Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy thận cấp

08-08-2024 11:17 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy thận cấp là tình trạng suy giảm cấp tính độ lọc cầu thận trong vài giờ đến vài ngày, khiến các chất điện giải và chất thải dư thừa không được đào thải ra khỏi máu. Tuy nhiên, bệnh nhân có khả năng phục hồi hoàn toàn nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ.

1. Đông y có chữa được bệnh suy thận cấp?

Hiện tại chưa có 1 khuyến cáo nào cho thấy việc điều trị suy thận cấp bằng các thuốc Nam là mang lại hiệu quả. Do đó, không nên điều trị suy thận cấp bằng các phương pháp đông y như: châm cứu, bấm huyệt, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc nam…

2. Cách sơ, cấp cứu suy thận cấp?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy thận cấp sẽ có phương pháp sơ cứu khác nhau.

  • Nếu nguyên nhân do ngộ độc thuốc, chúng ta cần ngăn cản đường vào của thuốc, đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, gây nôn; nếu nguyên nhân do côn trùng cắn, cần hạn chế cử động, bất động chi cử động bằng nẹp, làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý; nếu bệnh nhân đột ngột đau thắt lưng, tiểu ít thương nghĩ đến các nguyên nhân bệnh lý như sỏi tiết niệu,.. cần di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Bù dịch nâng huyết áp nếu bệnh nhân có tình trạng mất nước (do tiêu chảy, nôn...).
  • Bù máu nếu mất máu cấp gây tụt huyết áp.
  • Loại bỏ chuất độc: Ví dụ rửa dạ dày trong 6 giờ đầu khi uống mật cá trắm, thuốc độc với thận...
  • Cấp cứu ban đầu cho những nguyên nhân đặc biệt: Sốc phản vệ, sốc nhiễm khuẩn.
  • Nếu đang có thiếu niệu, vô niệu: Cho thêm furosemid khi không có tình trạng mất nước và lâm sàng không nghi ngờ có tắc nghẽn sau thận.

Chăm sóc bệnh nhân suy thận cấp tại khoa Nội thận tiết niệu lọc máu - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

Chăm sóc bệnh nhân suy thận cấp tại khoa Nội thận tiết niệu lọc máu - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Quan trọng nhất là chẩn đoán và xử trí tăng kali máu:

  • Cần hạn chế ngay các rau quả nhiều kali: Cam, chuối... Khi chưa có kết quả xét nghiệm kali máu, nếu có điện tâm đồ cần làm ngay điện tim để phát hiện: Sóng T cao nhọn, đối xứng hoặc có rối loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền.
  • Nếu có dấu hiệu tăng kali máu: Cần cho ngay canxi gluconat hoặc canxi clorua 0,5g - 1g tiêm tĩnh mạch chậm trong 5 phút. Có thể tiêm nhắc lại sau 30 phút.
  • Truyền Glucose ưu trương 20%-250ml có pha Insulin. Đồng thời cho ống nhựa trao đổi ion 15g (1-2 gói) kết hợp với sorbitol để gắp kali qua niệm mạc ruột qua trao đổi ion K+ và Ca++.
  • Nếu mạch, huyết áp và tình trạng toàn thân ổn định cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ điều kiện chẩn đoán điều trị chuyên khoa.­

3. Cách chăm sóc bệnh suy thận cấp tại nhà?

  • Trường hợp suy thận cấp thể nhẹ, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, không phù, không khó thở, thể tích nước tiểu > 500ml trong 6 giờ đầu có thể theo dõi tại nhà. Nếu bệnh nhân xuất hiện một trong các triệu chứng như: khó thở, phù tăng dần, tiểu ít dần, vết thương do côn trùng cắn bầm tím, sưng nóng, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.
  • Sau khi xuất viện, bệnh nhân ăn uống trở lại bình thường, hoạt động thể lực tăng dần, tiếp tục theo dõi lượng nước tiểu trong ngày ( > 2000ml/24h là đảm bảo thận đang hồi phục tốt).
  • Trong sinh hoạt hàng ngày đặc biệt là ăn uống, vận động, người mắc suy thận cần lưu ý có chế độ dinh dưỡng lành mạnh; tránh đồ ăn nhiều muối, đường hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó cần bổ sung rau, trái cây trong thực đơn hàng ngày. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp, từng giai đoạn vì có những giai đoạn bệnh nhân phải hạn chế ăn một số loại rau, hoa quả.
  • Bệnh nhân cần uống đủ nước; tránh để tình trạng có thừa dịch trong cơ thể.
  • Thường xuyên vận động và lựa chọn chế độ vận động phù hợp với sức khỏe, không nên vận động quá nặng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân béo phì cần giảm cân.
  • Không lạm dụng thuốc lá, các chất kích thích.
  • Uống thuốc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm soát đường máu, huyết áp ổn định.
  • Thăm khám theo dõi sức khỏe định kỳ.

4. Bệnh Suy thận cấp có chữa được không?

Suy thận cấp là tình trạng suy giảm cấp tính độ lọc cầu thận trong vài giờ đến vài ngày, khiến các chất điện giải và chất thải dư thừa không được đào thải ra khỏi máu. Tình trạng này khiến các chất độc tích tụ trong cơ thể và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt nếu người bệnh có thêm các bệnh lý kèm theo như tim mạch, phổi…

Mục tiêu điều trị suy thận cấp là bảo vệ tính mạng người bệnh, phòng ngừa tử vong, tạo điều kiện thuận lợi cho thận hồi phục, giảm tối thiểu nguy cơ diễn tiến thành bệnh thận mạn. Suy thận cấp là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, tìm rõ nguyên nhân, được điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy thận cấp- Ảnh 2.

Suy thận cấp là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, tìm rõ nguyên nhân, được điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

5. Lưu ý với bệnh nhân tiểu đường, béo phì, phụ nữ có thai… mắc bệnh suy thận

Người thừa cân, béo phì bị suy thận:

  • Thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh suy thận. Béo phì gây ảnh hưởng trực tiếp đến áp lực lọc và áp lực máu tại thận, gây tổn thương tế bào có chân dẫn đến bệnh thận mạn tính và suy thận giai đoạn cuối. Người bị béo phì mắc suy thận sẽ làm quá trình điều trị gặp khó khăn. Lúc này người bệnh cần giảm cân, duy trì mức BMI hợp lý. Tuy nhiên, việc giảm cân với chế độ ăn sao cho khoa học, hợp lý cần phải có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Người tiểu đường bị suy thận.

  • Trong khoảng 3-5 người tiểu đường sẽ có một người mắc bệnh thận và biến chứng thận được xem là biến chứng nguy hiểm ở người bệnh tiểu đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên suy thận.

Để phòng ngừa nguy cơ biến chứng thận, người bệnh tiểu đường cần phải kiểm soát tốt đường máu và giảm các yếu tố nguy cơ như:

  • Giữ đường máu đạt mục tiêu.
  • Thực hiện xét nghiệm HbA1C ít nhất 2 lần mỗi năm.
  • Thường xuyên đo huyết áp và giữ huyết áp đạt mục tiêu.
  • Giữ mỡ máu đạt mục tiêu.
  • Có chế độ ăn nhạt, tăng cường rau xanh và trái cây ít ngọt.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn về chế độ ăn.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Uống thuốc theo đúng chỉ định và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Phụ nữ mang thai bị suy thận:

  • Bệnh suy thận thường diễn biến âm thầm, khó phát hiện do vậy tỷ lệ phụ nữ mang thai bị suy thận cũng hiếm gặp. Nếu phụ nữ mang thai bị suy thận, các bác sĩ chuyên khoa thận và chuyên khoa sản sẽ cần thăm khám kỹ lưỡng để đưa ra phác đồ điều trị để đem lại hiệu quả tốt nhất cho cả bà mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe và điều trị nếu có.

Bệnh nhân tiểu đường, béo phì, phụ nữ có thai… mắc bệnh suy thận cấp phải được điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thận - tiết niệu.

Thăm khám - kiểm tra sức khỏe cho Thai phụ đang điều trị tại khoa Nội tiết sinh sản Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Ảnh minh hoạ.

Thăm khám - kiểm tra sức khỏe cho Thai phụ đang điều trị tại khoa Nội tiết sinh sản Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Ảnh minh hoạ.

6. Chi phí khám, chữa bệnh suy thận cấp ?

Khi bệnh nhân suy thận cấp đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế, mức chi trả bảo hiểm y tế còn tùy thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%. Do đó, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như được báo giá chính xác.

Bài tập cho người bệnh suy thận cấpBài tập cho người bệnh suy thận cấp

SKĐS - Người bệnh suy thận cấp hoặc mạn tính thường lo lắng, căng thẳng, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh suy thận cần có chế độ tập luyện khoa học để cải thiện giấc ngủ và nâng cao chất lượng cuộc sống.


Bác sĩ Bùi Thị Dung
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn