Hãy để trẻ được sống cuộc sống của mình

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TS. Vũ Thị Minh Huyền

08-04-2022 10:03 | Blog thầy thuốc

SKĐS- Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên tự tử do bị trầm cảm, áp lực học tập liên tiếp khiến dư luận xã hội bàng hoàng, đau đớn. Mỗi câu chuyện là một bài học cay đắng, thức tỉnh các bố mẹ trong việc giáo dục và định hướng cho con.

Đây cũng là hồi chuông báo động tới nhiều bậc phụ huynh trong việc cần quan tâm hơn nữa đến tâm sinh lý của con.

Những sự việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, vì tâm lý tuổi mới lớn non nớt, cộng thêm bố mẹ không thấu hiểu suy nghĩ của con, đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Khi con không đạt được như kỳ vọng thì trách móc, đã khiến trẻ bị tổn thương, suy nghĩ tiêu cực và nảy sinh ý nghĩ dại dột.

Hãy để trẻ được sống cuộc sống của mình  - Ảnh 1.

Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con trẻ khiến trẻ bị áp lực

Trẻ nhỏ chịu ngày càng nhiều áp lực

Hiện nay, đa phần học sinh phải sinh hoạt với lịch học dày đặc. Hết học chính khóa trên lớp, trẻ còn phải theo học tại các lớp học thêm văn hóa, luyện thi chuyển cấp, luyện thi tiếng Anh, học thêm các môn năng khiếu, tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Bên cạnh đó, nhiều trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì còn bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề như: Thay đổi tâm sinh lý, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình… Trong khi, tâm lý chung của bố mẹ luôn mong muốn con cái có thành tích tốt trong học tập. Sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ dẫn tới việc không thấu hiểu, đôi lúc bố mẹ còn áp đặt, so sánh con mình với con nhà người ta. Do đó, nhiều trẻ bị áp lực, mất niềm tin vào bản thân và tìm đến tự tử như một lối thoát.

Những đứa trẻ hư có lẽ ít ra chúng dám cãi lại những gì sai trái, dám xù lông lên để bảo vệ bản thân thì ít nhất chúng đã được sống là chính mình. Còn những đứa trẻ ngoan, ngày ngày vâng lời vì sợ bố mẹ buồn, sợ phải làm tổn thương họ nếu cãi họ. Chúng đáng thương lắm, vì cứ thế, chẳng phút nào chúng được sống cuộc sống của mình.

Hãy để trẻ được sống cuộc sống của mình  - Ảnh 2.

Trê em đang chịu nhiều áp lực từ học tập, gia đình và cuộc sống

Khi sự việc đau lòng xảy ra, dư luận xã hội đã có rất nhiều ý kiến, thương cảm có, xót xa có và có cả những chỉ trích nặng nề... Mặc dù câu chuyện như thế nào, chỉ người trong cuộc mới có thể thấu hiểu rõ ràng nhất.

 Thực ra, trong thời đại công nghệ 4.0, làm bố mẹ hay làm con trẻ đều không hề dễ dàng. Mỗi thế hệ đều phải chịu nhiều áp lực và nỗi khổ riêng. Bố mẹ nào cũng rất yêu con và mong muốn điều tốt nhất sẽ đến với con mình. Con trẻ cũng rất yêu bố mẹ và không muốn bố mẹ phải thất vọng vì mình, không muốn phụ công lao của bố mẹ đã nuôi mình khôn lớn. 

Nhưng đôi khi giữa hai thế hệ bố mẹ và con cái chưa có được sự thấu hiểu, chia sẻ, gần gũi đúng mức dẫn đến sự xa cách trong mối quan hệ ấy và bố mẹ không hiểu được suy nghĩ, mong muốn của con mình.

Khi đứa trẻ đã vĩnh viễn không còn tồn tại thì lên án ai cũng đã không còn ý nghĩa. Bởi người đau lòng nhất sẽ là bố mẹ - những người ở lại sẽ phải chịu đựng nỗi đau giằng xé tâm can này trong sự hối hận, dằn vặt của lương tâm và thậm chí là cả sự chỉ trích nặng nề của dư luận xã hội suốt cuộc đời. Không phải chỉ có con trẻ mới đáng thương và là nạn nhân. Suy cho cùng, bố mẹ và những đứa trẻ ấy đều là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Nếu bố mẹ được trang bị đủ kiến thức để hiểu được tâm lý phát triển theo từng giai đoạn của trẻ. Nếu con cái được trao quyền nhiều hơn, được yêu thương và chấp nhận, thì có lẽ sẽ không có những sự việc thương tâm như thế xảy ra.

Đồng cảm, thấu hiểu thay vì đặt áp lực lên con trẻ

Những sự việc đau lòng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các bố mẹ cần có sự đồng cảm, thấu hiểu thay vì đặt nặng áp lực lên vai con trẻ. Mỗi sự việc trẻ tự tử thương tâm lại khiến chúng ta xót xa và giật mình. Nhưng nếu chỉ đau xót trong một thời gian ngắn, rồi lại quên đi, thì chắc chắn rằng những sự việc tương tự sẽ còn tiếp diễn.

Vì vậy, tôi cho rằng, để giảm tình trạng học sinh trầm cảm, tự tử, điều thứ nhất là bố mẹ cần hiểu hơn về sinh tâm lý của con, lấy sức khỏe của con là chính, đừng nên tạo thêm áp lực trong việc học tập, chạy theo thành tích. Cần tạo cho con môi trường học tập thoải mái, dạy con học bằng một thái độ tích cực, đừng đặt quá nhiều sức ép lên việc học tập để con được sống với những kỷ niệm đẹp và cảm thấy đi học là hạnh phúc chứ không phải bị ám ảnh về chuyện học tập. Bố mẹ phải là người đồng hành, hiểu biết về tâm sinh lý của con. Qua đó cần tìm cách cân bằng cho con giữa kiến thức - kỹ năng - thái độ sống và đặc biệt là sức khỏe tinh thần.

Hãy để trẻ được sống cuộc sống của mình  - Ảnh 4.

Cha mẹ cần là người đồng hành giúp con trẻ vượt qua những áp lực trong cuộc sống. Ảnh minh hoạ

Thứ hai, bố mẹ cần phải chấp nhận con là chính nó với cá tính riêng. Bởi, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Bố mẹ không nên so sánh con với bạn khác, không nên quá kỳ vọng con học giỏi như bạn khác, thậm chí có khi bố mẹ phải chấp nhận cả một số nhược điểm mà con chưa thể thay đổi.

Thứ ba, bố mẹ hãy để con được nói lên tiếng nói của mình, được thể hiện suy nghĩ của mình chứ đừng áp đặt suy nghĩ và giáo dục một chiều mang tính chủ quan của mình lên con trẻ. Thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp để tránh cho trẻ rơi vào trạng thái ức chế tâm lý, phản ứng một cách quyết liệt hoặc phải miễn cưỡng chịu đựng sự áp đặt.

Thứ tư, cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống

Thứ năm, nhà trường cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi học sinh, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, khi các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, rất cần có người chia sẻ, hướng dẫn và động viên để các em tìm ra phương pháp học tập tốt nhất. Thầy cô giáo hãy trở thành những nhà tư vấn tâm lý gần gũi, giúp các em gợi mở vấn đề gặp phải và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

Thứ sáu, Bộ giáo dục và Đào tạo cần chú trọng dạy kỹ năng, ứng xử xã hội cho trẻ. Giờ dạy kỹ năng phải trở thành môn học chính khóa. Nhà trường cũng cần tổ chức nhiều hơn các chương trình tư vấn tâm lý học đường ngoại khóa với những tình huống thiết thực để học sinh có thể nhận biết, tự trang bị kỹ năng và ứng phó với mọi tình huống. Bởi các nghiên cứu đã cho thấy có nhiều loại trí thông minh khác nhau. Điểm số thấp trong các môn văn hóa không có nghĩa là các em kém thông minh bởi các em có thể thông minh ở những lĩnh vực khác như âm nhạc, thể thao, diễn xuất, hội họa... Do đó,  lấy học sinh làm trung tâm là phải nhận ra và phát huy các năng lực riêng của các em chứ không thể lấy thành tích các môn học chính trong trường làm thước đo đánh giá trí tuệ của các em.

Thứ bảy, tăng cường vai trò nòng cốt của Bộ giáo dục và Đào tạo trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em. Điều này có thể được thực hiện bằng cách: Tăng cường tập trung vào việc dạy trẻ em cả cấp tiểu học và trung học những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý; giảm bớt áp lực học hành cho học sinh; đầu tư xây dựng các dịch vụ tư vấn tâm lý và công tác xã hội ở tất cả các trường học; cung cấp cho phụ huynh học sinh những kỹ năng cần thiết để có thể giúp họ hiểu được tầm quan trọng của sự phát triển cân bằng của trẻ.

Thứ tám, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về những vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội tiềm tàng có khả năng dẫn tới tự tử, thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề rối loạn tâm thần nặng.

Để hạn chế tối đa những nguy cơ đẩy trẻ vào trạng thái khủng hoảng tâm lý dẫn tới trầm cảm, muốn hành động dại dột, tôi cho rằng sự quan tâm của gia đình, thầy cô, bạn bè là yếu tố đặc biệt quan trọng, nâng đỡ tâm hồn con trẻ giúp trẻ vượt qua mọi khó khăn. Bố mẹ không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào thành tích học tập của trẻ để tránh gây áp lực. Cần động viên, chia sẻ và sắp xếp việc học tập, vui chơi một cách khoa học để trẻ có điều kiện phát triển cân bằng cả thể lực, trí lực trong tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ, tự giác. Nếu con bị tổn thương bởi bất kỳ lý do nào, hãy khuyến khích trẻ trò chuyện với người lớn. Được kết nối, hỗ trợ sẽ giúp con có cảm giác an toàn, dễ mở lòng khi gặp khó khăn thay vì con phải chịu đựng một mình.

Cha mẹ cần làm gì khi con em mình xem clip học sinh tự tử?Cha mẹ cần làm gì khi con em mình xem clip học sinh tự tử?

SKĐS - Chúng ta không nên lảng tránh những câu chuyện này hay ngược lại, cá nhân hóa và trầm trọng hóa thêm vấn đề có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và cảm nhận của các em.


TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam
Ý kiến của bạn