Trong chẩn đoán ung thư dạ dày nói riêng và các ung thư khác nói chung, việc lựa chọn hợp lí các chất chỉ điểm khối u là rất quan trọng. Về nguyên tắc, một chất chỉ điểm khối u đơn lẻ sẽ bị giới hạn bởi độ nhạy và độ đặc hiệu, nên không thích hợp để chẩn đoán các khối u cụ thể. Nhưng khi kết hợp một chất chỉ điểm với những chất chỉ điểm khác cùng với các yếu tố liên quan, thì giá trị phát hiện u lại được cải thiện rất nhiều.
Pepsinogen I cũng vậy.
Một mình chất này không có giá trị nhiều trong chẩn đoán ung thư dạ dày, nhưng nếu kết hợp với Pepsinogen II, Gastrin 17, kháng thể Hp, cùng với tuổi và giới tính, thì đó là một bộ 5 rất tốt để sàng lọc ung thư dạ dày.
Pepsinogen là gì?
Pepsinogen viết tắt là PG, chính là tiền chất của Pepsin, nó có thể chuyển hoá thành Pepsin dưới tác dụng của Acid dịch vị, khoảng 1% PG ngấm qua mao mạch niêm mạc dạ dày vào máu. Vì dạ dày là nguồn cung cấp PG duy nhất, nên những thay đổi của nó có thể phản ánh những thay đổi chức năng của niêm mạc dạ dày.
PG được chia thành hai loại phụ, PGI và PGII.
PGI được tiết ra từ các tế bào chính của niêm mạc ở vùng đáy dạ dày, trong khi PGII được tiết ra bởi các tế bào niêm mạc của tâm vị, vùng đáy, vùng hang vị và của hành tá tràng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng PGI huyết thanh giảm ở nhóm ung thư dạ dày, trong khi PGII thì lại khá ổn định. Tỉ lệ PGR = PGI/PGII là một chỉ số góp phần chẩn đoán ung thư.
Gastrin 17 là gì?
Gastrin 17 viết tắt là G17, do tế bào trong thành dạ dày tiết ra, trong trường hợp ung thư chất này cũng có thể tăng lên.
Kháng thể Hp là gì?
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Sau khi nhiễm HP một thời gian, cơ thể xuất hiện kháng thể chống lại vi khuẩn trong máu, xét nghiệm định tính 15 phút cho kết quả.
SÀNG LỌC UNG THƯ DẠ DÀY NHƯ THẾ NÀO?
Trên thế giới, hệ thống sàng lọc ung thư dạ dày mới chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Thượng Hải (Trung Quốc) là tương đối hoàn chỉnh.
Vào ngày 22 tháng 12 năm 2017, Cơ quan Lâm sàng Bệnh hệ Tiêu hóa Quốc gia dẫn đầu bởi Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Thượng Hải, phối hợp với Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, Chi nhánh Nội soi và Chi nhánh Quản lí Y tế, Nội soi của Hiệp hội Bác sĩ Y khoa Trung Quốc, Ban chuyên môn Nội soi tiêu hóa và Quản lí sức khỏe nội soi tiêu hóa, Ủy ban Chuyên môn Kiểm tra Thể chất, Trung tâm Kiểm tra Chất lượng Nội soi Tiêu hóa Quốc gia, Ủy ban chuyên môn nội soi ung thư của Hiệp hội chống ung thư, các chuyên gia đa ngành trong nội soi, ung thư và quản lí sức khỏe, dựa trên dữ liệu lớn của hơn 120 bệnh viện trên toàn đất nước Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố "Sự đồng thuận của Trung Quốc về sàng lọc ung thư dạ dày sớm và chẩn đoán và điều trị bằng nội soi".
Đồng thuận dựa vào 5 yếu tố: tuổi, giới tính, kháng thể Hp, PGR, G17.
Tuổi
0 điểm: từ 40 – 49 tuổi
5 điểm: từ 50 – 59 tuổi
6 điểm: từ 60 – 69 tuổi
10 điểm: trên 69 tuổi
Giới tính
0 điểm: Nữ
4 điểm: Nam
Kháng thể Hp
0 điểm: Âm tính
1 điểm: Dương tính
PGR
0 điểm: lớn hơn hoặc bằng 3.89
3 điểm: nhỏ hơn 3.89
G17 (pmol/L)
0 điểm: nhỏ hơn 1.5
3 điểm: từ 1.5 – 5.7
5 điểm: trên 5.7
Có 3 nhóm nguy cơ ung thư dạ dày:
✓ Từ 17 – 23 điểm: Thuộc nhóm nguy cơ cao ung thư dạ dày, cần khuyến cáo nội soi dạ dày để chẩn đoán. Trường hợp nội soi chưa phát hiện ung thư, thì cần theo dõi nội soi 1 năm một lần.
✓ Từ 12 – 16 điểm: Thuộc nhóm nguy cơ trung bình ung thư dạ dày, khuyến cáo nên nội soi dạ dày chẩn đoán. Trường hợp nội soi chưa phát hiện ung thư, thì cần theo dõi nọi soi 2 năm một lần.
✓ Từ 0 – 11 điểm: Thuộc nhóm nguy cơ thấp ung thư dạ dày, khuyến cáo theo dõi thường xuyên, nội soi dạ dày định kì 3 năm một lần.
LƯU Ý: Với những người từ 40 tuổi trở lên, có tiền sử viêm loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP, họ hàng F1 của bệnh nhân ung thư dạ dày, thói quen uống rượu, thì cần thiết sàng lọc sớm ung thư dạ dày. Có một số phương pháp sàng lọc khác nhau. Xét nghiệm máu với các chỉ số kháng thể Hp, PGI, PG2, G17 là phương pháp dễ thực hiện. Kết quả xét nghiệm có thể sử dụng hệ thống tính điểm với 5 biến số, theo bản đồng thuận sàng lọc ung thư dạ dày năm 2017 của Trung Quốc, từ 0 đến 23 điểm, phân chia thành 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp ung thư dạ dày.