Hà Nội

Gieo thiện duyên nơi cửa thiền

05-08-2021 16:48 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - 15 năm qua, sư thầy Thích Nữ Như Hiền cùng phật tử của chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn, Hà Nội) đã phát tâm thiện nguyện vì bệnh nhân nghèo, vì người có hoàn cảnh khó khăn trên mọi nẻo đường đi qua.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền cùng các phật tử chia cơm cho bệnh nhân.

"Những khuôn mặt hốc hác, mái tóc trơ trụi vì điều trị… Nhiều người trong số họ là bệnh nhân nghèo. Người nghèo khổ lắm. Nhưng người nghèo mắc bệnh nặng thì nghèo lại càng nghèo thêm! … Xót xa quá! Thế là có bao nhiêu tiền trong người, chúng tôi cho họ hết…"… Sư thầy Thích Nữ Như Hiền (trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn - Hà Nội) nhớ về lần đi thăm bệnh nhân tại Bệnh viện K nhiều năm trước. Thế rồi 15 năm qua, sư thầy Thích Nữ Như Hiền cùng phật tử của nhà chùa đã phát tâm thiện nguyện vì bệnh nhân nghèo, vì người có hoàn cảnh khó khăn trên mọi nẻo đường đi qua.

Tấm lòng thiện tâm

Khi biết tôi muốn gặp sư thầy Thích Nữ Như Hiền (trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn-Hà Nội) và tìm hiểu về những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân ung thư của nhà chùa, anh bạn dặn: "Đến sớm nhé. Mọi người làm từ chưa đến 5h sáng…".

Tôi đến chùa Linh Sơn -Thanh Nhàn khi sư thầy Thích Nữ Như Hiền vừa đọc xong bài kinh buổi sáng. Khẽ khàng bỏ cặp kính xuống bàn, sư thầy bắt đầu câu chuyện: "Tôi trụ trì tại chùa Linh Sơn - Thanh Nhàn từ năm 1995. Cách đây nhiều năm, một phật tử nói với tôi về em bé bị ung thư lưỡi ở Bệnh viện K (cơ sở 1 tại 43 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hoàn cảnh rất khó khăn. Ngay sau đó, tôi cùng một sư thầy nữa đến thăm em. Em bé bị ung thư giai đoạn muộn, có một cái lưỡi khổng lồ, ước chừng 2kg. Có lẽ không qua khỏi. Nhưng nhà nghèo quá. Vậy là, chúng tôi tặng gia đình ít tiền để đưa cháu về nhà".

Gieo thiện duyên nơi cửa thiền - Ảnh 1.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền trong lễ Phật Đản.

Nhấp một hụm trà, sư thầy nhớ lại: "Thế rồi, nhiều bệnh nhân xung quanh đến xin tiền. Những khuôn mặt hốc hác, mái tóc trơ trụi vì điều trị… Họ cũng là bệnh nhân nghèo. Người nghèo khổ lắm. Nhưng người nghèo mắc bệnh nặng thì nghèo lại càng nghèo thêm… Xót xa quá! Thế là có bao nhiêu tiền trong người, chúng tôi cho họ hết. Đến nỗi lúc về không còn tiền gửi xe". Nhắc đến chuyện cũ, sư thầy Thích Nữ Như Hiền vẫn không ngăn được nỗi xúc động. Nơi khóe mắt của người tu hành già ngậm đầy nước mắt.

Làm thế nào để giúp bệnh nhân nghèo? Bắt đầu từ đâu bây giờ? Sau nhiều ngày trăn trở, sư thầy Thích Nữ Như Hiền lựa chọn trao tặng những suất cơm miễn phí cho bệnh nhân ung thư. Và rồi ý tưởng ấy đã được ban giám đốc Bệnh viện K rất ủng hộ .

Vậy là bắt đầu từ tháng 8/2006, những suất cơm miễn phí từ tấm lòng thiện nguyện của sư thầy Thích Nữ Như Hiền đã đến với những bệnh nhân nghèo tại nơi này. "Ban đầu, chúng tôi cũng chỉ dám nấu 50 suất cơm, 50 suất cháo. Phần lo bệnh nhân không tiếp nhận. Phần vì đây là số tiền có thể trích được từ tiền công đức còn hạn chế của nhà chùa", sư thầy chia sẻ.

Nhưng rồi, ngày đầu tiên phát hết số suất cơm đã chuẩn bị mà vẫn còn nhiều bệnh nhân tìm đến. Dần dần, bệnh nhân biết về suất cơm miễn phí ngày càng nhiều.

Hiện tại, mỗi ngày nhà chùa nấu 500 suất cơm trưa và 500-600 suất cháo sáng cho bệnh nhân tại Bệnh viện K (cơ sở 2 ở Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) và cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Nhưng từ khi cơ sở 3 có bệnh nhân COVID-19, nhà chùa chỉ phát khoảng 300 suất cơm và hơn 500 suất cháo ở Bệnh viện K (cơ sở 2).

Người nghèo ít giúp người nghèo nhiều. Người góp tiền, người góp sức. Có người phát tâm bằng cả gạo, thịt, dầu ăn… Cứ vậy, 15 năm qua, những suất cháo, suất cơm từ gian bếp bé nhỏ của ngôi chùa này đã đến được với hàng triệu bệnh nhân nghèo.

Suất cơm của triệu tấm lòng thiện nguyện

Theo chân sư thầy vào khu bếp, ngạc nhiên là mới 5h sáng không khí tất bật của buổi nấu ăn tại đây đã lan tỏa khắp không gian của nhà chùa. Có khoảng hơn 10 người nam, nữ, già, trẻ đủ cả, chia thành 4 nhóm: Nhóm nhặt rau, làm nấm, nhóm rán đậu, rán trứng, nhóm thái giò, vo gạo thổi cơm, đun nước… 

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền cho biết: "Khi chưa có COVID-19, hàng ngày có khoảng 30 phật tử đến lo việc nấu cơm. Người già nhất là 80 tuổi. Nhưng giờ dịch bệnh, nhà chùa tuân thủ quy định giãn cách của Nhà nước, chỉ có non nửa phật tử tham gia. Tất cả phật tử đến đây hoàn toàn tự nguyện và thiện tâm. Có những đôi vợ chồng cùng tham gia nấu cơm ở đây gần 10 năm…". Nghe thấy tiếng sư thầy, anh Lưu Anh (Hào Nam, Hà Nội) quay lại: "A di đà Phật, sư thầy xuống chia cơm ạ…".

photo-1628077379355

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền cùng các phật tử chia cơm cho bệnh nhân.Ảnh: Đức Duy

"Đều đặn sáng nào cũng vậy, sau khi chúng tôi nấu xong cơm, thức ăn, sư thầy cũng xuống bếp để cùng chia cơm. Trước đây nếu không bị đau chân sư thầy vẫn xuống tham gia các công việc bếp núc với phật tử chúng tôi", vừa vớt những miếng đậu rán nóng giòn khỏi chảo, bà Nguyễn Thị Hẫm (70 tuổi, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vui vẻ chia sẻ.

Mua thực phẩm, sơ chế, chế biến thức ăn, chia thành các suất cơm, rồi phát tận tay người bệnh… Ở tuổi gần 80, làm thế nào sư thầy có thể sắp xếp chu toàn khối lượng công việc khổng lồ ấy? Sư thầy khẽ cười hiền: "Phải có kế hoạch chứ. Tôi chia thành các nhóm, mỗi người phụ trách 1 việc: Người đi chợ, người phụ trách kho gạo, tổ nấu cơm xếp thực đơn và số lượng suất cơm. Ở dưới mỗi bệnh viện đều có phật tử tự nguyện làm công việc phát cơm, phát cháo...".

Công việc nấu cơm bắt đầu từ 4h30 sáng đến 8h thì hoàn tất. Sau đó, xe ô tô chở cơm từ thiện xuống Bệnh viện K cơ sở 2 và cơ sở 3. Thoăn thoắt chuyển các suất cơm cho người bệnh. Bà Cao Thị Nghít (74 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Khi nghỉ hưu, tôi và nhiều phật tử biết đến sư thầy chùa Thanh Nhàn phát tâm từ thiện giúp bệnh nhân khó khăn, nên xin tham gia từ đó. Nhiều lúc cũng lo mình già đến bệnh viện dễ lây các bệnh truyền nhiễm. Nhưng các thầy làm được, mình cũng gắng sức làm. Có lẽ nhờ Phật độ nên đến giờ vẫn khỏe mạnh".

photo-1628077380484

Những suất cơm nóng hổi hàng ngày vẫn đến với bệnh nhân ung thư của Bệnh viện K2 Hà Nội. Ảnh N.Hạnh

Chị Phan Thị Hoa, chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện K cơ sở 2 gần chục năm nay cũng phát cơm cùng các phật tử ở đây. Xong xuôi, chị lại chở miễn phí khoảng 50 suất cơm từ thiện của nhà chùa đến xóm chạy thận ở gần Bệnh viện Bạch Mai. Chị vui vẻ: "Lúc đầu tôi chưa tham gia đâu, vì còn dành thời gian kiếm tiền nuôi con. Nhưng sau thấy toàn người già đứng phát cơm. Vất vả quá! Nên tôi và mấy anh em ở đây hỗ trợ các ông bà. Người già làm được mình cũng làm được".

Là người nhận suất cơm đầu tiên, anh L.V.T. (37 tuổi, Thanh Hóa) xúc động: "Tôi đến khám và chữa bệnh ở đây hơn 1 tháng rồi. Ngày nào cũng được nhận 1 suất cháo sáng và 1 suất cơm trưa. Cơm rất ngon! Nhờ có những suất cơm của nhà chùa mà tôi có thể dành dụm thêm được chút tiền thuốc thang…". Nhận cơm từ tay bà Nghít, chị N.T.T.B ở Hòa Bình run run: "A di đà Phật! Cám ơn nhà chùa rất nhiều. Có được bữa cơm này tôi như được tiếp thêm sức mạnh của Đức Phật giúp cho tôi chống chọi với bệnh tật".

Những suất cơm bé nhỏ ấy đâu chỉ góp phần giảm khó khăn, vất vả cho bệnh nhân nghèo mà còn là sự động viên tinh thần vô giá đối với họ. Thật trân quý biết bao khi mỗi suất cơm đều chứa đựng thiện tâm của triệu tấm lòng!

Tâm thiện vượt không gian

Không dừng lại ở hoạt động phát cơm, cháo miễn phí, sư thầy Thích Nữ Như Hiền còn xin phép mở phòng khám từ thiện ngay tại nhà chùa. Khi chưa có dịch COVID-19, phòng khám mỗi tháng khám miễn phí 2 lần cho 7 đối tượng của quận Hai Bà Trưng (người nhiễm chất độc màu da cam, cựu chiến binh, thương binh, thanh niên xung phong, người mù, người cao tuổi…), tiêu chuẩn thuốc là 100.000đ/người. Phòng khám có sự tham gia thiện nguyện của các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị và các dược sĩ đến từ Công ty Dược phẩm Trung ương II. Số lượt người bệnh đến khám ở đây có lúc lên đến cả trăm người mỗi kỳ.

Tiếp đó, sư thầy và các phật tử tiếp tục mở rộng các hoạt động thiện nguyện ra các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bão lụt…. Đến nay, nhà chùa đã 2 lần tổ chức đi khám chữa bệnh miễn phí và tặng quà bên nước bạn Lào. Có chuyến, giá trị quà tặng lên tới gần 2 tỷ đồng.

Gieo thiện duyên nơi cửa thiền - Ảnh 5.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền tặng quà cho người dân Quảng Bình sau lũ. Ảnh: Phạm Quân

Gần 10 năm nay, vào dịp cuối năm, nhà chùa lại đến một xóm đạo ở Lăng Cô (Huế) trao quà từ thiện. Cũng ngần ấy thời gian, cứ đều đặn mỗi năm 2 lần, sư thầy cùng các phật tử và các bác sĩ, dược sĩ đi khám bệnh, phát thuốc, tặng quà đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa khắp 6 tỉnh vùng núi tây bắc, từ Thanh Hóa vào Quảng Ngãi. 

Mỗi chuyến đi, khám bệnh cho khoảng 2.000 người nghèo, tặng 1.000 suất quà (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng). Xót xa cho những hoàn cảnh khó khăn tại Ðiện Biên, sư thầy còn trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi nghèo, đơn thân, trẻ em mồ côi, hộ gia đình nghèo....

Năm 2003, sư thầy Thích Nữ Như Hiền đã vận động ủng hộ xây chùa Linh Sơn tại thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Năm 2004, sau khi khánh thành, nhà chùa triển khai ngay các hoạt động: Nấu cháo, nấu cơm tặng bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện đa khoa tỉnh; Khám miễn phí cho người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn. Đợt dịch COVID-19 vừa rồi, nhà chùa nghỉ nấu cháo cho bệnh nhân nhưng vẫn thổi cơm cho các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai lên tăng cường cho tỉnh Điện Biên phòng, chống dịch.

Gieo thiện duyên nơi cửa thiền - Ảnh 7.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn ở Điện Biên. Ảnh: Phạm Quân.

Hai năm nay sư thầy yếu hơn. Sau cơn đột quỵ rồi viêm xương đùi, việc đi lại của sư thầy càng khó khăn. Nhưng không vì thế mà các hoạt động thiện nguyện của nhà chùa bị ngưng trễ. "Đợt gần đây nhất, chúng tôi cũng chuẩn bị đi Nậm Pồ (Điện Biên)". Nói rồi, sư thầy chỉ tay lên gác 3 của phòng khám: "Chuẩn bị đầy đủ các suất quà rồi. Chiếu, chăn, màn, quần áo, sách vở… để trên đấy cả. Nhưng Nậm Pồ có bệnh nhân COVID-19, nên chuyến đi phải hoãn lại ".

Với cơi trầu, nhẹ nhàng lấy miếng trầu đã têm sẵn, rồi như nhớ ra điều gì, sư thầy quay sang nhắc Quân, người bạn đồng hành với tôi: "Chú xem tình hình mấy hôm nữa có mưa không để chở gạo lên Điện Biên". Được biết, đây là số gạo hàng tháng nhà chùa chở lên để nấu cơm, cháo cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và trợ cấp cho một số gia đình khó khăn. Đến kỳ hạn phải chở gạo lên rồi. Nhưng thời tiết xấu cộng với dịch bệnh…

Tâm hướng thiện sẽ kết nối được thiện duyên

"Mình nấu ăn ở nhà chùa 7-8 năm nay. Lúc đầu, chỉ có vợ mình tham gia các hoạt động từ thiện ở chùa. Sau khi được tiếp xúc với mọi người, mình xúc động lắm. Mình nghĩ, các cụ 70-80 tuổi còn làm được. Mình còn trẻ tại sao không làm? Và khi bắt tay vào làm thiện nguyện mình thấy sự bình an, hạnh phúc, cảm thấy cuộc đời này đáng sống và vô cùng ý nghĩa", anh Lưu Anh chia sẻ. 

"Mình học hỏi được rất nhiều từ mọi người, nhất là sư thầy. Mình làm các công việc thiện nguyện bởi sự kính phục sư thầy: Rất rõ ràng, rành mạch và cực kỳ tiết kiệm. Một người làm được nhiều việc lớn như thế nhưng lại tiết kiệm từng giọt nước, từng viên than. Từ sư thầy đã lan tỏa thiện tâm ra xung quanh. Mình và nhiều anh em ở đây làm từ thiện rồi phát triển thành hội nhóm bởi sự gieo duyên của thầy".

Bà Nguyễn Thị Sinh, (73 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) têm thêm miếng trầu cho sư thầy, chậm rãi: "Hàng ngày tôi đến chùa giúp quét dọn chùa, tưới cây, viết sớ, dâng hoa quả... Khi sư thầy có ý định làm các suất cơm, cháo từ thiện, tôi và các chị em phật tử ở đây hưởng ứng ngay. Chúng tôi phát tâm với bệnh nhân nghèo cũng từ thiện tâm của sư thầy".

Gieo thiện duyên nơi cửa thiền - Ảnh 8.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền trong chuyến tặng quà cho xóm đạo ở Lăng Cô (Huế). Ảnh: Phạm Quân

Câu chuyện về những chuyến thiện nguyện với sư thầy và các phật tử nơi đây bị ngắt quãng bởi một cuộc điện thoại gọi đến. Phật tử ở Hưng Yên công đức một bao tải khoai lang và mấy trăm bánh nếp cho bệnh nhân... Không muốn chiếm quá nhiều thời gian của sư thầy, tôi xin phép ra về.

Rời ngôi chùa cổ kính nằm nép mình giữa lòng phố Trần Khát Trân, lời sư thầy Thích Nữ Như Hiền như vẫn đang hòa với tiếng chuông chùa ngân: "Phật giáo cũng như các tôn giáo đều hướng con người tới những điều tốt đẹp, sống hành thiện, quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh. Gốc của đạo Phật là từ bi, cứu khổ chúng sinh. Ở đâu có đạo Phật, ở đó có tình thương".

Trong cuộc đời này, ai sinh ra cũng có một sứ mệnh riêng. Có lẽ, với sư thầy Thích Nữ Như Hiền, sứ mệnh ấy chính là kết nối, trao tặng thiện duyên và lan tỏa tình yêu thương tới mọi người.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn