Tình trạng bị nhiễm giun sán qua thực phẩm rất hay gặp, điều này khiến nhiều người lo lắng. Vậy, những thực phẩm nào dễ nhiễm ký sinh trùng, những món ăn được ưa chuộng có nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng cho người hay không?
Nhiễm ký sinh trùng là gì?
Nhiễm ký sinh trùng là bệnh lý phổ biến thường gặp ở quốc gia có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới do các loại giun, sán, bọ chét, chí, ve, rận… sống ký sinh ở người thông qua các đường lây nhiễm như lây qua đất, qua da, đường tiêu hóa, từ động vật sang người…
Khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người, chúng hút máu hoặc chất dinh dưỡng của con người để sinh sôi, phát triển, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể như tổn thương gan, não, phổi, thận, suy dinh dưỡng, thiếu máu… nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Việt Nam là một nước thuộc vùng nhiệt đới, có điều kiện khí hậu và tập quán sinh hoạt thuận lợi cho sự phát triển của ký sinh trùng như nhiễm giun, sán, sốt rét…
Các loại ký sinh trùng lây truyền qua thực phẩm
Giun đũa
Có ở rau hoặc trái cây chưa được nấu chín kỹ, chưa được rửa sạch và bóc vỏ. Đây là loại sống ký sinh gây bệnh và đẻ trứng trong ruột, trứng theo phân ra ngoài, nếu con người sử dụng phân người bệnh làm phân bón để bón hoa màu, trứng sẽ phát tán ra môi trường.
Người nhiễm giun đũa là do ăn phải trứng có trên các loại rau hoặc trái cây chưa được nấu chín kỹ, chưa được rửa sạch, bóc vỏ. Những người bị nhiễm giun đũa thường bị đau bụng, nhiễm nặng có thể gây tắc nghẽn đường ruột và làm giảm tốc độ tăng trưởng ở trẻ em.
Ấu trùng Anisakiasis
Có ở cá, mực còn sống hoặc nấu chưa chín, Anisakiasis là một bệnh ký sinh trùng gây ra bởi giun tròn. Một số loài động vật có vú dưới biển bị nhiễm bệnh thải phân xuống biển, trứng có trong phân được giải phóng và nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này được động vật giáp xác ăn phải, sau đó các loài cá nhỏ (cá hồi, cá trích) hoặc mực ăn động vật giáp xác, ấu trùng di chuyển vào dạ dày cá, mực.
Khi con người ăn cá, mực còn sống hoặc nấu chưa chín có chứa ấu trùng Anisakiasis, thì ấu trùng sẽ vào bên trong cơ thể con người, ấu trùng có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa gây viêm thực quản, dạ dày, ruột.
Sán dải heo
Có ở thịt lợn chưa được nấu chín có chứa nang ấu trùng. Người nhiễm bệnh bài xuất phân ra ngoài môi trường, trứng phát tán trên cỏ, đất và ký chủ trung gian là heo nuốt phải trứng hoặc đốt sán, trứng di chuyển đến ruột của heo, phôi được phóng thích xuyên qua thành ruột vào máu thông qua hệ thống tuần hoàn phát tán khắp cơ thể, đặc biệt là các cơ, mô dưới da, lưỡi và phát triển thành nang ấu trùng (Cysticercus).
Con người ăn thịt lợn chưa được nấu chín có chứa nang ấu trùng sẽ theo đường tiêu hóa xuống ruột, dưới tác dụng của men tiêu hóa, đầu sán được giải phóng ra ngoài và phát triển thành giun trưởng thành, sống ký sinh và gây bệnh cho con người
Sán dây cá
Có ở cá sống hoặc chưa được nấu chín có chứa ấu trùng Diphyllobothriumlatum (sán dây cá) là loài sán dây lớn nhất ký sinh ở con người, trong lòng ruột chúng đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài. Nếu gặp điều kiện thuận lợi trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng bơi chu du trong nước bị động vật giáp xác (chân chèo) ăn phải, ấu trùng vào trong ruột, sau đó chui qua thành ruột, khoảng 18 - 20 ngày sau phát triển thành ấu trùng Procercoid (hình túi, đuôi tròn chứa 6 móc).
Sau đó một số loài cá nước ngọt nhỏ ăn các động vật giáp xác có chứa ấu trùng, ấu trùng di chuyển vào thịt cá và phát triển thành ấu trùng Plerocercoid (Sparganum), lây nhiễm cho con người. Nếu con người ăn cá sống hoặc chưa được nấu chín có chứa ấu trùng, ấu trùng sẽ được nuốt vào bụng và phát triển thành sán dây trưởng thành cư trú và gây bệnh trong ruột non.
Giun tròn từ thực phẩm chưa nấu chín
Trichinellaspiralis là loài giun tròn sống ký sinh trên động vật ăn tạp, động vật có vú, các loài chim, chuột và một số loài gặm nhấm khác. Con người mắc phải là do ăn các loại thực phẩm được làm từ thịt của các động vật này chưa được xử lý, chưa được nấu chín có chứa u nang, các u nang này được nuốt vào ruột và bị phá vỡ dưới tác động của hệ tiêu hóa. Ấu trùng được giải phóng từ các nang sẽ xâm nhập vào ruột non, một số theo hệ thống tuần hoàn di chuyển khắp cơ thể, nhưng chủ yếu tập trung ở hệ cơ vân, có thể gặp ở cơ hoành, cơ mắt, cơ ngực, cơ liên sườn và gây bệnh ở đó.
Con đường lây truyền của các loài ký sinh trùng
Ký sinh trùng có thể lây truyền qua nhiều đường khác nhau như: Tiêu hóa, bề mặt da, lây qua máu, động vật, côn trùng…
Nhiễm ký sinh trùng theo đường tiêu hóa: Ký sinh trùng có thể có mặt trong thực phẩm hoặc nguồn nước, khi chúng ta ăn thực phẩm chưa nấu chín, nước uống chưa đun sôi. Nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa sẽ có một số biểu hiện như: Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi…
Nhiễm ký sinh trùng khi tiếp xúc bề mặt da: Một số loài ký sinh trùng tấn công vào cơ thể chúng ta thông qua tiếp xúc bề mặt da như bọ chét, chí, rận, ve…
Nhiễm ký sinh trùng lây qua động thực vật: Nhiều loài ký sinh sống trên động vật như giun đũa của chó, mèo, khi chúng ta ôm hôn, vuốt ve, tiếp xúc với động vật, vô tình sẽ nhiễm bệnh.
Nhiễm ký sinh trùng khi đi du lịch: Một số ký sinh trùng chỉ phát triển đặc trưng ở một số quốc gia, khu vực khí hậu thuận lợi. Khi chúng ta đi du lịch, tham quan các địa điểm này có thể nhiễm ký sinh trùng, ví dụ ở Châu Phi có loại giun tròn Dracunculus Medinensis mà Việt Nam không có.