Ăn tiết canh, nem chạo... dễ nhiễm bệnh giun xoắn

26-01-2024 15:13 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Tiết canh, nem chạo là món ăn được nhiều người ưa thích. Nhiều người cho rằng 'lợn sạch nhà nuôi là an toàn', tuy nhiên, nếu ăn nem chạo, tiết canh, lòng lợn, thịt nấu chưa chín kỹ… sẽ rất dễ bị lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh giun xoắn.

Nhiễm giun xoắn do đâu?Nhiễm giun xoắn do đâu?

Cách đây hơn 1 tháng, cả bố và em trai tôi đều đột nhiên xuất hiện sốt cao, đau cơ, đi lại khó khăn, xuất hiện phù ở mặt làm cả gia đình rất lo lắng. Đi khám ở Viện nhiệt đới được chẩn đoán là nhiễm giun xoắn, điều trị hiện đã khỏi. Tôi muốn hỏi vì sao em bị nhiễm bệnh này?

Bệnh giun xoắn ở người gây ra bởi một loại giun tròn thuộc giống Trichinella. Trong thiên nhiên nhiều động vật mang ký sinh trùng này.

Người bị nhiễm giun xoắn là do ăn phải thịt sống hoặc thịt chưa nấu chín có nhiễm Trichinella Spiralis. Nếu thường xuyên ăn nem chạo, tiết canh, lòng lợn, thịt nấu chưa chín kỹ… thì sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh giun xoắn. Các ghi nhận cho thấy giun xoắn thường lây qua đường ăn uống.

Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người

Khi người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và di chuyển đến ruột non. Ở ruột non sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4 - 5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng.

Trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần, ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh bất cứ nơi đâu và tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm.

Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hóa dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh giun xoắn

Tất cả mọi nhóm tuổi và giới tính đều có thể mắc bệnh giun xoắn, không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, nhóm tuổi trung niên và thanh niên là hay gặp nhất, có thể đây là nhóm tuổi thường tham gia ăn uống liên quan đến nguồn bệnh. Trẻ em có khả năng đề kháng với nhiễm giun xoắn hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng của chúng có thể nặng hơn và trẻ em cũng có ít biến chứng, phục hồi bệnh nhanh hơn so với các nhóm khác qua một vài nghiên cứu.

Các yếu tố nhiễm giun xoắn còn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống, do thích ăn các loại thịt lợn còn tái, sống, chưa chế biến kỹ; Phương pháp bảo quản thực phẩm và chế biến thịt lợn tái, sống chưa thích hợp; Phương thức chăn nuôi lợn thả rông hoặc bán thả rông của một số nhóm dân tộc bản địa; Người có sở thích ăn thịt thú rừng, tình trạng săn bắn và mua bán thú rừng không qua kiểm soát cũng sẽ dễ nhiễm giun xoắn.

Ăn tiết canh, nem chạo... dễ nhiễm bệnh giun xoắn- Ảnh 2.

Bệnh giun xoắn ở người gây ra bởi một loại giun tròn thuộc giống Trichinella.

Biểu hiện khi bị nhiễm giun xoắn

Tùy từng người sẽ có các biểu hiện khác nhau, xong nhìn chung khi bị nhiễm giun xoắn thì người bệnh có các biểu hiện như sau:

  • Có biểu hiện phù mi mắt, mặt, phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.
  • Biểu hiện sốt nhẹ sau tăng dần.
  • Biểu hiện đau sưng cơ, đổ mồ hôi, mất ngủ.
  • Người bệnh có cảm giác kiến bò.

Ngoài ra, người bệnh nhiễm giun xoắn có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.

Ở một số trường hợp sẽ có các biến chứng về tim mạch và thần kinh như: Viêm cơ, viêm phổi, viêm não. Tùy theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn, trường hợp nặng có thể tử vong do suy tim.

Trên thực tế cho thấy tổn thương cơ có thể gây ra vấn đề khó nhai, khó nuốt, khó thở, tùy thuộc vào cơ thuộc cơ quan nào liên quan. Triệu chứng nặng, nghiêm trọng nhất là viêm cơ tim, thường xảy ra tuần thứ 3 sau khi nhiễm, tử vong xảy ra giữa tuần thứ 4 - 8, chú ý cơ hô hấp và cơ tim. Các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra đồng thời, thường liên quan đến hệ thần kinh trung ương.

Người ta ước tính khoảng 10 - 20% bệnh nhân mắc bệnh giun xoắn Trichinella Spiralis có triệu chứng thần kinh trung ương liên quan và tỷ lệ tử vong do nó gây ra khoảng 50% nếu bệnh nhân không điều trị đúng và kịp thời.

Phòng bệnh nhiễm giun xoắn

Để phòng bệnh giun xoắn tuyệt đối không nên ăn các loại thức ăn từ thịt động vật chưa được nấu nướng kỹ như tiết canh, gỏi, nem chua, nem chạo, lạp xưởng, thịt hun khói... hoặc các thức ăn còn sống, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi khi ăn phải các thực phẩm này sẽ có nguy cơ bị nhiễm giun xoắn.

Nên loại bỏ tập quán, thói quen khoái khẩu với món tiết canh, nem chạo... để tránh mang họa vào thân, làm ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình.

Không được sử dụng thịt của các loại động vật bị ốm hay bị chết để chế biến thức ăn, vì điều này sẽ giúp bạn không bị giun xoắn làm ổ trong người.

BS Lê Thị Hằng
Ý kiến của bạn