy, thậm chí có khi ấu trùng giun đũa di trú lạc vào não, thận, mắt, tuỷ sống… gây các triệu chứng liên quan đến các cơ quan này.
Hiện tại bệnh nhân đang được theo dõi tại khoa Nội - Nhi - Đông y của Bệnh viện.
Bác sĩ khuyến cáo mọi gia đình cần vệ sinh ăn uống sạch sẽ, tẩy giun định kỳ cho cả gia đình và đến bệnh viện khám khi có những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh giun đũa không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, ngoại trừ khi có biến chứng tắc ruột, tắc mật hoặc viêm ruột thừa do giun.
Giun đũa là loại giun có kích thước lớn ký sinh ở ruột non của người. Giun cái trưởng thành dài khoảng 20-25cm, giun đực dài 15-17cm. Giun có màu trắng hồng, đầu và đuôi thon nhọn. Giun đũa cái đẻ trứng, trứng giun hình bầu dục dài 45-50 mm. Lớp ngoài cùng của trứng có lớp vỏ xù.
Trứng giun đũa ra ngoại cảnh thâm nhập vào đất, gặp điều kiện thuận lợi ở nhiệt độ môi trường từ 24-25 độ C sau 12-15 ngày, trứng phát triển thành ấu trùng có khả năng gây nhiễm cho người và giữ khả năng này trong nhiều tháng thậm chí một hai năm nếu gặp vùng đất thuận lợi.
Trứng giun tồn tại trong mùa hè được khoảng 3 tháng, ở nhiệt độ thấp hơn thì thời gian này kéo dài hơn. Trứng giun đũa có khả năng tồn tại ở nhiệt độ âm tới -12 độ C. Trứng giun sống được vài giây ở nhiệt độ 50 độ C và bị diệt ở nhiệt độ 60 độ C. Độ ẩm trên 80% là thuận lợi nhất cho trứng phát triển. Trứng giun dễ bị diệt dưới ánh nắng mặt trời và khô hanh - Cục Y tế dự phòng cho hay.
Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun đũa là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Bệnh giun đũa phát triển ở các nước nhiệt đới và ôn đới, dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị. Trẻ em nhiễm giun đũa cao hơn người lớn.
Do đó, để phòng bệnh cần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân.
Vệ sinh sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng hố xí hợp vệ sinh, xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch.