Hà Nội

Có một bảo tàng của ngành y giữa lòng Hà Nội

01-04-2021 07:32 | Tin nóng y tế

SKĐS - “Em vui quá hôm nay được mở cửa cho khách đến thăm, đã lâu lắm rồi em mới lại được làm công việc này...”.

Câu nói của My Sim - cán bộ Phòng Tổ chức hành chính, Trường Đại học Dược Hà Nội – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý Nhà truyền thống y tế khiến chúng tôi không khỏi suy ngẫm về một kho tư liệu quý giá hào hùng của ngành y tế dường như đang bị lãng quên theo thời gian.

My Sim tâm sự: "Cứ có ai đến đây thăm là em vui lắm, vì hàng ngày chỉ có em cùng một vài anh chị ở phòng thay nhau lên quét dọn, quét dọn xong thì lại đóng cửa đi về".

Gắn bó với Nhà truyền thống y tế đến nay cũng ngót 5 năm, nhưng My Sim ít khi được vinh dự “mở cửa” cho khách, bởi lượng khách ghé thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả sinh viên trong trường và sinh viên ngành y cũng chẳng khi nào đặt chân đến.

Cũng theo cô gái trẻ, những người đến đây chủ yếu là lấy thông tin, chụp ảnh tư liệu về ngành y. Nhiều khi My Sim cũng trăn trở và đã từng nghĩ, nếu có khách ghé thường xuyên hơn, cô sẽ tình nguyện trở thành một hướng dẫn viên để thuyết minh cho mọi người được biết về “bảo tàng” này.

Hình ảnh bên ngoài Nhà truyền thống y tế.

My Sim gắn bó với Nhà truyền thống y tế đã ngót 5 năm, dành nhiều tình cảm cho ngôi nhà đặc biệt này nhưng cô vẫn đau đáu nỗi niềm "giá mà mọi người biết đến nó nhiều hơn...".

Khu nhà truyền thống ngành y nằm trang trọng tại tầng 2 toà nhà chính Trường Đại học Dược Hà Nội, một trong những ngôi trường có tuổi đời lâu nhất thủ đô. Đây là địa điểm có giá trị truyền thống lịch sử lâu đời hơn 110 năm gắn liền với sự ra đời của trường Y khoa Đông Dương (năm 1902).

Từ đường Lê Thánh Tông bước vào cửa chính Trường Đại học Dược Hà Nội, bạn có thể nhìn thấy dòng chữ NHÀ TRUYỀN THỐNG Y TẾ được mạ vàng đặt trang trọng chính giữa cầu thang. Trường Đại học Dược Hà Nội đã bố trí 4 phòng rộng để lưu giữ lại những kỷ vật vô giá của ngành y.

Nhà Truyền thống y tế (số 15 phố Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) như một "bảo tàng" về dòng chảy và sự phát triển của ngành y tế. Đến thăm nhà truyền thống, chúng tôi như được “chạm” vào một miền ký ức đầy vinh dự, vẻ vang lẫn bi tráng của ngành y tế từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Căn phòng đầu tiên là Khu khánh tiết, trưng bày tượng Bác Hồ với ngành y tế. Không gian này cũng lưu giữ những hiện vật, các văn bản, Nghị quyết của Đảng, các chủ trương chính sách về y tế và các thành tích mà ngành Y tế cách mạng Việt Nam đã đạt được từ khi thành lập đến nay.

Bước sang căn phòng lớn thứ 2 chính là một bức tranh toàn cảnh về quá trình phát triển của ngành Y tế từ thời Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Danh y Tuệ Tĩnh cho đến y tế trước cách mạng tháng 8/1945 đến nay với các mốc lịch sử: giai đoạn trước 1945, từ 1945 - 1955, 1955 - 1975 và 1975 đến nay.

Toàn cảnh Nhà truyền thống y tế...

Rất nhiều tư liệu quý giá, với cách bố trí khoa học đã dựng lên bức tranh toàn cảnh về lịch sử ngành y.

Nán lại ở góc trưng bày kỷ vật về cố Giáo sư, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - vị Bộ trưởng Y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, bạn không khỏi nghẹn ngào. Một chiếc cặp da nhuốm thời gian, một vài dụng cụ y tế đơn sơ trong thời chiến nhưng đã cứu giúp và trao lại sự sống cho bao người…

Bước tiếp vào trong, trước mắt chúng tôi là tượng đài “y tế vì sự phát triển của giống nòi” với hình ảnh nữ cán bộ y tế ân cần bên người mẹ và 2 đứa trẻ. Chỉ với tượng đài đơn sơ thế mà như đang chứa đựng một sức mạnh của niềm tin sự cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân của các thế hệ y bác sĩ.

Nhà truyền thống tái hiện sinh động ngành y tế Việt Nam từ trước cách mạng tháng 8/1945 đến cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Những thành tựu và sự phát triển của ngành y tế sau năm 1975.

Cũng tại “bảo tàng” này, người xem như được sống lại một thời gian khó nhưng đầy tự hào về những chiến sĩ ngành y trong cuộc kháng chiến giành độc lập độc lập dân tộc.

Mô hình phòng mổ dã chiến trong chiến tranh được tái hiện sinh động với hình ảnh các y bác sĩ cấp cứu người bệnh trong điều kiện hết sức khó khăn giữa bom rơi đạn lạc.

Hay hình ảnh các y bác sĩ vượt qua mọi sự bất tiện dưới lòng đất ở địa đạo Củ Chi, thiếu ánh sáng, thiếu lương thực, thiếu điều kiện vệ sinh nhưng họ đã vượt qua để chiến thắng.

Vì thế, địa đạo Củ Chi không chỉ là nơi trú ẩn mà là còn là nơi sinh sống, cứu thương… Đó chẳng phải là sự sống nảy mầm từ lòng đất mà người ta vẫn thường nói hay sao!.

Nhà truyền thống y tế cũng còn lưu lại nhiều lá thư của y bác sĩ trên khắp mọi miền đất nước, từ Hà Giang địa đầu Tổ Quốc đến miền Trung nắng cháy mưa tuôn tình nguyện ra chiến trường vì độc lập tự do của dân tộc.

Còn nhiều những kỷ vật, những kỷ niệm cả những ký ức của một thời y tế trong gian khó được tái hiện đầy sinh động…

Tại mỗi thời kỳ phát triển của đất nước và diễn biến tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân, các thế hệ lãnh đạo ngành y tế đều có những quyết sách đúng đắn giúp giải quyết mọi vấn đề cấp bách của cuộc sống.

Chắc hẳn nhiều bác sĩ thế hệ ngày nay không thể biết rằng, trong quá khứ ngành y tế đã có các phong trào 5 mục tiêu 5 dứt điểm và chúng ta đã có những thành công lớn.

Khi xem những tư liệu này, chúng tôi lại không khỏi ngỡ ngàng và liên tưởng đến đại dịch COVID-19 vừa qua khi thông điệp 5K - "lá chắn thép" phòng chống dịch cũng được ngành y tế khuyến cáo kịp thời đến nhân dân.

Tại Lễ khai trương Nhà truyền thống y tế nhân kỷ niệm 60 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/ 2/2015), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế) đã từng chia sẻ: "Nghề Y là nghề đặc biệt, một trong những nghề cao quý nhất trong xã hội. Nghề chữa bệnh cứu người đầy ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả. Nhà truyền thống y tế đã mô tả giúp người xem hiểu và thấy được lịch sử phát triển và những thành tựu của ngành Y tế cách mạng Việt Nam hơn 60 năm qua.

Đến nay, dù tư liệu hiện vật còn khiêm tốn nhưng Nhà truyền thống y tế đã tái hiện giúp người xem hiểu và thấy được lịch sử phát triển và ngành y tế.Ngoài kế thừa và phát huy giá trị lịch sử, nhà Truyền thống ngành y tế còn có ý nghĩa trong công tác truyền thông, giáo dục truyền thống lịch sử lòng yêu ngành, yêu nghề cho các thế hệ thầy thuốc. Nhà truyền thống sẽ phát huy được hết giá trị ý nghĩa giáo dục truyền thống của ngành Y tế, trở thành địa chỉ tin yêu của cán bộ y tế".

Mỗi hiện vật, mỗi mô hình, như những mảnh ghép nhỏ cho một bức tranh tổng thể về ngành y để các cán bộ y tế thêm phần tự hào và phát huy những giá trị cao quý đó.

Hãy đừng để những giá trị mà bao nhiêu thế hệ thầy thuốc xây đắp vun trồng bị lãng quên....

Nghề Y là nghề đặc biệt, một trong những nghề cao quý nhất trong xã hội. Nghề chữa bệnh cứu người đầy ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả.


Lịch sử Nhà truyền thống y tế

Nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử của ngành y Việt Nam cho các thế hệ thầy thuốc, bác sĩ, chiến sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế và cộng đồng xã hội, ngày 12/12/1998, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Nhà Truyền thống y tế đặt tại trường Cán bộ quản lý ngành y tế (138 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) và giao cho Trường Cán bộ quản lý ngành y tế là đơn vị trực tiếp tổ chức xây dựng theo đúng dự án đã được phê duyệt.

Sau một thời gian sưu tầm tư liệu hiện vật, hình ảnh và tổ chức cải tạo sửa chữa Nhà Truyền thống ngành y tế được khánh thành tại tầng 3, Nhà A1 trường Đào tạo cán bộ quản lý ngành y tế (nay là Đại học Y tế công cộng) vào ngày 10/1/2003.

Bộ trưởng đương nhiệm lúc đó, giáo sư Trần Thị Trung Chiến cùng ba vị Bộ trưởng tiền nhiệm cố giáo sư Đỗ Nguyên Phương, cố giáo sư Phạm Song và giáo sư Nguyễn Trọng Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, các cán bộ giáo sư lão thành của ngành đến dự và cắt băng khánh thành nhà Truyền thống y tế.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngành Y tế làm theo lời Bác (27/2/1955 - 27/2/2015), tháng 8/2015, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Y tế đã có Nghị quyết di chuyển nhà truyền thống y tế từ Trường Đại học Y tế công cộng (138C Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) về địa điểm mới số 15 phố Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội và giao Trường Đại học Dược Hà Nội quản lý, tổ chức xây dựng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Ngày 15/01/2015 được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế với sự hợp tác tích cực của các Vụ, Cục và các cơ quan tham mưu, hai trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội việc cải tạo sữa chữa và tổ chức di dời trưng bày nhà truyền thống y tế mới chính thực được bắt đầu tiến hành và khai trương đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2015.

Nguyễn Hồng - Phạm Hiệp
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn