Học dốt không được thi chuyển cấp

TS. Vũ Thu Hương

TS. Vũ Thu Hương

Chuyên gia giáo dục độc lập, tâm lý, kỹ năng sống.

20-04-2022 16:57 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Mạng xã hội và nhiều phụ huynh đang "dậy sóng" với chia sẻ của một phụ huynh lan truyền trên mạng về việc nhà trường yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không thật tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10.

Một cô phóng viên đã hỏi tôi, chị thấy sao về điều này?. Thấy sao ư? Vẫn chỉ là bệnh thành tích mà cái đó cũ quá rồi, cũ như tôi 50 năm nay vậy.

Khi vẫn còn có những bản báo cáo với những con số đẹp, thành tích đẹp của học sinh thì việc đó chẳng có gì mới. Khi muốn có thành tích đẹp mà trường lại có những học sinh có học lực không tốt hoặc không tự giác học bài thì đó là một rào cản lớn và để loại bỏ những rào cản đó thì phải có cách làm vừa được việc mà vừa hợp lý và chia sẻ của phụ huynh nói trên là một ví dụ.

Tôi đang tự hỏi, tại sao cần có những bản báo cáo thành tích trong giáo dục? Phải chăng, báo cáo thành tích đã trở thành căn bệnh cố hữu, bắt buộc phải tồn tại?

Thay vì báo cáo sự tiến bộ của trẻ về các mặt kiến thức, kĩ năng và đạo đức, các nhà quản lý giáo dục lại báo cáo về thành tích của học sinh. Và tại sao các nhà quản lý giáo dục không trực tiếp xuống kiểm tra các nhà trường mà lại nghe báo cáo thành tích. Giáo dục là ngành nghề liên quan đến con người, liệu các con số có thể đại diện cho số phận của hàng ngàn con người đang phát triển?

Đã rất nhiều lần chúng ta lên án về bệnh thành tích, nhưng vẫn chưa có gì thay đổi, trong hầu hết các bản báo cáo của các cấp lãnh đạo quản lý giáo dục, mọi hoạt động đều hiện lên dưới dạng thành tích.

Chúng ta dường như chỉ LÊN ÁN rầm rộ rồi sau đó lại lắng xuống chứ chúng ta chưa có cách GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ  căn bệnh thành tích vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta.

Năm 2015 tôi đã trực tiếp 'gỡ rối' một trường hợp tương tự như vậy. Một người mẹ có gọi điện và nói với tôi  về chuyện chị có một đứa con năm đó cháu chuẩn bị thi vào lớp 10 nhưng theo đánh giá của cô giáo và nhà trường là con học quá dốt sẽ không thể thi vào cấp 3, nên nhà trường yêu cầu phụ huynh làm đơn cam kết không cho con thi vào cấp 3, chị muốn chúng tôi bổ túc văn hóa cho cậu bé. Khi kiểm tra kiến thức tôi thấy cậu bé có chậm nhưng không dốt quá như được nghe miêu tả. Tôi đã tư vấn mẹ cậu nên chuyển ra học ở một trường khác. Khi sang trường mới cậu ấy học tốt hơn và sau đó thi đỗ vào môt trường cấp 3. Hiện giờ, cậu đang theo học một trường Cao đẳng. Tôi nhớ khi ấy cậu bé đã rất mặc cảm, tự ti và luôn cho là mình dốt, phải mất nhiều thời gian động viên đồng hành của mẹ của các thầy cô cậu mới vượt qua.

Câu chuyện tôi kể trên không thể đại diện cho tất cả, và cũng không hẳn là tôi góp phần hoàn toàn vào thành công của cậu bé mà phủ nhận sự đồng hành của mẹ và sự nỗ lực của chính bản thân cậu bé. Nhưng nó lại cho thấy sự tổn thương, sự tự ti, sự mặc cảm đeo đuổi cậu suốt quãng thời gian dài.

Mục tiêu của giáo dục là gì, câu hỏi này không khó nhưng không phải ai cũng có thể định hình một cách mạch lạc. Giáo dục có 3 mục tiêu đó là giáo dục kiến thức, kĩ năng và đạo đức. Nhưng nếu câu chuyện kia đã và đang rất phổ biến và là sự thực thì theo tôi nhà trường đang làm những việc rất phi giáo dục, bởi chỉ vì làm đẹp hình ảnh của mình trong các bản báo cáo mà làm tổn thương đến học sinh.

Vì thế, khi nào vẫn còn những hồ sơ và thành tích đẹp thì sẽ còn những câu chuyện như trên xảy ra.

TS. Vũ Thu Hương: Từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang cần xem xét lại cách thức thi cửTS. Vũ Thu Hương: Từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang cần xem xét lại cách thức thi cử

SKĐS - Liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi trắc nghiệm ở Hà Giang gây chấn động dư luận mấy ngày vừa qua. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Dưới đây là những chia sẻ của một người làm giảng viên Đại học hơn 20 năm (20 năm giảng dậy tại trường Sư phạm và một số năm làm cho trường khác) đó là TS. Vũ Thu Hương- Chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống.


TS. Vũ Thu Hương
Chuyên gia tâm lý kỹ năng sống
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn