Hà Nội

Một số bệnh giun sán hay gặp ở trẻ em: Nhận biết và cách phòng ngừa

20-01-2022 15:41 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Bệnh giun sán là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, trẻ em dễ bị nhiễm giun hơn do trẻ hiếu động hay lê la trên sàn nhà, rồi đưa tay vào miệng hoặc có khi đánh rơi đồ xuống đất rồi lại nhặt lên ăn.

Nhận biết sớm nhiễm giun sánNhận biết sớm nhiễm giun sán

SKĐS - Tôi bị ngứa 2 lòng bàn tay bàn chân, uống thuốc bổ gan không đỡ, nghe nói đây có thể là nhiễm giun sán. Tôi muốn biết dấu hiệu sớm của bệnh giun sán và các biến chứng của bệnh?

1. Tổng quan về bệnh giun sán ở trẻ nhỏ

Hiện có trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người. Tỷ lệ nhiễm giun sán cũng rất cao, nhiều trường hợp gây biến chứng nguy hiểm như: Thiếu máu nặng do giun móc, giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, ho ra máu do sán lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, viêm não, màng não có bạch cầu ái toàn tăng do giun tròn. Hầu hết giun sán không gây được miễn dịch bảo vệ, nên sau khi khỏi người bệnh vẫn bị tái nhiễm.

Các bệnh do giun, sán ký sinh làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Hầu hết các trẻ bị nhiễm giun, sán đều nhẹ cân hơn so với trẻ cùng lứa tuổi. Những trẻ bị nhiễm giun, sán với số lượng nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến việc học tập do không đủ sức khỏe để đi học và thường xuyên bị mất tập trung trong lúc học tập do các tác hại của bệnh nhiễm giun.

2. Nguyên nhân gây nhiễm giun sán

Nguyên nhân chính là do giun sống trong ruột người, hàng ngày chúng đẻ ra rất nhiều trứng. Trứng theo phân ra ngoài đất phát triển rồi lại quay trở lại nhiễm bệnh cho người khác theo các con đường khác nhau chủ yếu là qua đường tiêu hóa.

Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ (như nem chua, tiết canh…); ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch; uống nước chưa đun sôi; nguồn nước sinh hoạt không đủ vệ sinh.

Trẻ bị nhiễm giun khi đưa các đồ chơi bẩn vào miệng. Cầm, nắm thức ăn, sau khi đi đại tiện mà không rửa tay. Người lớn không rửa tay sạch khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.

photo-1642507810933

Bệnh giun sán thường gặp ở trẻ em và là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe.

3. Triệu chứng và chẩn đoán trẻ nhiễm giun sán

Tuỳ từng loại giun sán mà trẻ nhiễm sẽ có các biểu hiện khác nhau. Dưới đây là một số loại giun sán mà trẻ hay mắc.

3.1. Nhiễm giun ở trẻ

- Giun đũa:

Triệu chứng lâm sàng chủ yếu dễ nhận thấy:

Trẻ xanh xao, ăn kém ngon.

Biểu hiện ở phổi gây ra hội chứng Loeffler: Ho đờm có thể lẫn máu, đôi khi sốt. Khi có nhiều ấu trùng vào phế nang và phế quản có thể gây nên viêm phế quản, viêm phổi.

Ngoài da: Nổi mề đay, phát ban không đặc hiệu.

Đường tiêu hóa: Đau bụng, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy đôi khi phân mỡ. Giun có thể cuộn thành búi gây tắc ruột, có thể chui vào ống mật gây viêm túi mật, tắc mật, áp-xe gan; chui vào ống dẫn tụy gây viêm tụy, có khi chui qua thành ruột gây viêm phúc mạc.

Chẩn đoán giun đũa: Soi phân tìm trứng giun đũa. Xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu ái toan tăng là dấu hiệu gợi ý

- Giun kim:

Lứa tuổi nhiễm nhiều nhất là 3-7 tuổi. Tỉ lệ nhiễm ở trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ rất cao. Bệnh nhiễm giun kim mang tính chất gia đình.

Triệu chứng lâm sàng: Trẻ bị nhiễm giun kim thường khó ngủ, thức giấc nửa đêm, khóc đêm, đái dầm, đôi khi tiêu phân lỏng do buổi tối giun hay bò ra ngoài hậu môn đẻ trứng gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ. Nếu trẻ luôn tay để gãi thì trứng giun có thể dính vào móng tay và khi cầm thức ăn sẽ gây tái nhiễm.

Chẩn đoán giun kim: Tìm trứng giun trong phân qua phương pháp quệt (swab) hoặc dán băng keo vào vùng hậu môn buổi sáng trong vài ngày liên tiếp.
photo-1642507817301

Giun sán có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ.

- Giun móc:

Thường gặp ở những trẻ em sống trong các vùng làm rẫy, làm ruộng đi chân đất.

Triệu chứng lâm sàng:

Toàn trạng chung: Mệt mỏi xanh xao, thiếu máu.

Ngoài da: Nơi ấu trùng xâm nhập rất ngứa ngáy, ửng đỏ, nổi mụn nước.

Phổi: gây ra hội chứng Loeffler như giun đũa.

Tiêu hóa: Đau bụng, ăn không ngon, khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đôi khi thấy phân đen.

Chẩn đoán giun móc: Dựa vào vùng dịch tễ, bệnh cảnh lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định soi phân thấy trứng giun móc, có thể thấy hồng cầu.

- Giun tóc (Trichuris Trichiura):

Nhiễm giun tóc gây ra những rối loạn tiêu hóa không đáng kể nhưng đôi khi có biểu hiện xuất huyết trực tràng và sa trực tràng. Chẩn đoán giun tóc: Tìm trứng trong phân.

- Giun chó (Toxocara Canis):

Thường gặp ở những trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Trẻ bị nhiễm thường mệt mỏi, sốt nhẹ, đôi khi đau hạ sườn phải hoặc than đau đầu kéo dài.

Chẩn đoán: Thường dựa vào bạch cầu ái toan tăng trong máu và huyết thanh chẩn đoán.

- Giun xoắn (Trichinella):

Trẻ bị nhiễm do ăn phải thịt lợn hoặc thịt ngựa có chứa ấu trùng của giun xoắn. Triệu chứng rất đặc trưng:

Tiêu chảy

Sốt cao

Phù mặt và mí mắt

Đau cơ cũng thường gặp nhưng đôi khi khó xác định rõ nơi trẻ em.

Chẩn đoán: Thường dựa vào tập hợp các bằng chứng, triệu chứng lâm sàng biểu hiện trong gia đình và trong vùng, ăn thịt heo hoặc thịt ngựa. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu ái toan tăng, tăng Enzyme cơ.

photo-1642507820651

Chu trình tái nhiễm giun sán giữa môi trường xung quanh và trẻ em.

- Giun lươn (Strongyloides Stercoralis):

Người bị nhiễm khi ấu trùng dạng lây nhiễm trong đất nhiễm phân xâm nhập qua da và niêm mạc. Giun lươn có điểm khác biệt với các loại giun sán khác là khả năng nhân đôi trong cơ thể người.

Thường thì không có triệu chứng. Biểu hiện ngoài da thường gặp nhất là nổi mề đay tái phát ở mông và cổ tay. Ấu trùng di chuyển tạo ra những đường ngoằn ngoèo răng cưa đặc trưng cho bệnh - ấu trùng chạy - tổn thương dạng hồng ban, nhô cao và ngứa. Giun trưởng thành đào đường hầm vào trong niêm mạc ruột non gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chảy máu đường tiêu hóa, viêm đại tràng mạn tính. Nếu nhiễm sớm và nặng có thể gây ra tắc ruột non, nhiễm trùng huyết khi nhiễm nặng.

Chẩn đoán: Dựa vào tìm ấu trùng trong phân. Huyết thanh chẩn đoán trong trường hợp nhiễm giun lươn không biến chứng.

3.2. Nhiễm sán ở trẻ em

Nhiễm sán nơi trẻ em thường ít gặp hơn nhiễm giun, biểu hiện lâm sàng cũng không ồ ạt thường là không có triệu chứng, đôi khi gây ra rối loạn tiêu hóa như chán ăn, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, trẻ sẽ chán ăn và đưa đến suy dinh dưỡng. Bệnh nhiễm sán ở người bắt đầu bằng sự xâm nhập trực tiếp qua tiếp xúc ở da hay hệ tiêu hóa. Bệnh xuất hiện ở nhiều vùng địa lý và có thể gây ra một tỉ lệ bệnh đáng kể đôi khi tử vong.

- Bệnh sán máng (Schistosomasis):

Thường gặp ở những người đi bơi hay lội qua vùng nước ngọt, do ấu trùng đuôi xâm nhập qua da, tùy theo vùng địa lý sẽ bị nhiễm loại sán khác nhau.

Biểu hiện lâm sàng thay đổi tùy theo loài gây bệnh và mật độ nhiễm sán:

Sốt

Viêm da

Triệu chứng ở đường tiêu hóa đặc trưng là đau bụng kiểu đại tràng, gan to, đôi khi tăng áp tĩnh mạch cửa.

Chẩn đoán: Dựa vào sự phối hợp giữa tiền sử bệnh lý, biểu hiện lâm sàng đặc trưng và sự hiện diện của trứng trong các chất bài tiết kết hợp với huyết thanh chẩn đoán.

- Bệnh sán lá gan:

Bệnh sán lá Clonorchis: Là do nhiễm Clonorchis Sinensis, người bị nhiễm do ăn cá nước ngọt chứa ấu trùng đuôi trưởng thành còn sống hoặc nấu không kỹ.

Triệu chứng lâm sàng không rõ ràng thường là không có triệu chứng, có thể gây đau mơ hồ vùng hạ sườn phải nếu nhiễm sán ở mức độ trung bình và nặng.

photo-1642507823966

Bệnh giun sán làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

- Bệnh sán lá phổi:

Do nhiễm sán lá phổi Paragonimus Westermani, người bị nhiễm do ăn phải ấu trùng nang lây nhiễm trong cơ và nội tạng của tôm và cua nước ngọt.

Triệu chứng biểu hiện rõ rệt trên những người bị nhiễm sán ở mức độ trung bình hay nặng, thường là ho khạc đờm nâu hay ho ra máu, có thể có dấu hiệu của viêm màng phổi. Trong trường hợp mạn tính có thể gặp biểu hiện của viêm phế quản hay dãn phế quản.

Chẩn đoán: Dựa vào việc phát hiện trứng sán trong đờm hoặc trong phân. Huyết thanh chẩn đoán có giá trị trong trƣờng hợp tìm trứng cho kết quả âm tính.

- Bệnh sán dây:

+ Bệnh sán dây bò do Taenia Saginata: Người bị nhiễm do ăn thịt bò sống hoặc chưa nấu chín. Biểu hiện lâm sàng có thể đau nhẹ hay khó chịu ở bụng, buồn nôn, ăn mất ngon, mệt mỏi và sụt cân. Bệnh nhân biết mình nhiễm sán thường là thấy các đốt sán trong phân.

Chẩn đoán: Được xác định khi phát hiện ra trứng hoặc đốt sán trong phân, nếu không tìm thấy có thể kiểm tra vùng hậu môn bằng cách dán 1 dải giấy bóng kính như cách tìm giun kim. Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu ái toan.

+ Bệnh sán dây heo do Taenia solium và bệnh do Cysticercus: Người bị nhiễm do ăn thịt lợn nấu không chín. Nhiễm T. Solium ở ruột thường là không có triệu chứng, thỉnh thoảng bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, sụt cân và tiêu chảy. Bệnh nhân có thể thấy đốt sán ra theo phân.

+ Bệnh sán dây chó do nhiễm Echinococcus Granulosus hay E. Multilocularis: ký chủ vĩnh viễn là chó, thải trứng qua phân. Bệnh thường gặp ở các vùng có gia súc nuôi chung với chó. Bệnh nhân bị nhiễm Echinococcus ở gan có triệu chứng thường đau bụng hay sờ thấy khối u ở vùng hạ sườn phải. Có triệu chứng giống như sỏi mật tái phát và nghẽn mật có thể gây vàng da.

Chẩn đoán: X quang phổi có thể phát hiện các nang ở phổi. CT ngực khối u hoặc vách nang can xi hóa Huyết thanh chẩn đoán có thể có giá trị nhưng nếu âm tính không loại trừ được nhiễm Echinococcus.

photo-1642507828065

Thường xuyên rửa tay hàng ngày là biện pháp tốt nhất để phòng giun, sán.

4. Phòng ngừa nhiễm giun sán

Nước ta là một quốc gia có khí hậu nóng ẩm, dân số đông đúc và điều kiện môi trường vệ sinh có phần hạn chế, đây là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nhiều loại giun sán khác nhau. Bởi vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng trong đó cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường cụ thể. Thường xuyên rửa tay hàng ngày là biện pháp tốt nhất để phòng giun, sán.

Gia đình cần tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Người lớn trong gia đình cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chế biến thức ăn.

Chú ý cần ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không được uống nước lã, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn đồ tái. Che đậy thức ăn không để chuột, gián bò vào. Trước khi ăn, nên nấu nóng lại, kể cả đồ ăn để trong tủ lạnh.

Sử dụng nguồn nước đảm bảo an toàn để chế biến thức ăn, vệ sinh cơ thể. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Chú ý vệ sinh thân thể: Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần trẻ đi đại tiện, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi.

Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn luôn phải giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sạch, vệ sinh môi trường, không để phân làm ô nhiễm nguồn nước, nhốt súc vật xa khỏi nơi sinh hoạt của gia đình… Nhắc nhở hướng dẫn trẻ thường xuyên đi giày dép, không đi chân đất…

Cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Tất cả mọi người trong gia đình, kể cả người lớn, cũng phải chữa trị giun, sán cùng lúc với trẻ thì bệnh mới hết triệt để.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục


BS Trần Hoàng Kim
Ý kiến của bạn