Hà Nội

Làm gì để dạy thêm, học thêm không biến tướng, làm ‘hại’ trẻ?

16-10-2022 09:48 | Thời sự

SKĐS - Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm không chỉ trở thành gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đối với nhiều gia đình mà vấn đề học thêm quá đà còn chiếm hết thời gian vui chơi hay tham gia các hoạt động khác, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.

Trẻ bị áp lực tâm lý: Cha mẹ hãy trở thành người bạn của conTrẻ bị áp lực tâm lý: Cha mẹ hãy trở thành người bạn của con

SKĐS - Thời gian gần đây, nhiều trẻ gặp những vấn đề tâm lý ở mức nghiêm trọng, có hành vi tiêu cực, thậm chí là tự tử. Để nhận diện những bất thường và hỗ trợ con, PGS.TS. Trần Thu Hương cho rằng, cha mẹ cần trở thành người bạn của con, giúp con tự tin để có những bước đi vững chắc trong cuộc đời sau này.

Ban ngày học ở trường, buổi tối học sinh cuống cuồng "chạy" đến các trung tâm học thêm, luyện thi

Ghi nhận tại một cổng trường trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội), gần 21 giờ, bên ngoài cổng trường hàng chục phụ huynh đứng xếp hàng chờ đợi để đón con về. Một số phụ huynh cho biết, nơi đây là địa điểm dạy thêm ngoài giờ do giáo viên của các trường thuê mượn, chủ yếu nhận dạy cho học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp.

Chờ con ở cổng, chị Đ.A.N - phụ huynh có con đang học lớp 9 một trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân cho hay, một tuần 3 buổi, cứ mỗi buổi chiều sau giờ làm là chị lại cuống cuồng lạng lách qua các cung đường ùn tắc ở Thủ đô để về nhà đưa đón con kịp giờ ở các lớp học thêm.

Dạy thêm, học thêm: Phụ huynh cần tỉnh táo để bảo đảm sức khỏe cho con - Ảnh 2.

Học sinh tan ca học thêm lúc 21 giờ đang chờ bố mẹ tới đón.

Chị N. cho biết, kỳ thi tuyển vào lớp 10 đang đến rất gần, để chuẩn bị cho con thi vào các trường điểm, trường chuyên, đa số phụ huynh ở lớp con chị đều không ngại đầu tư thời gian, tiền bạc với mong muốn con được điểm cao, được vào các trường chuyên, tốp đầu, trường có danh tiếng. Vì thế, ngay từ đầu năm học, không ít phụ huynh đã hối hả cho con đăng ký học thêm, luyện thi.

"Hơn 1 tháng nay, ban ngày thì con tôi học chính khóa ở trường, từ 5h chiều là con sẽ đi học thêm ở nhà cô hoặc trung tâm. Hành trình đưa đón con cứ như một cỗ máy, khi tan ở các lớp học thêm về đến nhà cũng là 9-10 giờ đêm, vội vàng tắm rửa, ăn uống rồi con lại ngồi vào bàn để làm bài tập về nhà cho buổi hôm sau. Dù có xót con thì tôi cũng không biết làm thế nào, có hôm con phải ăn bữa tối ngay trên xe để đến lớp học thêm cho kịp giờ", chị N. chia sẻ.

Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 - 2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Theo đó, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%.

Chia sẻ thêm với PV, anh Phú Thanh cũng có con năm nay thi chuyển cấp cho biết, ngoài đăng ký các lớp học thêm môn Toán, Văn cho con, anh còn cho con theo học lớp Tiếng Anh trực tuyến của một giáo viên có tiếng dạy. 

"Vì lo lắng con không đủ kiến thức để thi chuyển cấp nên tôi đã đăng ký cho con theo lớp học online với 10 cháu và chi phí một buổi học là 300.000đ. Tính ra một tháng, chi phí học thêm của con tôi cho 3 môn Toán, Văn, Anh và một môn chuyên lên tới gần 5 triệu đồng. Nếu không cho con học thêm cô giáo của lớp tổ chức thì ngại mà theo thì lại thừa vì con đã học thêm online giáo viên nổi tiếng, vừa tốn kém, con lại phải học quá nhiều không còn thời gian nghỉ ngơi".

Dạy thêm, học thêm: Phụ huynh cần tỉnh táo để bảo đảm sức khỏe cho con - Ảnh 4.

Cứ vào khung giờ 19, 20, 21 giờ, cổng trường này lại chật kín phụ huynh chờ đón con sau ca học thêm.

Qua tìm hiểu, việc dạy thêm, học thêm không chỉ diễn ra đối với các lớp chuẩn bị chuyển cấp mà ở tất cả các cấp học, các lớp học từ lớp 1 đến 12. Với các trẻ trước khi vào lớp 1, cha mẹ đã phải tìm các lớp "tiền tiểu học" để cho con học đọc, học viết trước bởi tâm lý nhiều người cho rằng, tất cả các bạn đều học trước, nếu con mình không học sẽ bị chậm, sẽ tự ti khi đi học chính thức. Rồi phụ huynh gửi con học thêm ở lớp cô chủ nhiệm với mong muốn con mình sẽ được "quan tâm hơn", vì lo ngại con không học sẽ không tiếp thu được kiến thức mà "chỉ ở chỗ học thêm mới được học" hoặc vì ngại cô nên cho con đi học thêm…

Chị Lê Thái (Đống Đa, Hà Nội) có 2 con đã học hết bậc học phổ thông nêu quan điểm: "Tôi không phản đối việc học thêm, bởi rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm và trong một số trường hợp là cần thiết. Nếu thầy cô dạy thêm để học sinh lấy lại kiến thức cơ bản cho những học sinh yếu hoặc bồi dưỡng cho học sinh giỏi thì rất đáng hoan nghênh, còn dạy thêm kiểu tràn lan như hiện nay thì đó là chuyện kinh doanh của một số giáo viên. Tôi thấy việc học thêm một cách quá đà như hiện nay thì thật tai hại. Các con quay cuồng với việc học thêm nên nhiều học sinh hiện nay thiếu hụt cơ bản kỹ năng sống, có lẽ đó cũng là lý do ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra hay việc nhiều học sinh ứng xử chưa đúng mực với người lớn, thầy cô...".

Đừng để việc học thêm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ

GS.TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc học thêm, dạy thêm xảy ra trong 2 trường hợp là khi phụ huynh mong muốn con em mình có học lực giỏi hơn yêu cầu đầu ra của chương trình hoặc do các nhà trường giảng dạy chưa theo đúng chương trình, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu khiến học sinh buộc phải học thêm mới đạt chuẩn về mặt kiến thức, kỹ năng.

"Trường hợp học sinh học trong chương trình chính khóa rồi vẫn không đạt thì cần tìm nguyên nhân để khắc phục. Thực chất không cần dạy thêm một cách đại trà, ồ ạt như hiện nay mà chỉ cần dạy kèm thêm, phụ đạo cho những học sinh có năng lực thấp hơn. Tôi khuyến khích việc dạy thêm, phụ đạo cho những học sinh yếu kém để các em bắt kịp với các bạn trong lớp. Trường hợp học sinh muốn học thêm để nâng cao năng lực, có thể khuyến khích tinh thần tham học hỏi ở các em, song phụ huynh cũng không nên để con học thêm quá nhiều gây quá tải. Tránh tình trạng thời gian học thêm chiếm hết thời gian vui chơi, hoạt động khác, điều này không những không giúp các em giỏi hơn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ".

Dạy thêm, học thêm: Phụ huynh cần tỉnh táo để bảo đảm sức khỏe cho con - Ảnh 5.

GS.TS Đinh Quang Báo chia sẻ, nhiều phụ huynh hiện nay có tâm lý không cho con đi học thêm thì không cảm thấy yên tâm, tâm lý này khá phổ biến. Với những người có điều kiện kinh tế, việc cho con đi học thêm không phải quá đáng ngại về mặt chi phí, thế nhưng với những gia đình không có đủ điều kiện, việc học thêm sẽ tạo ra một áp lực kinh tế khá lớn cho phụ huynh. Phụ huynh cũng cần hiểu rằng, không phải học sinh nào đi học thêm cũng hiệu quả. Nhiều gia đình cứ gửi con cho thầy dạy thêm mà không biết khi đến lớp học thêm con có thực sự học hay không, việc học ấy có hiệu quả hay không. Hay việc nhiều học sinh học thêm theo kiểu chạy "sô", ăn chưa hết bát cơm đã vội đi học, liệu các em có đủ trí nhớ, sức khỏe và tâm lý để học tiếp hay không.

Để giải quyết căn nguyên của vấn đề dạy thêm, học thêm, theo TS. Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục cho rằng, khi chưa giải quyết được những bất cập cốt lõi của nền giáo dục thì việc dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục là một thách thức, rất khó chấn chỉnh bằng những mệnh lệnh hành chính.

"Tôi nghĩ ngay từ ban đầu nên thay đổi từ câu chuyện là đánh giá giáo viên. Nếu như chúng ta đánh giá giáo viên bằng thành tích của học sinh bắt buộc những câu chuyện này sẽ bị biến tướng. Nhưng nếu như chúng ta đánh giá giáo viên bằng chính sự tiến bộ của học sinh, lúc đó câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Một đứa trẻ mà lúc mới vào học học rất là kém nhưng càng ngày càng khá hơn với sự trợ giúp của cô giáo bằng những kỹ năng và kiến thức của cô lúc đó những cố gắng của cô nên được đền đáp và lúc đó việc dạy thêm học thêm thể trở lại đúng tính chất của nó".

Chia sẻ thêm với các bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con năm nay thi chuyển cấp phải đi học thêm nhiều, cô Nguyễn Thu Hiền - giáo viên một trường THCS tại Hà Nội khuyên các bậc phụ huynh cần tỉnh táo lựa chọn các lớp học thêm cho con. Nếu môn học nào con bị hổng kiến thức thì nhờ cô giáo phụ đạo thêm, tránh trường hợp cho con đi học thêm theo phong trào, theo sở thích của con hoặc vì ngại cô.

"Việc phụ huynh đưa con em mình đến nhiều lớp ôn luyện với lịch học dày đặc, thậm chí một môn học với nhiều thầy cô sẽ không hiệu quả, khiến các con căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe. Tác dụng ngược là các con sẽ sợ học, dẫn đến tâm lý muốn buông xuôi".

Dạy thêm, học thêm: Phụ huynh cần tỉnh táo để bảo đảm sức khỏe cho con - Ảnh 6.

20 giờ, nhiều đoạn đường ở Hà Nội có các trung tâm luyện thi cũng ùn ứ do phụ huynh xếp hàng chờ đón con tan ca ở các lớp học thêm.

Cô Hiền cho rằng, học sinh cần tích cực chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Bài nào quá khó hoặc chưa thực sự hiểu, các em nên đánh dấu và hỏi giáo viên trên lớp, tránh trường hợp phải đi học thêm lại chính những kiến thức mà thầy cô đã giảng trước đó ở trường. Ngoài ra, các em học sinh cần có một thời gian biểu thật rõ ràng, nghiêm túc như: học môn gì vào giờ nào, thời gian nào cần giải lao và nghỉ ngơi…

"Với các em thi chuyển cấp, việc luyện thi cần kết hợp giải lao thư giãn hợp lý để tái tạo năng lượng và tinh thần như ngủ một giấc ngắn nếu hôm trước các em ngủ quá ít hoặc thức quá khuya, hay thể dục nhẹ nhàng, giúp bố mẹ việc nhà, xem các chương trình giải trí nhẹ nhàng... Trường hợp nếu các em rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi thái quá, hãy chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn sẽ có được lời khuyên hoặc giải pháp thích hợp.

Trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Hưng Yên mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường.

Trước đó, năm 2019 và 2020, Bộ GD&ĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ KH-ĐT đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua nhưng bất thành.

Từ chuyện chi "chăm cô" đến việc có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh?Từ chuyện chi 'chăm cô' đến việc có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh?

SKĐS - Ban đại diện cha mẹ học sinh với chức năng chính là phối hợp với nhà trường chăm lo đời sống sinh hoạt, nâng cao chất lượng học tập của học sinh nhưng thực tế tại nhiều trường, lợi dụng tinh thần "tự nguyện", ban này đưa ra các khoản thu "trên trời" gây bức xúc.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn