Dấu hiệu mắc giun đũa chó mèo do lây từ thú cưng

13-08-2024 15:57 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mới đây, người phụ nữ 42 tuổi nuôi 3 con chó và 5 con mèo bị sẩn ngứa khắp cơ thể, khi nhập viện được bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo. Làm thế nào để phát hiện sớm căn bệnh này?

Ngứa da uống thuốc dị ứng không đỡ, cẩn thận với nhiễm giun đũa chó mèoNgứa da uống thuốc dị ứng không đỡ, cẩn thận với nhiễm giun đũa chó mèo

SKĐS- Giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó mèo, thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Ghi nhận thực tế có bệnh nhân tiêu chảy, ngứa 10 năm không biết mình nhiễm giun đũa chó, mèo. Vậy chẩn đoán căn bệnh này thế nào?

Bệnh giun đũa chó mèo hay gặp ở những người nhiễm phải trứng giun đũa chó hoặc ăn thịt của vật chủ có chứa ấu trùng. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ và nông dân, tuy nhiên ngày nay nhiều người nuôi thú cưng nên cũng dễ mắc phải căn bệnh này.

Bệnh giun đũa chó mèo do tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati. Ấu trùng của loài giun này gây tổn thương cho cơ thể người khi chúng xâm lấn vào các cơ quan như gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt…

Các giun đũa chó mèo này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1 - 2 tuần, các trứng này sẽ hóa phôi (giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng), tiếp theo các ấu trùng giun đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương (nơi các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngưng phát triển).

Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn như gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt…

Dấu hiệu mắc giun đũa chó mèo do lây từ thú cưng- Ảnh 2.

Bệnh giun đũa chó mèo gặp ở những người nhiễm phải trứng giun đũa chó hoặc ăn thịt của vật chủ có chứa ấu trùng.

Làm sao để biết bản thân mắc bệnh giun đũa chó mèo?

Hầu hết những người bị nhiễm Toxocara không có bất kỳ triệu chứng nào nên dễ bị bỏ qua. Một số bệnh nhân có biểu hiện sẩn ngứa ngoài da nên dễ nhầm lẫn với bệnh lý các chuyên khoa khác.

Có hai thể bệnh, bệnh giun đũa chó mèo nội tạng, hay còn được gọi là thể ấu trùng di chuyển nội tạng và bệnh giun đũa chó mèo ở mắt, còn được gọi là thể ấu trùng di chuyển ở mắt.

- Thể ấu trùng di chuyển nội tạng chủ yếu gặp ở trẻ < 5 tuổi với các triệu chứng: Sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), các globulin miễn dịch IgM, IgG và IgE trong máu tăng. Ngoài ra, có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn.

- Thể ấu trùng di chuyển ở mắt, gặp ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt, đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng).

Việc chẩn đoán bệnh Toxocariasis cần dựa vào sự kết hợp giữa dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm. Trong đó xét nghiệm công thức máu cho thấy tăng bạch cầu ái toan được ghi nhận ở những người bệnh nhiễm giun đũa chó mèo thể ấu trùng ký sinh nội tạng.

Xét nghiệm phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo (ELISA) được dùng để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, ở người nhiễm giun đũa chó mèo thể ấu trùng ký sinh ở mắt hiệu giá kháng thể trong huyết thanh có thể thấp hoặc không phát hiện được. Có thể chụp CT hoặc MRI giúp phát hiện tổn thương tại các cơ quan như gan, phổi hay não.

Phòng bệnh giun đũa chó, mèo như thế nào?

Để phòng ngừa bệnh Toxocariasis, mọi người cần hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác. Với người nuôi thú cưng định kỳ tẩy giun cho chó, mèo 3 - 6 tháng/lần, bên cạnh đó không để phân chó mèo phát tán ra môi trường.

Cần tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, không thả rông chó mèo, rọ mõm cho chó mèo khi ra nơi công cộng.

Không chơi đùa, ôm ấp chó mèo, nhất là nơi có chó, mèo thải phân. Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

Hạn chế tối đa tiếp xúc các vật chủ nhạy cảm, chó mèo bị nhiễm và môi trường nghi ngờ có bệnh. Nếu có triệu chứng nghi ngờ như nổi mẩn ngứa, đau tức vùng gan, sốt không rõ nguyên nhân… người dân nên chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và cho làm xét nghiệm để chẩn đoán sớm và điều trị bệnh tốt.

Ngày 12/8/2024, TS.BS Vũ Minh Điền – Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện là phụ nữ 42 tuổi bị sẩn ngứa khắp cơ thể và được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo.

Bên cạnh triệu chứng ngứa, lòng và mu bàn tay trái người bệnh xuất hiện vệt dài loằng ngoằng, nổi gồ. Xét nghiệm ký sinh trùng và kháng thể dị ứng, kết quả dương tính với giun đũa chó mèo. Bác sĩ nhận định vệt gồ trên tay bệnh nhân là do sự di chuyển của ấu trùng giun đũa chó mèo dưới da. Bệnh nhân làm nghề nông, cho biết đang nuôi 8 con vật, gồm 3 con chó và 5 con mèo. Sau điều trị tích cực, bệnh nhân hết ngứa, vết ban trên tay liền sẹo.

Khi nào cần xét nghiệm ký sinh trùng ở người?Khi nào cần xét nghiệm ký sinh trùng ở người?

SKĐS - Có rất nhiều bệnh lý liên quan đến nhiễm ký sinh trùng như nhiễm giun đũa chó mèo, sán chó, sán lợn... nhưng các biểu hiện này thường không rõ ràng. Vậy khi nào cần đi xét nghiệm ký sinh trùng để chẩn đoán bệnh?


Ths. BS. Nguyễn Thị Thùy Dung
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn