Hà Nội

Nhiều trẻ ngộ độc thuốc và hóa chất nguy kịch, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh

22-03-2024 15:15 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Những ca ngộ độc xảy ra ở trẻ em đa phần là do sự bất cẩn của người lớn không để thuốc và hóa chất ở nơi an toàn khiến trẻ uống, ăn nhầm.

Người lớn bất cẩn, trẻ ngộ độc nguy hiểm

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho 3 chị em cùng trong một gia đình (trú tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nhập viện nguy kịch do uống nhầm thuốc Amitriptyline điều trị bệnh trầm cảm của người lớn để trong nhà. Sau khi uống, cả 3 bé rơi vào tình trạng hôn mê, co giật… gia đình đã vận chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.

Nhiều trẻ ngộ độc thuốc và hóa chất nguy kịch, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh- Ảnh 1.

Một trường hợp trẻ ngộ độc thuốc được cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Trong 3 bệnh nhi nhập viện, 2 chị gái là cháu N.H.A (8 tuổi) và cháu N.T.H.P (13 tuổi) vào viện trong tình trạng suy hô hấp, co giật, hôn mê, đồng tử 2 bên giãn 4 mm, phản xạ ánh sáng kém. Đặc biệt nguy kịch là người em trai út N.G.B. (hơn 5 tuổi) khi vào viện B. đã ngừng hô hấp, tuần hoàn. Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ có tim trở lại.

Với tình trạng quá nặng, các bác sĩ quyết định không thể chuyển tuyến do nguy cơ tử vong trên đường đi là rất cao. Nên ngay trong đêm, các bác sĩ đã phải hội chẩn liên khoa, và liên viện tới các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để thống nhất phác đồ điều trị.

3 bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày, điều trị tích cực thở máy, kiềm hóa máu và nước tiểu với dung dịch bicarbonate, truyền lipid, duy trì vận mạch, kiểm soát huyết động.

Sau một thời gian điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của 3 bệnh nhi cải thiện, được cai máy thở, không còn rối loạn ý thức, tỉnh táo, vận động tốt, không còn rối loạn nhịp... nên đã được ra viện.

Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức Chống độc, loại thuốc Amitriptyline mà các bệnh nhi uống nhầm là một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, thuốc có liều độc nguy hiểm khi hàm lượng vượt quá 10mg/kg do tác dụng độc trên tim mạch và hệ thần kinh trung ương gây ra các biến chứng nặng nề.

Hầu hết, ngộ độc thuốc chống trầm cảm 3 vòng là ngộ độc cấp tính, trên lâm sàng là rất khó tiên lượng, có thể chuyển biến nguy kịch rất nhanh chỉ trong vài giờ sau khi được đưa đến cấp cứu và có thể gây tử vong do loạn nhịp tim, hạ huyết áp hoặc không kiểm soát được các cơn co giật.

Nhiều trẻ ngộ độc thuốc và hóa chất nguy kịch, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh- Ảnh 2.

Bệnh nhi được điều trị tại Khoa Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tiếp nhận điều trị kịp thời cho bệnh nhi T.N.H. (15 tháng tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu) nhập viện do bị ngộ độc do uống dầu thắp đèn không khói.

Theo BSCKII Nguyễn Hùng Mạnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bệnh nhi T.N.H. nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng, suy hô hấp, da tái, viêm phổi nặng… Người nhà cho hay, trước khi vào viện 2 giờ, trẻ uống nhầm dầu thắp đèn, sau uống trẻ bị sặc, ho, tím tái, khó thở. Gia đình lập tức đưa trẻ đến bệnh viện trong thành phố Vinh cấp cứu.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh nặng, trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị. Sau khi thực hiện cấp cứu, tình trạng bệnh nhi vẫn không thuyên giảm nên các bác sĩ đã chuyển bệnh nhi T.N.H. lên bệnh viện tuyến trung ương để tiếp tục cấp cứu, điều trị.

"Ngộ độc do uống nhầm hóa chất rất dễ xảy ra ở trẻ em. Các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Uống nhầm thuốc, hóa chất không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, hàng năm thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc an thần của người lớn, hóa chất, trong đó chủ yếu là uống nhầm dầu thắp đèn…", BS. Mạnh cho biết thêm.

Cách phòng tránh ngộ độc ở trẻ

BS. Nguyễn Hùng Mạnh khuyến cáo, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.

Bệnh nhân ngộ độc thường gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi, đây là nhóm tuổi thích tò mò, khám phá nhưng lại chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại.

Để đề phòng trẻ ngộ độc thuốc, hóa chất... người lớn không đựng các dung dịch cọ rửa, thuốc chuột, cồn, xăng dầu… vào các vỏ chai nước suối, nước ngọt, các chai lọ với màu sắc bắt mắt, hay để thuốc ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ, vì đây chính là mối nguy hiểm tiềm tàng có thể gây ngộ độc cho trẻ.

Nhiều trẻ ngộ độc thuốc và hóa chất nguy kịch, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh- Ảnh 3.

Loại dầu thắp đèn cháu bé uống dẫn đến bị ngộ độc, viêm phổi nặng và trong tình trạng nguy kịch.

Bên cạnh đó, không ít các bậc phụ huynh có thói quen tự mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của bản thân hoặc nghe theo lời mách bảo của người xung quanh, tự dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, thậm chí còn lấy thuốc của người lớn rồi tự cho trẻ uống…

Theo các bác sĩ, phụ huynh không nên tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phải dùng thuốc theo đúng đơn và đúng liều lượng của bác sĩ kê sau mỗi lần khám. Thuốc nên được bảo quản trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng. Cần định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, vứt bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.

"Đối với trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ khi vui chơi và sinh hoạt. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đối với những trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ phân biệt những loại hóa chất độc hại, cách phân biệt các loại đồ ăn có hình dáng tương tự cũng như quan tâm đến các tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của con.

Đặc biệt, khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc . Khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp", BSCKII Nguyễn Hùng Mạnh khuyến cáo.

Ngộ độc thức ăn tại nhà uống nước gì để xử lý?Ngộ độc thức ăn tại nhà uống nước gì để xử lý?

SKĐS - Sau khi ăn nếu nghi ngờ ngộ độc với các biểu hiện đau bụng, tiêu chảy… người bệnh cần xử trí tại nhà thế nào, nên uống nước gì?


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn