Theo công văn 10176/TH gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn học 2 buổi/ngày cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT nêu rõ: Việc dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đảm bảo chất lượng của bậc tiểu học, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc giáo dục trẻ em của gia đình và xã hội, góp phần giải quyết vấn đề quá tải và dạy thêm học thêm tràn lan tiêu cực ở các trường tiểu học. Việc dạy học 2 buổi/ngày chỉ tổ chức ở những nơi có nhu cầu và có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, được sự đồng ý của các cấp quản lý có thẩm quyền…
Theo quy định về kế hoạch dạy học cấp tiểu học thì buổi sáng không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết (cả ngày không quá 7 tiết, một tuần không quá 35 tiết). Như vậy, khoảng 15 giờ 20 hàng ngày, học sinh kết thúc thời gian học chính khoá.
Vì lý do phụ huynh khó sắp xếp công việc để đón con sớm hay ngoài giờ học không có giáo viên quản lý được số lượng lớn học sinh, do đó, việc tổ chức các lớp học tăng cường ở tiết cuối (tiết 8), ngoài bồi dưỡng năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh còn đồng nghĩa với việc học sinh được quản lý chặt chẽ thông qua các nội dung, hoạt động học tập.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nhiều nơi một số trường lại xếp các tiết học thêm, tiết học liên kết xen kẽ tiết học chính khóa hay việc học sinh phải đi học thêm do chính cô chủ nhiệm mở lớp… đã khiến phụ huynh bức xúc.
Các địa phương cấp tốc rà soát, chấn chỉnh
Mới đây, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Theo đó, hiện có nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện hoạt động liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sôngs nên để Sở GD&ĐT có thông tin quyết định trong việc chỉ đạo liên kết dạy học trong các trường học, Sở đề nghị trường THPT, các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của đơn vị mình, báo cáo về Sở GD&ĐT TP.Hải Phòng trước ngày 30/9.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, khoản thu đầu năm học là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Do đó, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết chống lạm thu từ ngành giáo dục, các trường, cơ sở giáo dục đã tính toán, cân nhắc đối với những khoản thu.
Sở GD&ĐT và Sở Tài chính cũng sớm có văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục, định mức thu, chi trả tiền dạy Tiếng Anh tăng cường cấp tiểu học trên địa bàn. Ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định. Cùng đó có chỉ đạo về văn bản, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các khoản thu đầu năm học; xử lý nghiêm trường hợp bị phụ huynh phản ánh xảy ra tình trạng lạm thu.
Sở GD&ĐT An Giang cũng mới có văn bản gửi các cơ sở giáo dục, chỉ đạo không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi, giữ và chăm sóc học sinh. Nhà trường và giáo viên tuyệt đối không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để gợi ý hay ép buộc học sinh tham gia.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá. Sở này cũng quy định việc dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.
Trước đó, Phú Thọ ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, trong đó nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ yêu cầu các trường, giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Sở GD&ĐT Nam Định cũng có văn bản gửi các trường THPT, phòng GD&ĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 - 2024. Theo đó, Sở yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học.
Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo các phòng GD&ĐT và nhà trường trên địa bàn tạm dừng việc liên kết với trung tâm dạy kỹ năng sống; đồng thời rà soát về con người, cơ sở vật chất, thẩm định chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường.
Trong khi nhiều địa phương đã yêu cầu các trường dừng dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức và chấn chỉnh các khoản thu chi đầu năm học thì Hà Nội - một trong những "điểm nóng" được rất nhiều phụ huynh phản ánh có tình trạng chèn giờ học thêm, học tăng cường vào giờ học chính khóa của học sinh lại chưa có động thái chấn chỉnh việc này.
Tháng 3/2023, trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm ngày càng nở rộ, bất chấp lệnh cấm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện một số quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như: nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Thông tư 17 cũng nêu rõ, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…".