Có lẽ không quá lời khi mà hàng trăm số phận bất hạnh trong đời sống và các mạnh thường quân trên cả nước lẫn quốc tế nhiều năm qua miệt mài công tác thiện nguyện đã gọi linh mục Phan Khắc Từ bằng những danh xưng trìu mến, trân trọng và ngưỡng mộ như: "Người cha của những mảnh đời bất hạnh", "Người kết nối những vòng tay nhân ái", "Người thắp sáng ngọn lửa niềm tin"…
Đã bước vào tuổi 80, khi trò chuyện, tôi vẫn thấy ở ông một năng lượng yêu thương luôn thao thức trong tâm khảm. Ông đã dành trọn một đời phụng hiến, chia sẻ yêu thương tới bao thân phận thống khổ trong cuộc đời. Đó là niềm tin vào sự bác ái của con người trong hành trình nhân ái không mệt mỏi của ông và các cộng sự suốt hàng thập kỷ qua…
Mạch nguồn yêu thương mãi chảy
Sinh năm 1941 tại thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng. Trong miền ký ức tuổi thơ của ông, màu phượng thắm ngày ấy không thắm hồng lãng mạn như trong bài thơ của các thi nhân, mà là màu máu đỏ từ những con tim mong manh hát lời bi ca cho đoạn trường chia lìa, đau thương, mất mát của quê hương, đất nước trong mùa chinh chiến. Ông đã dự phần, hóa thân vào tâm cảnh đó, để từ đây, ông quyết tâm chọn cho mình một con đường thiên lý diệu vợi trong hành trình cứu rỗi những linh hồn còn trầm thống trong bất hạnh. Chìa một bàn tay nhân ái để làm lành và phục sinh bao mảnh đời bất hạnh.
Với vai trò của một ngôn sứ giữa đời, thông điệp yêu thương dần hình thành trong ông là những tháng ngày chịu nhiều tuẫn nạn, hòa mình vào đời sống xã hội, đồng hành với nhiều thân phận để thoát vượt lên khỏi phận khó giữa dòng đời đầy biến động.
15 tuổi, cánh cửa Tiểu Chủng viện đón ông vào tu học để trở thành linh mục. Tại đây, ông được tu dưỡng và lĩnh hội đầy đủ giáo lý Kinh Thánh. Ông luôn ấn tượng và tâm đắc với lời dạy: "Sao nhãng bổn phận trần thế, tức là sao nhãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời của mình bị đe dọa"- (Mục vụ 48).
Nhiều năm qua, sau quãng thời gian không còn tham gia chính trường, ông lại miệt mài với những dự định mà ông từng tâm huyết trước đó.
"Linh mục hốt rác" có trái tim vàng
Linh mục Phan Khắc Từ tâm tư: "Là một sứ giả của Đức Kitô, ước vọng của tôi không có gì khác hơn là hướng đến từng mảnh đời đau khổ, kém may mắn. Tôi mong có nhiều sức khỏe để có điều kiện cống hiến nhiều hơn nữa. Tôi biết những đóng góp của mình còn quá ít ỏi, trong khi đó, ngoài kia vẫn còn nhiều số phận bất hạnh chưa nhận được sự quan tâm, giúp đỡ. Tôi ước mình có vòng tay đủ rộng để dung chứa hết những mảnh đời bất hạnh, bơ vơ giữa trần thế hôm nay".
Thông đạt những lời răn của các bậc bề trên, đặc biệt là lời dạy của mẹ Teresa (Ấn Độ) mà ông luôn khắc ghi trong thẳm sâu tâm khảm: "Chúng ta không thể làm được việc lớn, nhưng có thể làm được việc nhỏ bé với tình yêu lớn". Hàm ngôn sâu sắc đó đã trở thành nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ để ông không quản ngại dấn thân vào công việc đầy khó khăn và áp lực để mở rộng vòng tay ấm áp đến với những phận đời khốn khó.
Niềm tin ấy, là hành lý tinh thần quý giá mà ông mang theo từ những ngày đất nước chìm sâu trong khói lửa chiến tranh của những năm 60 của thế kỷ 20. Ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người lao động. Trước 1975, tại Sài Gòn, ông từng đảm nhận cương vị Phó chủ tịch Mặt trận nhân dân cứu đói và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền lợi người lao động.
Những thước phim cận cảnh một thời, một thuở - đồng hiện tìm về - qua mạch xúc cảm của linh mục Phan Khắc Từ. Khi trở thành linh mục, ông tự nguyện xin đi làm công nhân hốt rác để được sống đời cần lao; để được nghe, hiểu, cảm nhiều hơn tiếng lòng của người lao động. Người Sài Gòn ngày ấy gọi ông với biệt danh "Linh mục hốt rác".
"Có nhiều bữa uống rượu say mềm với anh em công nhân bên cạnh đống rác bốc mùi hôi thối. Rồi lại ngậm ngùi tiễn đưa một người bạn công nhân hốt rác ra đi mãi mãi vì quá đói đã đi đào trộm khoai và bị đánh chết tức tưởi trên luống khoai. Thật cay đắng và chua chát của mùi đời"- Linh mục Phan Khắc Từ rưng rưng trong hoài niệm.
… Sau khi đất nước thống nhất, linh mục Phan Khắc Từ được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.Hồ Chí Minh. Ông từng giữ trọng trách đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X. Ở nghị trường, với vị trí của mình, ông vẫn luôn trăn trở, có tiếng nói trách nhiệm với quyền lợi của người nghèo; quan tâm đến sự công bằng của họ trong một xã hội bình đẳng, công bằng.
Nhiều năm qua, sau quãng thời gian không còn tham gia chính trường, ông lại miệt mài với những dự định mà ông từng tâm huyết trước đó. Ông đứng ra vận động, tổ chức nhiều chương trình góp sức, chung tay vào chăm sóc những người già không nơi nương tựa, những người lầm lạc trước bao cám dỗ của cuộc đời, những người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là trẻ em- nạn nhân của chất độc màu da cam.
Có lẽ, điều gì xuất phát từ trái tim, cũng sẽ bắt gặp những trái tim đồng điệu. Nhiều mạnh thường quân trong cả nước và quốc tế, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã cùng đồng hành với tâm nguyện của linh mục Phan Khắc Từ suốt hàng chục năm qua. Những đóng góp về vật chất lẫn tin thần đó đã kiến lập thêm bao mái ấm yêu thương cho những cuộc đời bất hạnh tìm về và an trú trong ân điển vô lượng của tình thương.
Đó là Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề trẻ em khuyết tật Thiên Phước ở số 79/7, phường 16, quận 8, TP.HCM. Cở sở ấp lộ 6, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM. Cơ sở 156 An Phú Đông, đường số 11, phường An Phú Đông, quận 12, TP.Hồ Chí Minh.
Để chủ động nguồn kinh phí trong việc nuôi dưỡng, điều trị bệnh tật cho các cháu, trung tâm Thiên Phước đã triển khai xây dựng một khu trang trại gần 10 ha tại xã An Phú, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương để nuôi đà điểu và gia súc, gia cầm. Khu trang trại này không chỉ tạo nguồn thu cho hoạt động mà còn là địa chỉ tạo công ăn, việc làm cho các cháu khuyết tật sau khi phục hồi chức năng, có khả năng lao động để trở về với cuộc sống bình thường.
Tại 3 cơ sở nói trên, đã có trên 150 trẻ em khuyết tật và nhiễm chất độc màu da cam đã được tiếp nhận. Với những trường hợp nặng, trung tâm cam kết dưỡng nuôi trọn đời. Phổ biến nhất là bệnh Down, bệnh thần kinh, bại não, xương thủy tinh…
"Gần 40 thầy cô, bảo mẫu và nhân viên của các cơ sở trên thực sự là người cha, người mẹ thứ hai của các cháu. Những thiên thần nhỏ này đã được sinh ra lần thứ 2, bởi sự tận tụy, hy sinh vô bờ của những người đang trực tiếp phụng dưỡng nơi đây. Lần sinh thành này, các cháu được sống làm người một cách cao quý nhất với những gì có thể"- Linh mục Phan Khắc Từ chia sẻ.
Những vinh danh cho một trái tim vàng nhân ái
Khải huyền của lòng nhân
Không chỉ dừng lại ở mong muốn tất cả trẻ em khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng mà linh mục Phan Khắc Từ còn kỳ vọng chất lượng cuộc sống của các cháu càng ngày được cải thiện hơn. Từ đó giúp các cháu được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến nhất, được phát triển giáo dục và sớm hòa nhập với cộng đồng. Trên thực tế, đây vẫn còn là một "khoảng trống" rất lớn. Cơ sở vật chất các cơ sở của trung tâm Thiên Phước vẫn còn nghèo nàn, chưa cung cấp được đầy đủ những giải pháp chăm sóc, trị liệu cho hàng trăm trẻ em bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú.
Được sự hỗ trợ, động viên của các cơ quan chức năng và nhiều tổ chức, cá nhân, linh mục Phan Khắc Từ đã khởi xướng và gây dựng Quỹ vì trẻ em nghèo khuyết tật. Mục đích của quỹ là hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật. Hình thành một hạ tầng bền vững về vật chất, tinh thần, để trẻ khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ khác nhằm phát triển tối đa khả năng của bản thân các em, để trở thành những nhân tố tự lực và độc lập trong cuộc sống về sau.
Với những việc làm ý nghĩa với đời, với người, đầu tháng 2/2014, linh mục Phan Khắc Từ đã vinh dự được vinh danh là một trong 50 nhà hảo tâm tại đêm hội Kết nối trái tim vàng Việt Nam, vinh danh "Trái tim vàng nhân ái-Vì sự phát triển cộng đồng" tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông nghẹn ngào, xúc động: "Từ thiện bác ái luôn là lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi đến với các cháu khuyết tật bằng cả trái tim. Những nỗi đau về thể xác và tâm hồn của các cháu khuyết tật sẽ chẳng bao giờ bù đắp nổi, chỉ có thể xoa dịu nỗi đau đó bằng sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm. Tôi luôn coi các cháu như những đứa con của mình…"
…Thoáng nhìn ông thập thững vào tận phòng nghỉ thăm các cháu khuyết tật tại Trung tâm Thiên Phước tại 97/7 An Dương Vương, quận 8. Khi đó, các thiên thần bé bỏng đang yên giấc ngủ trưa. Tôi bắt gặp nụ cười hạnh phúc tìm về trên gương mặt thánh thiện của ông.
Chia tay ông, trên đường về, tôi chợt nhớ lại sách Khải Huyền từng viết: "Sẽ lau hết nước mắt nhân loại. Sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi".