Hà Nội

Tự sát

BS. Trần Văn Phúc

BS. Trần Văn Phúc

03-04-2022 13:05 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Tôi đã thẫn thờ mất mấy hôm, có quá nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện về những đứa trẻ tự tử. Tôi cho rằng, chẳng ai có lỗi trong câu chuyện này.

Lỗi có chăng, theo tôi, là chúng ta chưa hiểu được con trẻ. Hiện tượng trẻ tự tử chỉ là tảng băng trôi. Phần ẩn dưới đại dương lớn hơn rất nhiều so với phần nổi trên mặt nước. Tất cả những gì chúng ta có thể thấy chỉ là hình dạng, kích thước của phần nổi, cùng lắm là thấy cách di chuyển của tảng băng trên mặt biển. Có thể ví lứa tuổi vị thành niên cũng giống như tảng băng. Đó chính là giai đoạn quan trọng nhất để các em dần trưởng thành về trí tuệ, hoàn thiện cái tôi, nhận diện nhân hiệu. Việc định vị các giá trị, cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần, sẽ là phần tảng băng ẩn dưới đáy biển và vô hình.

Tôi rất thích tác phẩm Rừng Nauy của Haruki Murakami, đây là cuốn sách viết về nhiều vụ tự tử nhất, nhưng không ai trong số đó thể hiện rõ ràng trạng thái tinh thần muốn tự tử, họ chết mà không có bất kì lí do "chính đáng" nào trong mắt người ngoài. 

Trong chuyện có các nhân vật Kizuki, người xuất hiện khi không còn trên cõi đời, mà chỉ qua lời kể của người bạn gái Naoko. Kizuki chết trước ngưỡng cửa tuổi 17. Naoko sau này cũng vậy, mặc dù cố gắng thực hành cách sống hướng về phía trước, nhưng cô lại không thể trưởng thành, mãi mãi là đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên, nên cô phải chọn cách tự tử. Kiyuki, Hatsumi, Tsunami, chị gái của Naoko đều tự tìm đến cái chết. Thật kì lạ! Họ chết mà không ai hiểu nổi. 

Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ.

Thanh thiếu niên có những giá trị rất khác với người lớn, nếu chúng ta sử dụng hệ thống giá trị của người lớn để suy nghĩ về những lựa chọn bất thường của trẻ vị thành niên, thì đó là một sự sai lầm nghiêm trọng. Đừng nói ngày xưa bố thế nọ mẹ thế kia. Trẻ rất khó tin vào điều gì đó trong quá khứ của cha mẹ khác thế hệ. Nếu phụ huynh không đồng tình với tôi ở điểm này, hãy thử về hỏi bọn trẻ xem chúng có tin vào lòng nhân từ không, có tin vào Đức Phật và Chúa Jessu không, có tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin không, có tin vào dân chủ và tư bản không, có tin vào tiền bạc không, có tin vào sự chăm chỉ siêng năng sẽ gặt hái được thành công không?

Hãy nghe tâm sự của Naoko về người bạn trai Kizuki:

"Chúng tôi bắt đầu hôn nhau lúc 12 tuổi và âu yếm nhau lúc 13 tuổi. Tôi đến phòng anh ấy, nếu không anh ấy sẽ về nhà tôi... Tôi chắc chắn rằng hai chúng tôi sẽ bị sốc nếu có ai đó kết tội những hành động của chúng tôi là sai trái. Bởi vì bọn tôi không làm gì sai. Bọn tôi chỉ làm những gì phải làm. Chúng tôi vẫn khoe với nhau từng bộ phận trên cơ thể. Kiểu như chúng tôi giúp nhau cùng khám phá và cùng chia sẻ cơ thể của nhau. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng tôi bảo nhau không đi xa hơn thế. Chúng tôi vô cùng sợ hãi có thai và không biết làm thế nào để ngăn chặn. Dù sao, đó là cách tôi và anh ấy lớn lên cùng nhau, tay trong tay, một cặp không thể tách rời. Chúng tôi hầu như không có cảm giác gì về sự ngột ngạt của tình dục, cũng không bị áp lực bởi những ẩn ức mang tính bản ngã tình dục mà những đứa trẻ bình thường phải trải qua ở độ tuổi dậy thì."

Chúng ta sẽ làm gì khi phát hiện con mình như vậy?

Tôi gặp tình huống này khá nhiều, đó là điều phụ huynh sợ nhất, trong đầu họ chỉ có đúng hoặc sai, các ông bố bà mẹ đều sốc nặng, họ nghĩ con bị lôi kéo hoặc hư hỏng, họ giải quyết điều rắc rối ấy bằng một bài lên lớp về đạo đức rồi cấm đoán.

Con trai tôi năm 13 tuổi, một ngày nọ cháu rất trầm tư, tôi hỏi chuyện thì biết có bạn nữ chát rủ về nhà xem phim sex, còn nói hai đứa sẽ làm theo. Trước đó bạn nữ đã rủ một bạn nam khác. Bố mẹ bạn trai kia phát hiện, nói rằng làm như thế là hư hỏng, bạn nữ rủ rê như vậy là xấu, cấm không cho con chơi cùng.

Điều đó làm con trai tôi rất bối rối.

Tôi mở đầu cuộc nói chuyện với con trai tôi bằng câu hỏi: "Con trai yêu, con có thích xem phim như thế không?" Con trả lời là có sự tò mò. Tôi nói với con rằng, vậy tại sao chúng ta không nghĩ bạn nữ cũng thích xem vì tò mò, mà tò mò thì không phải là tính xấu. Cứ thế, tôi và con nói chuyện, để con hiểu phim sex là giải trí chứ không phải giáo dục giới tính, xem những phim đó không phải là xấu, nhưng tại sao nhà sản xuất lại phải dãn nhãn 18+ và độ tuổi nào phù hợp để có thể xem. Trong cuộc chuyện trò tôi khuyến khích con mở rộng vấn đề. Con biết đưa ra tình huống, nếu có một bộ phim về chiến tranh giữa các vì sao, cho em gái 5 tuổi xem thì sẽ không phù hợp, xem xong phim đó cũng không có nghĩa con bắt chước để trở thành siêu nhân lái vũ trụ.

Người lớn rất sai lầm khi cho rằng con trẻ hôm nay rất sung sướng!

Thực tế không hẳn là như vậy, mặc dù trẻ được no đủ vật chất, nhưng thế giới tinh thần chưa chắc, do xã hội hiện đại thiên về kết nối ảo trong khi những mối liên kết thực đang bị giảm đi. Hơn hai năm trời đại dịch Covid-19 trẻ bị nhốt trong bốn bức tường. Thế giới của trẻ rất cần sự tham chiếu trực tiếp, đó là thầy cô để tham chiếu, là bạn bè cùng lứa tuổi để tham chiếu, là thế giới tự nhiên để tham chiếu. Hãy thử tưởng tượng hàng năm trời trẻ không được ra khỏi nhà, bố mẹ lại đi làm suốt ngày, giao tiếp thực sự là rất hiểm; như vậy điều gì sẽ xảy ra? Theo quan sát của tôi, việc nhốt trẻ quá lâu đã dẫn tới hậu quả tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, qua những đứa trẻ đến khám bệnh tôi cảm nhận rất rõ, trẻ bị trầm cảm, thậm chí là nhảy lầu, theo tôi đó là logic của vấn đề tất yếu.

Thanh thiếu niên rất dễ cảm thấy tuyệt vọng, nhiều lí do chỉ đơn giản, sau này nhìn lại cảm thất rất tầm thường và buồn cười. Trước khi tuyệt vọng, trẻ sẽ luôn cố gắng nhiều hơn một chút, dù chỉ nhìn thấy một tia sáng le lói, chúng không bỏ cuộc, vì thế mà người lớn rất khó để nhận ra trẻ đang có vấn đề nghiêm trọng.

Nhiều người cho rằng do áp lực học tập dẫn đến những vụ tự tử ở một vài đứa trẻ. Tôi cho rằng áp lực học tập là vấn đề xã hội, đó chỉ là bề nổi và tôi nghĩ không phải nguyên nhân chính, mà 90% là do vấn đề tâm lí cá nhân. Áp lực cũng là động lực để phát triển. Áp lực cuộc sống là đương nhiên. Từ công ăn việc làm, chỗ đứng trong xã hội, nhà cửa, kinh tế, xây dựng gia đình, đẻ con, nuôi dạy con cái… rất nhiều áp lực. Đứa trẻ bắt buộc phải làm quen với áp lực. Tôi đồng ý rằng trong một số trường hợp, đứa trẻ làm con của những "người thành đạt" là rất khó khăn, bởi những người này hay kiểm soát và đòi hỏi sự hoàn hảo trong mọi việc.

Nhưng không phải "người thành đạt" nào cũng vậy.

Thực ra, con người chưa bao giờ sợ khổ, đứa trẻ lại càng không biết sợ khổ. Cái mà người ta sợ chính là sự cô đơn, trống trải và tuyệt vọng. Cũng như mọi đứa trẻ hôm nay, học hành chăm chỉ, thi đỗ đại học tốt, sau này ra trường tìm được công việc tốt, kiếm được nhiều tiền, mua được nhà riêng…chừng đó vẫn chưa đủ để trả lời câu hỏi tại sao lại sinh ra, tại sao phải học và tại sao lại khổ. Điều gì làm cho đứa trẻ bớt đi sự cô đơn, trống trải, tuyệt vọng?

Câu trả lời của tôi là tình thương yêu!

Tình yêu có một sức mạnh mang tính bẩm sinh, nhưng ít người khám phá ra, càng ít người biết sử dụng nó một cách hữu ích. Ở các nước phát triển mà tôi đã từng đến, tôi thấy bố mẹ dành rất nhiều thời gian cho con cái, ít nhất 6 tiếng giao tiếp mỗi ngày, học nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa cùng con, cùng làm đủ các thứ việc, cùng đi dạo phố hay công viên, cùng đọc sách và thảo luận các vấn đề. Họ không dành nhiều thời gian vào màn hình. Tôi cho rằng, giáo dục gia đình quan trọng hơn giáo dục nhà trường, cha mẹ lạc quan, vui vẻ, dành nhiều thời gian cho con, thì con cái đương nhiên sẽ ảnh hưởng những đức tính của cha mẹ.

Ngược lại, tôi quan sát ở xã hội Việt Nam, nhiều gia đình để tình yêu thay thế bằng nhu cầu kiếm tiền, làm cho cuộc sống tê tái và vô thức, những đứa trẻ mất cân bằng tâm lí.

Tình thương yêu, có thể hiểu một cách giản dị rằng, khi đứa trẻ đột nhiên do dự hoặc có biểu hiện gì đó bất thường, thì cha mẹ và người lớn chúng ta hãy ngửa tay và đặt điều đó vào, đừng nói đúng sai, không phán xét, hãy dành thật nhiều thời gian cho con và kiên nhẫn lắng nghe đứa trẻ nói, chủ động tìm cách giải toả những áp lực.

Hãy yêu thương, yêu thương, và yêu thương hơn nữa!

Bức ảnh được tạo bởi chùm tia X-Quang làm tôi ám ảnh mỗi đêmBức ảnh được tạo bởi chùm tia X-Quang làm tôi ám ảnh mỗi đêm

SKĐS - Cuộc sống là để cho đi và yêu thương! Đừng biến nơi chúng ta đang sống thành địa ngục đẫm máu! Vậy nhưng…

Bác sĩ Trần Văn Phúc
Ý kiến của bạn