Cố bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ học tập, noi theo

07-05-2019 20:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh viện Phổi Trung ương vừa tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh Anh hùng lao động, cố Bộ trưởng Y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (7/5/1909 – 7/5/2019). Nhân dịp này, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức cuộc thi tìm hiểu về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cuộc thi đã thu hút rất đông y bác sĩ là các đoàn viên thanh niên của bệnh viện tham gia.

Sáng 7/5, đại diện Bộ Y tế cùng Ban lãnh đạo BV Phổi Trung ương đã dâng hương tưởng niệm nhân 110 năm ngày sinh Anh hùng lao động, cố Bộ trưởng Y tế, bác sĩ  Phạm Ngọc Thạch. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam và cũng là Viện trưởng Viện chống lao đầu tiên.

Ban lãnh đạo Bv Phổi Trung ương cùng đại diện Bộ Y tế dâng hương tưởng niệm ngày sinh cố Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Chiều cùng ngày, BV Phổi Trung ương đã tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Đây là dịp để các đoàn viên thanh niên BV Phổi Trung ương tham gia tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của BS Phạm Ngọc Thạch, qua đó nâng cao hiểu biết, đẩy mạnh tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức của bác sỹ Phạm Ngọc Thạch nhất  là đối với thế hệ trẻ, lực lượng nòng cốt với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm sẽ tiếp tục viết tiếp những hoài bão và quyết định tương lai.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung , Giám đốc BV Phổi Trung ương phát biểu tại cuộc thi

Phát biểu tại cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phối Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ học tập, noi theo. Việc thế hệ trẻ tìm hiểu về cố bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho thấy một tín hiệu vui, đó chính là sự quan tâm của thế hệ trẻ với truyền thống của bệnh viện, ngành y. "Chúng ta có thể tin tưởng vào thế hệ trẻ, họ sẽ là những người kế thừa, tiếp nối truyền thống để đưa bệnh viện  đi lên", PGS Nhung nhắn nhủ.

Các đội thi vui vẻ trả lời câu hỏi trong cuộc thi

Tham gia cuộc thi Tìm hiểu về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có  3 đội với tên gọi Đoàn kết, Năng động, Sáng tạo, với thành viên là các y bác sĩ của các khoa, phòng trong bệnh viện. Các đội thi trải qua 3 vòng thi: Khởi động, Tăng tốc và Về đích với các câu hỏi về cuộc đời sự nghiệp của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, phần thi về đích mỗi đội phải thuyết trình về đôi câu đối nói về BS Phạm Ngọc Thạch: “Chính khách tài cao tình ái quốc./ Danh y đức trọng nghĩa thương dân.  Kết quả, đội Năng động giành giải Nhất, đội Đoàn kết giành giải Nhì, đội Sáng tạo giành giải Ba và giải ứng xử hay nhất.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung trao giải cho đội đoạt Giải Nhất

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước, là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới và có hơn 80 bài nghiên cứu bề bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Ông là người đầu tiên dùng kích sinh chất filatov tiêm vào huyệt phổi để điều trị lao có kết quả; đề xuất nghiên cứu vắc xin BCG chết thay BCG sống góp phần tích cực trong công tác phòng chống bệnh lao; dùng vi khuẩn Bacllus subtilis sống để điều trị lao và các bệnh về phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác…

Ông đã có công xây dựng một nền y tế nhân dân ở miền Bắc. Không những đề cao phong trào vệ sinh phòng bệnh, BS Phạm Ngọc Thạch còn chăm lo việc phát triển các cơ sở chữa bệnh từ Trung ương đến hầu hết các huyện xã, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân, trong hoàn cảnh rất khó khăn thiếu thốn của hậu phương lớn lúc bấy giờ.

Công lao của ông đối với ngành y tế miền Nam rất to lớn. Hơn ai hết, ông quan tâm đến chiến trường miền Nam, ngay từ sau năm 1955, ông đã tập hợp cán bộ miền Nam, phần lớn là y tá, để bổ túc thành y sĩ rồi bác sĩ, cũng như bổ túc dược tá thành dược sĩ trung học, rồi dược sĩ đại học và cử đi vào chiến trường…

Ông luôn tâm niệm, đối với bệnh “xã hội”, không thể giải quyết chỉ bằng thành lập các bệnh viện mà chủ yếu phải chữa bệnh nhân ngoài cộng đồng, phải tổ chức phòng bệnh, xây dựng mạng lưới, đào tạo cán bộ, tìm hiểu tình hình mắc bệnh… Đó chính là những kiến giải của ông với Nhà nước để thành lập Viện chống lao năm 1957, mục đích vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến. Ông chủ trương cần tích cực đem những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta. Đây cũng chính là những nội dung chủ yếu của Chương trình Chống lao Quốc gia ngày nay…


Hải Yến
Ý kiến của bạn