Dạy thêm, học thêm tràn lan: Phụ huynh 'kêu trời', nhiều nơi có lệnh cấm

18-09-2023 10:48 | Thời sự

SKĐS - Mới bước vào năm học mới được hơn một tuần nhưng nhiều phụ huynh cho biết con mình đang phải đi học thêm rất nhiều.

Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thuXử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu

SKĐS - Đầu năm học mới, vấn đề lạm thu trường học lại trở thành đề tài gây bức xúc của phụ huynh. Nhiều tỉnh thành yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng thu sai quy định.

Vừa vào năm học đã học thêm kín tuần

Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học đều thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng sau giờ học chính khóa buổi chiều, nhiều em vẫn phải đi học thêm ở trung tâm hoặc ở những lớp học thêm do chính giáo viên chủ nhiệm dạy.

Tuần 2 buổi, khi con tan học buổi chiều, chị Đỗ H.Thu (ở Mỹ Đình, Hà Nội) lại chở con gái năm nay lên lớp 4 đến lớp học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm học trong 90 phút với chi phí 300.000 đồng/2 buổi/tuần.

"Ở lớp học thêm nhà cô gần như là cả lớp con tôi đều đi học. Thấy bảo năm lớp 4 là năm học rất quan trọng của cấp 1 nên sau khai giảng là tôi đã đăng ký cho con đi học thêm ngay. Ngoài học thêm Toán và Tiếng Việt tại nhà cô thì con tôi còn học thêm 1 tuần 2 buổi Tiếng Anh ở trung tâm. Con đi học mà cả gia đình đều quay cuồng đưa đón, mệt mỏi và tốn kém nhưng không có cách nào khác", chị Thu chia sẻ.

Anh Nguyễn Phú Thanh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 9 cho biết, khai giảng xong là các nhóm phụ huynh lớp con trai anh xôn xao đăng ký học thêm các lớp để ôn luyện cho việc thi chuyển cấp.

"Ngay ngày đầu tiên sau khai giảng, khi học xong trên lớp là con tôi đi học thêm buổi đầu tiên ở nhà cô giáo chủ nhiệm với thời gian 150 phút và giá 300.000 đồng/buổi. Buổi học thêm môn Ngữ văn này cô dạy 1 tuần 1 buổi. Ngoài ra, trong một tuần con tôi sẽ đi học thêm 1 buổi Toán, 2 buổi Tiếng Anh và 2 buổi cho môn chuyên để năm tới con sẽ đăng ký thi vào một số trường chuyên".

Nhiều phụ huynh cho biết, mặc dù không bị ép nhưng giáo viên tổ chức lớp dạy thêm nên sợ khi kiểm tra đánh giá các nội dung không có phần dạy học ở trên lớp hoặc ở trên lớp con học không đủ kiến thức để đi thi.

Dạy thêm, học thêm tràn lan: Nhiều nơi ban hành lệnh cấm - Ảnh 2.

Sau một ngày học tập ở trường, học sinh hối hả đến các trung tâm học thêm.

Ban hành nhiều lệnh cấm dạy thêm, học thêm

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, nhiều địa phương yêu cầu các trường dừng dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.

Để kịp thời chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường, Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở triển khai lại các nội dung quy định trước đó cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng quy định. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, địa phương này cũng đã quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm....

Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo trách nhiệm quản lý; thường xuyên theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo quy định về dạy thêm học thêm và các quy định của pháp luật có liên quan. Quản lý, tổ chức có chất lượng dạy và học chính khóa. Trực tiếp tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm đối với cán bộ, giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý.

Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri về việc sửa đổi thay thế thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, về dạy thêm, học thêm trong các cấp học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT. Sau khi luật Sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.


"Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm"'Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm'

SKĐS - Nói về trường hợp không được dạy thêm, học thêm trong các cấp học hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn