“Trái tim ấm nóng” của các bon làng

04-08-2021 14:27 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Bao mùa mưa nắng đi qua, ngày nối ngày bác sĩ Điểu K’Rep, Trạm trưởng Trạm Y tế Đăk R’Tih (huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vẫn tự nhủ với lòng mình phải làm cho được cuộc “cách mạng” sức khỏe, kết nối các bon làng.

BS.K'Rép vượt rừng đi khám bệnh

Ra đi để trở về "đuổi bệnh" cho dân

Xa rồi những năm tháng đói khát nhưng đường về Đắk R'Tíh vẫn hun hút sâu, nhiều dốc đứng. Điểu Thành, người dẫn đường cho tôi tìm về "người bác sĩ của dân" chia sẻ: Trước kia toàn phải chạy bộ, bệnh tật nhiều, các buôn làng lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số, Điểu K'Rep trở thành biểu tượng đặc biệt, một điển hình về lòng nhân ái, sự nhẫn nại trong lòng người dân ở cả vùng biên giới mênh mông này.

“Trái tim ấm nóng” của các bon làng - Ảnh 1.

Ngày đi khám bệnh không đủ thì vượt rừng khám đêm.

Khi trời nhá nhem tối, nhà Điểu K'Rep cũng hiện ra dưới làn sương mù giữa những khoảnh rừng xanh thẫm. Lùa vội bát cơm nguội, ông lại tất tưởi vào các làng để "đuổi" bệnh cho dân.

Phút giải lao hiếm hoi, sau khi khám xong cho em bé người M'Nông, Điểu K'Rep bộc bạch lòng mình, rằng: Mình cũng là dân tộc M'Nông, sinh năm 1965 ở vùng đất gian khó này. Nhiều người anh em trong gia đình của mình và cộng đồng xung quanh nữa trước kia mắc sốt rét ác tính, sốt xuất huyết, bị các bệnh khác nữa… toàn để liều. Ngay anh em trong nhà mình cũng chết nhiều. Tiếng khóc cứ rỉ rả kéo từ nơi này sang nơi khác. Lòng mình buồn vô tận. Tuổi thơ, ngồi giữa không gian ám ảnh, tĩnh mịch ấy quanh tôi chỉ có những quả đồi, những đường mòn, chỉ có tiếng gió buồn se sắt suốt đêm thổi vào.

Tôi phải cám ơn số phận đã cho tôi được đi qua những năm tháng có đau đớn, có hạnh phúc để thành bác sĩ. Bác sĩ rồi, quản lý trạm y tế rồi phải xem chinh phục gian khổ vì người khác là bài học trường kỳ. Xuyên thời gian, bài học này được rèn rủa từng ngày.
BS. K'Rép

Mỗi khi trong các làng có người mãi mãi ra đi, lời thầy cúng lại dội vào tai K'Rép "con ma rừng" nó mang đi thôi, bệnh tật gì. Cứ ăn ở thoải mái bên chuồng trại, không cần phòng bệnh, chỉ cần cúng và tránh ma rừng. Từ đó, lòng K'Rep trỗi dậy khao khát, phải học thành bác sĩ, phải dời làng, phải đi mang những kiến thức y học về.

“Trái tim ấm nóng” của các bon làng - Ảnh 3.

Bệnh nhân nào cũng như là người nhà của mình vậy.

Đi qua nhiều gian khó, năm 1990, Điểu K'Rep vào học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk). Năm 1995 tốt nghiệp, với kiến thức vững vàng, ông được tổ chức phân công về Trung tâm Y tế huyện Đắk R'Lấp để làm cán bộ nòng cốt cho cơ sở này. Nhưng rồi, ý nghĩ về nơi gian khó nhất cứ lóe lên, cuối năm 2000, Điểu K'Rep được phân công về Trạm y tế xã Đắk R'Tih như nguyện vọng của mình.

Cơ sở nghèo nàn, kiến thức thì rộng lớn, thuốc men lại hạn chế nên Điểu K'Rep xác định ngay công tác phòng bệnh cho hàng loạt bon làng ở vùng biên giới Đắk R'Tih là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Bác sĩ kiêm xe ôm và nhà tâm lý: Trường kỳ chinh phục để làm cuộc "cách mạng" sức khỏe cho người dân

Sau nhiều ngày "cưỡi" xe máy cũ, chạy bộ qua đường mòn để thăm khám bệnh và vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, không mê tín dị đoan, có bệnh hãy tìm bác sĩ, hãy đến trạm y tế. Mấy tháng đầu, ít người mặn mà nhưng nghe Điểu K'Rép nói mãi bằng cả tiếng Kinh, tiếng M'Nông nên các bon ở biên giới bắt đầu láng máng tin. Họ nói với K'Rep hãy cam kết nếu cứu được người nguy kịch để chứng minh đó không phải ma rừng về hành thì tin hẳn.

“Trái tim ấm nóng” của các bon làng - Ảnh 4.

BS. K'Rép: "Làm bác sĩ phải phải kiêm xe ôm, người tư vấn tâm lý nữa chứ".

Cuộc vật lộn mới đầy com go với K'Rep lại bắt đầu. Những cơn mưa dai dẳng năm 2001, nhiều người bị cuốc sắt, dựa phát rẫy không may bập vào chân, nhiễm trùng. Rồi những người sốt rét ác tính… cúng mãi, vẫn cứ nóng hầm hập, đờ đẫn ra nên các trai tráng cáng người bệnh thả xuống trước mặt K'Rep, hô: Đó, dùng y học mà cứu đi.

Chẩn đoán "thần tốc" thấy với máy móc, thuốc men ở trạm y tế vùng sâu này khó có thể đáp ứng cứu chữa mà tiếp tục cáng chạy bộ lại sợ chậm nên K'Rep quyết định dùng chiếc xe máy của mình làm "xe cấp cứu" đặc biệt mà chính ông là người điều khiển.

Năm tháng cũ ùa về, K'Rep tâm sự: Đường xa cách trở, thuốc men thiếu mà bà con của mình sốt đùng đùng, có người trôi vào miên man rồi, phương tiện phổ biến với các bon làng chỉ là cáng tay. Mình thạo đường lại có kinh nghiệm bám đường đất trơn nên làm "xe ôm" chở bệnh nhân thẳng đến huyện cứu họ.

Một người, hai người… rồi hàng ngàn người cùng thoát khỏi nguy kịch cũng là lúc người K'Rep gầy rộc, chân đầy bầm tím do lội rừng, đánh vật với xe máy chở bệnh nhân. Người bon nọ nối làng kia thấy vậy mà thương. Họ tin dần vào y học, vào các kiến thức mới, chương trình mới của Nhà nước mà K'Rep là người chuyển tải đến.

Già làng Điểu Man và nhiều già làng ở biên giới Tuy Đức chia sẻ: Xưa kia lạc hậu lắm, lạc hậu về ý nghĩ, về kinh tế nữa. Chính thế nên nghèo. Bất kể đêm tối, mưa gió, K'Rep vẫn đôi chân trần đôn đáo chạy khắp nơi để hướng dẫn bà con cách phòng, chống các loại dịch bệnh dễ bùng phát và biến chứng. Nhất là mùa hè, mùa mưa, vùng biên giới này rất khắc nghiệt. Bác sĩ khuyên cặn kẽ, tư vấn tận tình. K'Rep còn lấy hình ảnh chết chóc vì bệnh tật của người thân mình trong những năm tháng tuổi thơ để làm minh chứng vận động bà con. Có hôm lăn lộn ở các bon nhiều quá, K'Rep thiếp đi ngay trên rừng, ngoài rẫy. Vậy nên nhiều người thương mà làm theo.

Điểu K'Rep còn được ví như người truyền lửa nhiệt huyết cho các nhân viên ở trạm y tế nơi ông công tác cùng các cộng tác viên dân số trên địa bàn cả huyện Tuy Đức. Lúc đầu, có người sợ khổ, sợ vắt cắn, sợ bon bắt vạ không dám lấy xe máy chở bệnh nhân vượt rừng như K'Rep nhưng sau đó thì làm theo. Có nhân viên muốn về phố thị nhưng thương K'Rep, cảm phục ông mà ở lại để sát cánh chăm lo cho đời sống nhân dân.

“Trái tim ấm nóng” của các bon làng - Ảnh 5.

Đường xuyên rừng, xuyên rẫy nào cũng hằn dấu chân ông Rép để tìm bệnh nhân.

Để làm "cách mạng" sức khỏe cho người dân thành công, K'Rep thổ lộ bí quyết là: Dù mình có là bác sĩ hay gì đi nữa thì cái quan trọng nhất là thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Dù người M'Nông, Dao hay Kinh… trên miền biên giới này thì mình cũng phải yêu thương như ruột thịt. Không nề hà gì cả mà cứ có người gọi là đến, không gọi cũng tìm đến mà thăm khám sức khỏe người già, trẻ nhỏ. Có gắn kết rồi thì tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh không khó nữa. Cái nan giải nhất là thói quen ăn chung muỗng (thìa), có khi tô lớn đồ ăn chỉ một cái muỗng người này xúc ăn rồi đến người khác. Rồi lại sống bên vật nuôi, mất vệ sinh. Đi làm rẫy về mệt bỏ bừa bãi chất thải quanh nhà. Như thế sẽ khó phòng ngừa bệnh tật. Thay đổi được lối sống lạc hậu, dịch bệnh giảm hẳn.

K'Rep còn vận động bon làng tham gia bảo hiểm y tế và khám bệnh định kỳ. Vậy nên khi ốm đau các bon đã tự động tìm đến trạm y tế. Trẻ nhỏ cũng không xa lạ với tiêm vắc xin phòng bệnh. Phụ nữ mang thai đến ngày sinh không tự đẻ trong rẫy hay nhà mình nữa.

Trung tâm của đoàn kết và vượt khó

Khi đã tạo nên nền tảng ý thức vững vàng cho các bon làng khắp Đắk R'tih là có bệnh phải đến cơ sở y tế, từ bỏ các ý nghĩ lạc hậu, bác sĩ K'Rep lại nảy ra ý tưởng phải đoàn kết bà con lại, xây dựng cuộc sống giàu đẹp hơn. Ông lấy chính mình ra làm thử nghiệm tiên phong. Quyết tâm biến 2 héc ta đất cằn của gia đình mình thành những rẫy cà phê, hồ tiêu trù phú. Nhiều người ngỡ ngàng khi vừa là bác sĩ tận tụy, K'Rep lại nhanh chóng trở thành hạt nhân của phong trào Nông dân sản xuất giỏi.

Hàng ngày K'Rep vẫn chia sẻ với từng người rằng, hãy dùng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm sức lao động. Tưới nước phương pháp tiết kiệm… Mỗi khi thấy từng tốp thanh niên người M'Nông, người Dao… tụ tập uống rượu với cá khô hay định cà khịa nhau ông lại cầm tay từng người mà thổ lộ rằng: "Hãy dùng bàn tay để cần mẫn xây dựng cuộc sống giàu đẹp. Hãy siết vào nhau để đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm. Chỉ có thế các bon mới giàu, đời sống mới nâng cao lên được. Dù là người Kinh, Dao hay M'Nông đều như chung một mái nhà…

“Trái tim ấm nóng” của các bon làng - Ảnh 6.

Đêm mưa, ngày nắng cũng không làm chùn bước Điểu K'Rép.

Để gắn bó tình đoàn kết các cộng đồng, tôn giáo xây dựng nông thôn giàu đẹp, K'Rep lập các nhóm hợp tác, nhóm làm kinh tế giỏi… để chia sẻ kinh nghiệm một cách thuận lợi nhất. Các buổi chia sẻ ấy ông cũng không quên lồng ghép kiến thức phòng chống dịch bệnh cho người dân với phương châm "khỏe để yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước".

Không chỉ nói suông, mấy mùa mưa bão trôi qua, hàng ngàn người dân ở bon Bu Dâng; Bu MLanh B; Bu N'Đơ…(xã Đắk R'tih) thấu hiểu ra điều kỳ diệu là: Từ bỏ lạc hậu, lao động cần mẫn, vỡ vạc đồi hoang, phủ xanh núi trọc không chỉ mang lại những cây cà phê trĩu quả, tấp nập khách dưới xuôi lên mua mà còn chống xói mòn cho đất, không còn xuất hiện những luồng nước đỏ, đục ngầu thốc thác thẳng vào bon mỗi khi trời nổi cuồng phong, trút xuống mưa bão. Lời K'Rep khuyên là đúng đắn.

Bác sĩ K'Rep dốc hết tâm huyết cho bà con. Trước đây bộn bề khó khăn cả cơ sở vật chất lẫn thuốc men, đều vượt qua được.
Ông Điểu Đông - Chủ tịch Hội nông dân xã

Tự hào nói về BS. Điểu K'Rep, chủ tịch UBND xã Đắk R'tít khẳng định: "Bác sĩ K'Rep là điển hình vì cộng đồng. Hành động và việc làm của ông được cả xã, cả huyện biên giới tín nhiệm, tin tưởng. Ông đoàn kết các bon làng rất tốt, vận động từ bỏ các lạc hậu, xây dựng khối đoàn kết vững vàng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo nào cả.

BS.K"Rép trong một đêm khuya khám bệnh.

Ông Điểu Đông, Chủ tịch Hội nông dân xã Đắk R'tit cũng chia sẻ: Bác sĩ K'Rep dốc hết tâm huyết cho bà con. Trước đây bộn bề khó khăn cả cơ sở vật chất lẫn thuốc men, đều vượt qua được. Ông là tuyên truyền viên đặc biệt về phòng dịch bệnh, huy động người dân tham gia mạnh mẽ bảo hiểm y tế tự nguyện để bớt khó khăn khi có bệnh. Các hoạt động xã hội trong các bon làng, trong xã ông rất tích cực.

Với các cống hiến và lòng nhân ái của mình trong suốt hơn 25 năm qua, bác sĩ Điểu K'Rep được ngành y tế tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Ông là một điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhưng, với K'Rep, như ông nói: "Phần thưởng hạnh phúc nhất là nhân dân đoàn kết, san sẻ yêu thương, cùng nhau phát triển".


Bài, ảnh, video: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn