Mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đã đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Nhận được thông tin này, nhiều giáo viên bày tỏ sự đồng tình và mong rằng chính sách sẽ sớm đi vào thực tiễn, tuy nhiên không ít người còn có nhiều băn khoăn và lo lắng.
Nhiều giáo viên đồng tình
Cô Nguyễn T.Lan - giáo viên dạy Toán một trường THCS quận Thanh Xuân cho hay, có thể nói đây là một tin vui đối với giáo viên nói chung. "Tôi cho rằng hoạt động này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh và ngành giáo dục. Đối ngành giáo dục, điều này sẽ giúp tạo động lực và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đối với học sinh và phụ huynh, học thêm là nhu cầu chính đáng. Nhu cầu đó xuất phát từ mục tiêu học tập khác nhau, có thể giúp các em đáp ứng được mục tiêu đỗ vào trường điểm, trường chuyên nếu được bổ sung kiến thức nâng cao. Nếu chỉ học trong sách giáo khoa mà không được đào sâu, nâng cao sẽ khó đỗ đạt đúng nguyện vọng.
Còn đối với giáo viên chúng tôi điều này sẽ giúp tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng kinh tế. Khi đồng lương giáo viên hiện còn khá thấp, chưa thể cải thiện thì dạy thêm sẽ giúp chúng tôi có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống. Trong khi các ngành nghề khác được tăng ca, làm thêm, tại sao nghề giáo lại không được dạy thêm khi mà chúng tôi làm thêm bằng năng lực, trình độ, trí tuệ? Tôi nghĩ việc này là chính đáng, không có gì sai cả, chỉ có điều cần có một quy định cụ thể và rõ ràng".
Cô T.D - một giáo viên THPT ở Phú Thọ cũng bày tỏ ý kiến, dạy thêm, học thêm nếu dựa trên nhu cầu thực tế của mỗi gia đình và tự nguyện thì không xấu. Phụ huynh chỉ đang bức xúc với việc dạy thêm trong nhà trường, không tự nguyện và không đúng mong muốn của phụ huynh, học sinh hoặc là giáo viên bớt kiến thức trên lớp để đưa vào các lớp dạy thêm ngoài giờ của mình.
"Dạy thêm cũng như nhiều nghề phụ khác như buôn bán, giao hàng… là cách để kiếm thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sẽ không có gì đáng phải lên án đối với những giáo viên làm ra đồng tiền bằng chất xám, bằng mồ hôi và tâm huyết chân chính của mình. Tuy nhiên, là một giáo viên cũng dạy thêm, tôi mong rằng khi đưa dạy thêm thành ngành kinh doanh có điều kiện thì cũng cần có quy định cụ thể để giáo viên không bị ảnh hưởng nhiều".
Chia sẻ thêm với PV báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu.
Thực tế hiện nay, học sinh và phụ huynh có rất nhiều nhu cầu như bồi dưỡng học sinh giỏi, đi học thêm các môn năng khiếu, chẳng hạn âm nhạc, mỹ thuật, thể thao hay kỹ năng sống… Trong khi đó, đời sống của giáo viên lại khó khăn, mức thu nhập chưa tương xứng và đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống, buộc thầy cô phải mở lớp dạy thêm dựa trên chính sức lao động của mình. Việc dạy thêm, học thêm như vậy là chính đáng.
Tuy nhiên theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, hình thức dạy thêm tiêu cực như "dạy trên lớp lơ là, dạy ở nhà là chính" - tức thầy cô lên lớp không dạy hết mình, chỉ dạy một phần rồi xem đó như "mồi nhử" học sinh về nhà mình để dạy học kiếm tiền, điều này đáng lên án và cần phải cấm.
Để tránh biến tướng tiêu cực, càng cần phải đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn, giá cả, điều kiện giảng dạy... phải có những quy định, khung cụ thể thì việc quản lý, xử lý vi phạm về vấn đề dạy sẽ dễ dàng hơn rất nhiều được dạy thêm và không làm nó biến tướng.
Giáo viên có bị ảnh hưởng?
Mặc dù nhiều giáo viên đồng tình với việc cần đưa việc dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng liệu giáo viên có bị ảnh hưởng nếu đề xuất này đi vào thực tế.
Theo luật sư Tạ Phương (Văn phòng luật sư Trung Hòa), nếu đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc dạy thêm tự do của giáo viên đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều vì khi đó, giáo viên phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chí cụ thể do nhà nước quy định tương ứng mới được phép thực hiện hoạt động dạy thêm này.
Luật sư Tạ Phương cho biết, việc đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện có thể giúp quản lý tốt hơn hoạt động dạy thêm.
Tuy nhiên, đối với các chủ thể thực hiện hoạt động dạy thêm là các tổ chức, pháp nhân và có tổ chức quy mô mức độ lớn cần thiết quản lý chặt chẽ thông qua các điều kiện kinh doanh quy định cụ thể hoặc đưa vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Đối với các chủ thể thực hiện hoạt động dạy thêm là các cá nhân giáo viên, với mục đích kết hợp hỗ trợ kiến thức cho học sinh với mức học phí nhỏ thì việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng sẽ chưa hoàn toàn quản lý được về mặt thực tiễn. Khi điều kiện kinh doanh khó khăn, khả năng dạy chui, học chui sẽ phát sinh. Do đó, quy định nên kết hợp với thực tiễn nhu cầu cuộc sống để hợp lý và dễ thực thi.
Quy định pháp luật về dạy thêm, học thêm
Căn cứ theo Điều 4 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDDT có quy định dạy thêm, học thêm cụ thể về các trường hợp không được phép dạy thêm như sau: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông;
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.