Hoạt động bán hàng online của chị không phải để thu lợi nhuận cho riêng mình, mà tiền lãi, có khi cả tiền gốc, cùng với tiền ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp… dành hết cho công việc thiện nguyện.
"Gánh hàng rong" đong đầy yêu thương...
Là phóng viên theo dõi mảng y tế của báo Tuổi Trẻ, tôi biết nhà báo Nguyễn Lan Anh rất bận rộn để hoàn thành công việc của mình. Đôi khi tôi tự hỏi, "mụ ấy" lấy đâu thời gian và năng lượng để liên tục kêu gọi ủng hộ, rồi trực tiếp bán hàng lấy tiền gây quỹ thế nhỉ.
Rồi tôi hỏi thẳng: "Vì sao mà Lan Anh lại làm được những việc đó (thiện nguyện) tốt như vậy?".
Lan Anh cười chia sẻ: "Là phóng viên, có điều kiện để đi khắp nơi, khi đến các tỉnh vùng núi, vùng xa, hẻo lánh… thấy bà con ở đây rất khổ, nên tôi nảy ra mong muốn làm được gì đó, dù sức mình chỉ làm được việc nhỏ. Ban đầu chỉ là hoạt động thiện nguyện của từng cá nhân. Nhưng có rất nhiều phóng viên làm như vậy, dần dà chúng tôi nhận ra nếu cả nhóm tham gia, cùng phối hợp thì hiệu quả sẽ cao hơn. Vì vậy các chị em cùng làm phóng viên theo dõi y tế, không ai bảo ai, thầm quy ước thành nhóm.
Và từ đó đến nay mỗi khi có trường hợp cần giúp đỡ thì chúng tôi lại bán hàng, chủ yếu là thực phẩm và giúp những người cần giúp từ tiền lời bán hàng cùng đóng góp của bạn bè cũng như của chính chúng tôi.
"Gánh hàng rong" của nhóm các nhà báo: Nguyễn Lan Anh (Báo Tuổi trẻ), Trương Liên Châu (Báo Thanh Niên), Hoàng Nữ Thái Bình (Báo Sức khỏe và Đời sống), Ngọc Dung (Báo Người lao động), Hoài Thu (Truyền hình báo Nhân Dân); Lê Hảo (Tạp chí bệnh viện)… Tự gọi mình là "Táo Y tế" ra đời và cứ hoạt động đều đặn như thế gần 10 năm nay.
Gọi là "Gánh hàng rong" quả thật không sai bởi cách hoạt động của nó: Mỗi khi các phóng viên đi tới vùng miền nào, thấy sản vật ngon của vùng đó, lại tìm cách kết nối, giới thiệu và đưa hàng về để nhóm "Táo y tế" buôn bán…
Thế là từ giò, chả, mắm tép, các loại bánh, mứt, mật ong, bột sắn, trái cây... theo mùa, cho đến nước hoa, son, túi xách (hàng hiệu do các bạn bè gửi tặng)... đều được các Táo y tế nhận về bán. Mỗi chuyến hàng về, lại cùng nhau nhận hàng, chia hàng, làm shipper... Địa điểm chia hàng khi thì ở báo Tuổi trẻ, khi lại ở góc sân Bộ Y tế, trước cửa Báo Sức khỏe và Đời sống.
Rồi những món tiền thu được từ gánh hàng rong, các Táo y tế đã chuyển thành những món quà đầy ý nghĩa tới các hoàn cảnh khó khăn.
Các chị trong nhóm chia sẻ: "Vì có đặc thù là phóng viên theo dõi y tế nên chúng tôi hay làm việc với Phòng công tác xã hội của các bệnh viện - nơi đang là đầu mối nhận và kêu gọi giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Cũng có khi là những trường hợp chúng tôi gặp trên hành trình nghề nghiệp và cả thông qua sự giới thiệu từ nhiều người.
Ngoài giúp đỡ những người khó khăn, đau yếu, cần đi bệnh viện, có lúc nhóm cũng bán hàng để mua bò giống tặng cho bà con vùng sâu; góp chuyến xe yêu thương cho người bệnh nghèo về quê dịp tết; hoặc góp để xây trường học, làm nhà cho mẹ đơn thân nghèo...
Lời bán hàng xúc động không thể không mua
Mỗi lần đọc status bán hàng trên facebook Lan Anh Nguyễn, chắc hẳn ai đó đều muốn "inbox" để mua hàng, bởi sự chân thành, xúc động và tin tưởng:
"Hàng xén mở bán chuyến đầu năm…
Các mẹ yêu quý, từ tết đến giờ là chị em tôi không bán gì, đợi các mẹ tích tiền mua đây. Hôm nay chúng tôi mở hàng chuyến to luôn, chả là Hà Nội này có 2 xóm chạy thận nhiều người biết, nhưng ít ai biết còn có 1 xóm ung thư, ở ngay cạnh Bệnh viện K Tân Triều...
Chúng tôi khảo sát ban đầu, có ít nhất 50 người đang điều trị ở đây là hộ nghèo... Để tặng cho những người nghèo này chút quà tinh thần, chị em chúng tôi lại mở gánh hàng"...
"Các mẹ yêu quý,
Vài tuần trước tôi đã kêu gọi bán hàng để mua 8 con bò cho 16 gia đình nghèo ở Điện Biên, kết quả đã thu được... đồng là tiền lời bán hàng và tiền bán mật ong.
Trong năm qua tôi cũng đã nhận được các khoản như sau:...
Hiện quỹ bò đang thiếu rất nhiều nên sau tết tôi có bán hàng đồng nát thì mong được các mẹ ủng hộ...
Dưới đây là những con bò chúng ta đã tặng cho bà con...".
"Các mẹ ạ,
Làm gì cho bà con ve chai, vé số bị ngưng việc ở thành phố phương Nam bây giờ nhỉ? Mấy chị em tôi nghĩ mãi và quyết định phối hợp với nhóm "Mỗi ngày một quả trứng"...
Để hoàn thành chương trình này, thứ 2 tới chị em tôi sẽ quay lại gánh đồng nát, bán các mặt hàng sau:..."
"Lại làm cái bang một chuyến nữa các mẹ ạ,
Cái vụ dịch này (COVID-19) thật căm hết sức, nó dài dằng dặc, làm khổ bao người, làm nhiều người mất việc, gia đình kiệt quệ...
Vậy tôi lại làm cái bang một chuyến nữa, rất mong các mẹ lại ủng hộ. Mở hàng, tôi bán..."
Chúng tôi chỉ là nơi chuyên chở niềm vui
Khi tôi nói với Lan Anh - đại diện cho nhóm, muốn viết về việc làm của nhóm, các chị đều e ngại không muốn gặp, vì cho rằng: "Việc làm của chúng tôi bé tí, không thấm vào đâu nên viết lên thì ngại lắm".
Góp gió thành bão, trong suốt những năm qua, bằng số tiền tự mình bỏ ra, cùng với "gánh hàng xén, hàng rong" và sự đóng góp nho nhỏ của bạn bè, mà các nhà báo đã mua được hơn 150 con bò tặng cho hơn 300 hộ nghèo. Những con bò này sẽ được nhân giống rồi đem tặng bò non cho hộ nghèo khác; 6 điểm trường học ở vùng cao đã được cất lên; hàng trăm bệnh nhân, bà mẹ đơn thân khó khăn được giúp đỡ. Cứ mỗi cuối năm, nhiều chuyến xe yêu thương chở bệnh nhân nghèo ung thư về quê ăn Tết từ số tiền gom góp nhỏ bé này lại được lăn bánh...
Và từ khi dịch COVID-19 hoành hành, cũng từ "gánh hàng rong" này, hàng nghìn bộ quần áo bảo bộ và khẩu trang N95 đã được chị em huy động, mua và gửi tặng các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch…
Tôi hỏi: "Có khi nào các chị thấy mệt mỏi, hoặc gặp phải rào cản nào trong hành trình thiện nguyện này không"?. Các chị đều cho hay: Rào cản lớn nhất là thiếu thời gian. Vì chúng tôi cũng có cuộc sống riêng như tất cả mọi người, cũng có công việc và gia đình, người thân cần chăm sóc. Nhưng mệt mỏi thì chưa khi nào…
Các Táo y tế chia sẻ: Chúng tôi chuyên chở "những tấm lòng" đến được với nơi cần đến. Mình chỉ là "cầu nối niềm vui và niềm tin". Nhận quà tặng và trao đi quà tặng, cả hai bên trao - nhận đều được vui và hạnh phúc. Lòng tốt trong cuộc đời này còn rất nhiều…
Như triết lý sống bình dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma: Chỉ khi bạn biết thông cảm và yêu thương người khác thì bạn mới có được sự bình yên và hạnh phúc mà bạn đang tìm kiếm. Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể. Trên thực tế, ai cũng có thể trở nên tử tế.
Cho đi sẽ nhận lại được niềm hạnh phúc. Và sự tử tế không phải là điều gì quá lớn lao, không cần là những chuyến đi làm từ thiện rầm rộ, mà đôi khi nó chỉ là những hành động nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.
Các Táo y tế đang làm những điều tử tế mỗi ngày và lan tỏa yêu thương và sự tin tưởng đến những tấm lòng tử tế khác.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Xúc động hình ảnh bác sĩ dốc sức điều trị cho 120 sản phụ mắc COVID-19.