Cựu giáo viên chỉ ra những 'chiêu trò' ép học sinh học thêm

29-09-2023 16:08 | Thời sự

SKĐS - Ép học sinh học thêm bằng đủ các mánh khóe như viết đơn tự nguyện, chèn vào giờ chính khóa, đưa tiết chính khóa cài vào buổi học thêm, trả bài chính khóa trong buổi học thêm, phân biệt đối xử, cố tình gây khó dễ bằng điểm số; liên kết với bên ngoài…

Căn nguyên là do đâu?

Thời gian qua, nhiều phụ huynh bức xúc trước vấn nạn dạy thêm và học thêm hiện nay. Nhiều người có chung một câu hỏi là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Là người gắn bó và luôn tâm huyết với ngành Giáo dục, trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, một thầy giáo từng có nhiều năm làm trong ngành giáo dục, hiện là một chuyên gia với nhiều bài viết về lĩnh vực giáo dục cho rằng, muốn dẹp được nạn dạy thêm, học thêm thì điều tiên quyết là phải chỉ ra được nguyên nhân sản sinh ra nó.

Có 4 nguyên nhân chủ yếu khiến việc dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại, đó là:

Thứ nhất, nội dung chương trình giáo dục khô cứng, cách dạy nhàm chán, máy móc, nặng tính văn mẫu... Chính tính chất này làm cho học sinh chán học, mệt mỏi, không tiếp thu tốt và vì thế lại càng phải dùng nhiều biện pháp để bắt thuộc bài, dẫn đến học sinh đã chán càng chán hơn, thậm chí dẫn đến phản ứng tiêu cực từ các em. Do đó, giáo viên cần xây dựng nội dung bài học sao cho hấp dẫn, mang tính khai mở; có phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động giáo dục lôi cuốn, kích thích tư duy...

Hiện nay, cấp tiểu học được thiết kế 2 buổi/ngày, mục đích là buổi 2 dành cho các hoạt động thể chất, nghệ thuật, năng khiếu, trải nghiệm... nhằm giúp các em cân bằng và phát triển hài hòa. Nhưng phần lớn các nhà trường đã không những không thực hiện yêu cầu tối quan trọng này mà thay vào đó, họ đưa các trung tâm hay các giờ học thêm vào chiếm chỗ, biến thành học thêm để thu tiền. Vì vậy, vấn đề là lập lại kỷ cương để các em được thụ hưởng một nền giáo dục thực chất, tử tế và phát triển hài hòa.

Dạy thêm - học thêm do đâu? - Ảnh 1.

Một tiết học trên lớp của học sinh. Ảnh minh họa.

Thứ hai, thi cử nặng nề cả về nội dung lẫn sự khốc liệt trong "tỉ lệ chọi" đã dẫn đến một cuộc đua và đẩy học sinh vào con đường học thêm. Tuy nhiên nếu quan sát chi tiết hơn thì sẽ thấy điều này không đúng cho tất cả. Ví dụ, với học sinh tiểu học, đâu có thi cử gì nhưng chính ở cấp học này nạn học thêm dường như lại trầm trọng nhất.

Áp lực thi cử chủ yếu là đối với học sinh lớp 9 chuyển cấp lên lớp 10 và học sinh 12 thi vào đại học. Chúng ta biết rằng, thi vào lớp 10 công lập là một mục tiêu to lớn của cả học sinh và phụ huynh thành phố, vì áp lực tài chính nếu học trường tư; nhưng câu chuyện công/tư chủ yếu là vấn đề đối với các đô thị lớn chứ nông thôn thì cơ bản không có áp lực này. Trong khi đó, tỉ lệ dân số giữa nông thôn và thành thị của Việt Nam hiện tại là 2/1, tức nông thôn gấp 2 lần thành phố. Tuy nhiên, như chúng ta đang thấy, nạn học thêm không chừa bất cứ đâu. Ở thành phố lớn khốc liệt hơn là bởi mật độ dân số cao hơn chứ không có nghĩa là nông thôn không có rình trạng dạy thêm tràn lan.

Thứ ba, vì thành tích của nhà trường, nhất là với những trường THPT chuyên, trường chất lượng cao.

Thứ tư, vì tiền. Đây mới là nguyên nhân chính. Nếu vì chất lượng, vì sự phát triển của học sinh thì các nhà trường sẽ thực hiện đầy đủ và hiệu quả chương trình giáo dục quốc dân. Ví dụ, đối với tiểu học quy định học 2 buổi/ngày với buổi 2 là các nội dung thể dục, thể thao, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm, thì nhà trường phải tổ chức cho các em, nhưng nhiều nơi họ đem thời gian ấy của các em bán lại cho các trung tâm để chia lợi nhuận.

Bên cạnh đó là ép học sinh học thêm bằng đủ các mánh khóe chiêu trò, như viết đơn tự nguyện, chèn vào giờ chính khóa, đưa tiết chính khóa cài vào buổi học thêm, trả bài chính khóa trong buổi học thêm, phân biệt đối xử, cố tình gây khó dễ bằng điểm số; liên kết với bên ngoài…

"Không ai cấm dạy thêm nhưng phải tuyệt đối cấm dạy thêm trong nhà trường và cấm giáo viên đang làm việc trong hệ thống giáo dục công tổ chức và dạy thêm. Đây là biện pháp ngăn ngừa có tính nguyên tắc mà bất cứ một xã hội nào nếu muốn quản trị được thì cũng sẽ phải thực hiện. Còn các giáo viên nếu muốn dạy thêm thì phải ra khỏi hệ thống giáo dục công và tự do hành nghề bằng cách mở trung tâm hay tự dạy ở nhà", thầy giáo này cho biết.

Có cấm được việc dạy thêm, học thêm?

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, cử tri một số địa phương đã gửi kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quản lý và xử lý nghiêm hơn việc dạy thêm, học thêm. Trả lời kiến nghị trên bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT quy định, hướng dẫn việc này.

Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Thông tư 17 cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm là: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đồng thời trách nhiệm của Sở GD&ĐT là cơ quan đầu mối thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này. Sở sẽ chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp, nhiều văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm nhưng GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhìn nhận, vấn đề học thêm vẫn tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm nay chứ không phải bây giờ mới xảy ra.

Việc cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là rất khó, bởi nhu cầu dạy thêm và học thêm là một thực tế cả với lý do chính đáng và không chính đáng.

Để chấn chỉnh tình trạng này, thay vì không quản được thì cấm, ngành giáo dục cần nhìn thẳng và giải quyết căn nguyên, gốc rễ của vấn đề, trong đó có vấn đề chính sách tiền lương. "Nhà nước cần có cách làm đột phá, tiến hành cải cách chính sách tiền lương, theo hướng ưu tiên lương giáo viên có tính đặc thù, chứ không xếp theo bậc hành chính sự nghiệp", GS. Nguyễn Mậu Bành đề xuất.

Bộ GD&ĐT "tuýt còi" việc dạy chèn môn liên kết vào giờ học chính khóaBộ GD&ĐT 'tuýt còi' việc dạy chèn môn liên kết vào giờ học chính khóa

SKĐS - Thời gian qua, dư luận xã hội xôn xao việc nhiều trường đưa môn học/hoạt động giáo dục liên kết với đơn vị ngoài vào giờ học chính khóa. Sau khi có nhiều phản ánh, Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo mới.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn