Người tiên phong "đuổi ma rừng" thay thầy mo
Là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Nguyên, xã Hợp Tiến từng được hưởng nguồn vốn đầu tư từ chương trình 135 đến năm 2005. Ở xã có 7 dân tộc là Tày, Nùng, Kinh, Dao... cùng chung sống. Trong đó có 90% là đồng bào dân tộc Dao.
Trước kia, Hợp Tiến là xã khó khăn, vì thế mãi năm 2006 nơi này mới có đường nhựa về đến xã, còn lại 100% đường vào thôn bản đều là đường đất, nắng thì bụi đỏ, mưa thì lầy lội.
Ông Lý đang khám bệnh cho trẻ em trong vùng.
Xưa, đồng bào dân tộc Dao ở Hợp Tiến còn quan niệm học không giúp cho "cái bụng no được", vì thế người Dao ít được đi học, việc tiếp cận các kiến thức khoa học càng trở nên xa vời. Nếu gia đình có người ốm thì thay vì đưa đi viện điều trị, người bị bệnh hoặc người thân trong gia đình lại thường nhờ thầy mo đến cúng.
Theo các bậc cao niên ở Hợp Tiến, nhiều chục năm trước, dân trong làng thường xuyên mắc các loại bệnh truyền nhiễm như dịch sốt rét. Người dân cho rằng ai bị như vậy là do "con ma rừng" làm. Khi có người ốm, dân làng thường mổ trâu, bò, lợn, gà nhờ thầy mo đến cúng bái mặc dù người bệnh vẫn không khỏi, thậm chí có người đã phải bỏ mạng oan vì hủ tục này.
Sinh ra ở thôn Cao Phong của xã Hợp Tiến, Đặng Đăng Lý từ bé đã chứng kiến những cảnh này. Bản thân anh ngày nhỏ và mẹ bị ốm phải khiêng hơn 20km đường rừng để tới bệnh viện chữa bệnh. Thoát lưỡi hái tử thần, từ đó Đặng Đăng Lý đặt ra câu hỏi: "Phải làm gì đó để chữa bệnh cứu dân làng?". Vậy là học hết lớp 7, Đặng Đăng Lý đi học lớp y tế hợp tác xã thuộc khu gang thép Thái Nguyên. Sau 3 tháng khóa học kết thúc, Đặng Đăng Lý về quê làm y tá thôn bản. Năm 1971, anh được cử đi học tại trường trung cấp y tế Bắc Thái, học xong nhiều nơi mời về làm việc nhưng Đặng Đăng Lý nhất quyết về quê để đuổi "con ma rừng" mà mình đã phải chứng kiến từ lâu.
Đặng Đăng Lý chính thức làm Trạm trưởng, kiêm nhân viên, tuyên truyền viên ở trạm y tế xã Hợp Tiến từ năm 1975. Kể từ đó đến nay, người thầy thuốc này gắn bó với quê nhà, nỗ lực và cống hiến hết mình cho công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân. Làm trạm trưởng trạm y tế, thời gian đầu Đặng Đăng Lý gặp vô vàn khó khăn và thử thách: "Ngày đầu tôi đến đây phải đi mượn giường cũ của dân bản về làm giường bệnh. Sau đó vận động bà con đóng góp tre, nứa để dựng trạm. Dụng cụ khám chữa bệnh hồi đó chỉ có một cái ống nghe và bộ bơm kim tiêm, nếu muốn lấy thuốc phải xuống thành phố cách mấy chục cây số". Y sĩ Đặng Đăng Lý nhớ lại.
Trong hành trình "đuổi con ma rừng" của Đặng Đăng Lý cũng có nhiều câu chuyện như cổ tích. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, bất chấp đường sá xa xôi, hiểm trở…, dân đau ốm, cần tới là anh lên đường. Xuyên 10 cây số trong đêm mưa tầm tã, vượt suối băng rừng đến cấp cứu cho một sản phụ trong xã sinh tại nhà, nhờ anh cắt rốn cho cháu nhỏ mà cháu được cứu sống.
44 năm trước, người dân cả bản đến cúng "bắt ma" cho anh Triệu Tiến Bằng. Trâu, gà đã thịt nhưng "con ma rừng" vẫn không chịu tha cho người bệnh. Chứng kiến tận mắt, bất chấp sự ngăn cản của người dân, y sĩ Đặng Đăng Lý đã thăm khám phát hiện anh Bằng bị sốt rét rừng.
Sau khi thực hiện sơ cứu người bệnh tại chỗ, đồng thời vận động và trực tiếp cùng người nhà dùng võng khiêng anh Bằng ra bệnh viện huyện chữa trị. Không lâu sau, "con ma rừng" không còn trong người anh Bằng, sức khỏe ngày một cải thiện và trở về với cơ thể khỏe mạnh.
Một trường hợp khác là bà Triệu Thị Mùi, thường xuyên bị mệt, ho nhiều, hay sốt vào buổi chiều, không muốn làm việc, cân nặng tụt còn 33 kg. Mọi người trong xóm cho rằng bà Mùi bị ma làm nên rất lo sợ. Biết chuyện, y sĩ Lý đã chủ động tìm đến nhà bà Mùi động viên, sau đó lấy đờm mang ra trung tâm y tế huyện xét nghiệm. Biết bà bị lao phổi, y sĩ Lý đến tận nhà cấp thuốc, hướng dẫn điều trị đúng phác đồ. Với sự tận tình, chu đáo của trạm trưởng trạm y tế xã, bà Mùi khỏi bệnh.
Qua những lần cứu người như vậy, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương bắt đầu tin vào y học, tin vào tay nghề của y sĩ Lý thay vì mời thầy mo "đuổi con ma rừng" như trước. Cũng từ đó đến nay, hễ ai đau bụng, nhức đầu hay sinh đẻ thì ai cũng nhớ, tìm đến y sĩ Đặng Đăng Lý đầu tiên.
Chữa trị cho bà con đến lúc nào không còn sức để làm nữa
Những ngày còn làm trạm trưởng trạm y tế xã, y sĩ Đặng Đăng Lý còn tổ chức quản lý tốt thị trường thuốc tân dược trên địa bàn xã theo mô hình có dược tá đảm bảo cung ứng đủ thuốc cần thiết, bán đúng giá. Nhờ cách làm đúng và khoa học này, đồng bào chữa bệnh ít tốn kém, ít phải chuyển lên tuyến trên và đặc biệt không còn tình trạng tổ chức cúng ma linh đình tốn kém.
Y sĩ Đặng Đăng Lý còn tổ chức trồng thuốc Nam, thu hái dược liệu, quay vòng thuốc tốt đảm bảo công tác chữa bệnh. Ngoài giờ còn tổ chức sản xuất chăn nuôi nên đã tạo được kinh phí để hỗ trợ một phần cho những bệnh nhân nghèo, tổ chức cho nhân viên ăn trưa tại trạm để mọi người có thêm thời gian thường trực, làm việc tận tụy hơn.
Y sĩ Đặng Đăng Lý ghi chép sổ theo dõi bệnh nhân tại nhà
Năm 2009, y sĩ Đặng Đăng Lý nghỉ chế độ sau gần 35 năm khoác trên mình chiếc áo bluose trắng chữa bệnh cứu người. Ông không nhớ hết số người mà ông đã chữa khỏi bệnh hoặc đưa những người dân trong xã trở về cuộc sống khi đối mặt với lưỡi hái tử thần.
Với tâm nguyện "còn sống còn chữa bệnh cứu người", kể từ ngày nghỉ chế độ, ông Lý vẫn có một "phòng khám tại gia" mỗi khi người dân tìm đến mỗi khi đau ốm.
Với những đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y sĩ Đặng Đăng Lý được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000), hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Y sĩ Đặng Đăng Lý cũng được Ủy ban Dân tộc vinh danh tại Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu Dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.
Bầu nhiệt huyết của y sĩ Đặng Đăng Lý đã được "truyền lửa" cho các con, cháu trong gia đình. Con trai cả theo học đông y, hành nghề tại nhà, con gái làm việc tại Bệnh viện huyện Đồng Hỷ. Tiếp nối con đường mà ông Lý đã đi trong nhiều chục năm qua, hai cháu ruột của ông Lý cũng học ngành Y, ra trường và đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên.
Theo y sĩ Lý, đều như vắt chanh, bao năm qua, người bong gân chân, tay chệch khớp, dị ứng hoặc nặng hơn gẫy chân, sỏi thận, lao phổi... đều tìm đến nhà ông. Tùy theo từng loại bệnh, y sĩ Lý cho dùng thuốc Nam hoặc thuốc tây, đa số đều đem lại hiệu quả nên nhà ông Lý bao năm qua tấp nập người ra vào.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở xã, huyện khác và thậm chí tỉnh khác cũng tìm đến nhà ông để được ông thăm khám, điều trị bất kể ngày lễ, Tết. Điều đặc biệt, người dân đến nhà khám bệnh, y sĩ Lý đều không lấy tiền. Nhiều người nghèo được vị thầy thuốc này chữa bệnh miễn phí, không lấy cả tiền thuốc. Bởi vậy nhiều người được ông chữa bệnh miễn phí coi ông như ân nhân.
Tưởng tuổi hưu được nghỉ ngơi, nhưng mỗi ngày hiện nay y sĩ Lý thăm khám cho khoảng 15 - 20 người ở khắp nơi, có lúc đông hơn. Nhưng vị thầy thuốc của miền quê xa xôi ấy không hề cảm thấy phiền hà, không một chút ngại ngần; ngược lại coi đó là nguồn vui và niềm vinh dự. "Thật là hạnh phúc cho tôi, cả đời này được bà con tin yêu, tôi sẽ chữa trị cho bà con đến lúc nào không còn sức để làm nữa" – y sĩ Đặng Đăng Lý chia sẻ.