Ngứa da uống thuốc dị ứng không đỡ, cẩn thận với nhiễm giun đũa chó mèo

25-05-2024 17:42 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó mèo, thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Ghi nhận thực tế có bệnh nhân tiêu chảy, ngứa 10 năm không biết mình nhiễm giun đũa chó, mèo. Vậy chẩn đoán căn bệnh này thế nào?

Ngứa, tiêu chảy 10 năm mới biết nhiễm giun đũa chó, mèo

Mới đây đại diện Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Trung ương) cho biết, người đàn ông 32 tuổi bị ngứa dữ dội 10 năm qua, uống nhiều thuốc dị ứng nhưng không đỡ. Sau đó bệnh nhân đã đến khám Bệnh viện Đặng Văn Ngữ trong tình trạng nhiều mảng da trầy xước kèm vết ngoằn ngoèo như giun bò.

Kết quả xét nghiệm máu phát hiện người bệnh nhiễm giun đũa chó mèo. Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân nuôi thú cưng, thường xuyên tiếp xúc, âu yếm vật nuôi.

Trước đó không lâu, bệnh viện cũng tiếp nhận người phụ nữ 64 tuổi, bị tiêu chảy 10 năm không chữa khỏi, cơ thể ốm yếu, suy kiệt, kết quả xét nghiệm phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, thường xuyên nôn ói, tiêu chảy. Trên cơ thể người bệnh thi thoảng có những vết ngoằn ngoèo giống giun bò dưới da.

Gia đình cho biết, người phụ nữ làm nông nghiệp, gia đình và hàng xóm nuôi nhiều chó mèo. Kết quả xét nghiệm máu phát hiện bà nhiễm giun đũa chó mèo ký sinh trong đường tiêu hóa, đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy nhiều năm. Người bệnh được chỉ định dùng thuốc điều trị đặc hiệu để làm giảm sự phát triển của ấu trùng.

Ngứa da uống thuốc dị ứng không đỡ, cẩn thận với nhiễm giun đũa chó mèo- Ảnh 1.

Ấu trùng giun đũa chó, mèo gây gây nổi dát đỏ, mày đay, ngứa.

Các thể bệnh giun đũa chó, mèo

Bệnh giun đũa chó mèo (Toxocariasis) do tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Ấu trùng của loài giun này gây tổn thương cho cơ thể người khi chúng xâm lấn vào các cơ quan như: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt…

Các giun đũa chó mèo này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hóa phôi (giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng), tiếp theo các ấu trùng giun đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương (nơi các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngưng phát triển).

Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn: Gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt…

  • Thể ấu trùng di chuyển nội tạng, chủ yếu gặp ở trẻ < 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), các globulin miễn dịch IgM, IgG và IgE trong máu tăng. Ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn.
  • Thể ấu trùng di chuyển ở mắt, gặp ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt với đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng).

Chẩn đoán xác định giun đũa chó mèo

Ngứa da uống thuốc dị ứng không đỡ, cẩn thận với nhiễm giun đũa chó mèo- Ảnh 2.

Cần rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với chó mèo.


Bất kì ai cũng có thể nhiễm giun đũa chó, mèo, trẻ em và người nuôi chó hoặc mèo có nguy cơ bị nhiễm hơn so với người không nuôi. Ấu trùng giun đũa chó, mèo khi nhiễm qua người sẽ di chuyển nhiều nơi gây rối loạn ở các cơ quan nội tạng khác nhau và có những biểu hiện lâm sàng, đặc biệt ở da thì gây nổi dát đỏ, mày đay, ngứa.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo bao gồm: Xét nghiệm máu; Xét nghiệm miễn dịch huyết thanh; Xét nghiệm sinh học phân tử PCR trong mô hay dịch cơ thể ;Xét nghiệm sinh thiết mô để tìm ấu trùng trong mô, cơ quan…

Các xét nghiệm khác có thể được chỉ định như: chụp X-quang, CT-scan, MRI, chụp mạch có chất màu fluorescein để phát hiện các ổ ấu trùng ký sinh trong các bộ phận trên cơ thể.

Trên thực tế cho thấy ấu trùng giun đũa chó, mèo có thể phân tán rộng trong cơ thể và không phải lúc nào làm sinh thiết cũng phát hiện được ấu trùng. Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm loại ký sinh trùng khác có thể gây nhiễm chéo hoặc dương tính giả cho xét nghiệm. Huyết thanh chẩn đoán ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) có thể dương tính chéo với các trường hợp nhiễm giun, sán khác (giun đũa, giun móc, giun lươn, giun chỉ hệ bạch huyết, sán lá gan lớn, sán dây).

Tóm lại: Bệnh giun đũa chó, mèo không lây từ người sang người nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là hạn chế tiếp xúc với chó, mèo.

Vệ sinh môi trường không để chó mèo phóng bế bừa bãi. Cần rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với chó mèo. Không đi chân đất. Ngoài ra, cần ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống để tránh nhiễm giun đũa chó, mèo.

Mắt lác không còn lòng đen vì nhiễm giun đũa chóMắt lác không còn lòng đen vì nhiễm giun đũa chó

Một bé trai 12 tuổi, mắt bỗng dưng bị lác hoàn toàn không còn nhìn thấy lòng đen. Ca bệnh hiếm gặp nhiễm giun đũa chó khiến cả Viện Mắt Trung ương và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đều “bó tay”.

BS. Trần Văn Kiên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn